MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạ lùng 'xài chùa' nhà máy nước trăm tỷ suốt hơn 10 năm

26-09-2022 - 11:36 AM | Doanh nghiệp

Lạ lùng 'xài chùa' nhà máy nước trăm tỷ suốt hơn 10 năm

Hơn 10 năm qua, Công ty CP cấp nước Ninh Thuận đã “xài chùa” nhà máy nước Phước Nam, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư hơn 230 tỷ đồng. Hiện tỉnh Ninh Thuận đã lên kế hoạch bán đấu giá nhà máy nước này để thu hồi vốn đầu tư.

Hơn 10 năm "xài chùa"

Theo Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Ninh Thuận, Dự án nhà máy nước (NMN) Phước Nam được xây dựng theo hai giai đoạn, với tổng vốn đầu tư hơn 230 tỷ đồng từ nguồn vốn vay trái phiếu Chính phủ và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Giai đoạn 1 dự án có tên Hệ thống cấp nước sinh hoạt nhân dân các xã thuộc huyện Ninh Phước và Khu công nghiệp Phước Nam, có tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng. Năm 2009, dự án được tỉnh Ninh Thuận bàn giao cho Công ty CP Cấp nước Ninh Thuận (NIWACO) quản lý, sử dụng với quyết toán kinh phí hơn 149 tỷ đồng.

Lạ lùng xài chùa nhà máy nước trăm tỷ suốt hơn 10 năm - Ảnh 1.

Công ty Cấp nước Ninh Thuận "xài chùa" NMN Phước Nam hơn 10 năm qua.

Năm 2013, giai đoạn hai của dự án có tên Hệ thống cấp nước Cà Ná - Phước Nam, tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng được tỉnh bàn giao cho Công ty CP Cấp nước Ninh Thuận quản lý, sử dụng với quyết toán kinh phí hơn 80 tỷ đồng. Sau khi nhà máy nước Phước Nam xây dựng xong, tỉnh Ninh Thuận nhiều lần đề nghị NIWACO nhận bàn giao tài sản nhà máy này để sử dụng nhưng đơn vị này từ chối và cho biết chỉ nhận nhiệm vụ quản lý.

Một lãnh đạo NMN Phước Dân (đơn vị được NIWACO giao quản lý NMN Phước Nam) cho biết, mục tiêu xây dựng NMN Phước Nam ban đầu lấy nguồn nước sông Dinh về xử lý, sau đó cung cấp nước sạch cho người dân các xã thuộc huyện Ninh Phước, cung cấp nước thô cho Khu công nghiệp Phước Nam (xã Phước Nam, huyện Thuận Nam) và Dốc Hầm - Cà Ná (xã Cà Ná, huyện Thuận Nam). Nhưng sau đó cả Khu công nghiệp Phước Nam và Cà Ná không có nhu cầu lấy nước thô, còn NMN Phước Dân đã cung cấp đủ nước cho người dân trong vùng nên NIWACO chỉ nhận quản lý chứ không nhận bàn giao tài sản, vận hành nhà máy.

Theo vị lãnh đạo này, hiện NMN Phước Dân cũng đang “mượn tạm” khoảng 7km đường ống D400 của NMN Phước Nam để bơm cấp nước sạch cho người dân trong huyện Ninh Phước. Nhưng theo quan sát tại công trình này, PV vẫn thấy công nhân NMN Phước Dân đang vận hành máy bơm, bể chứa của NMN Phước Nam.

Lạ lùng xài chùa nhà máy nước trăm tỷ suốt hơn 10 năm - Ảnh 2.

Trạm bơm NMN Phước Nam được NMN Phước Dân sử dụng để cấp nước cho người dân.

Trong khi đó, ông Đinh Viết Sơn - Phó giám đốc NIWACO - thông tin: Hơn 10 năm nay, tỉnh Ninh Thuận vẫn chưa bàn giao chính thức NMN Phước Nam cho NIWACO. Phía NIWACO cũng chỉ nhận duy trì bảo dưỡng, bảo vệ công trình. Quá trình trì bảo vệ, NIWACO định kỳ chạy bảo dưỡng nhà máy nước Phước Nam để tránh hư hỏng thiết bị máy móc.

Liên quan đến việc NMN Phước Dân sử dụng “miễn phí” đường ống cấp nước dài 7km của NMN Phước Nam mà không phải bỏ kinh phí đầu tư xây dựng, ông Sơn cho biết khi nào tỉnh bán NMN Phước Nam thì công ty sẽ thanh toán chi phí “mượn tạm” đường ống.

Sẽ đấu giá thu hồi vốn

Năm 2019, UBND tỉnh Ninh Thuận báo cáo Tỉnh ủy để bàn về hướng giải quyết số phận của NMN Phước Nam. Theo đó, các Sở, ngành ở Ninh Thuận đã đưa ra nhiều phương án xử lý.

Phương án 1 là giao NIWACO tiếp nhận, quản lý, khai thác và sử dụng. Phương án 2 thực hiện định giá tài sản và tiến hành đấu giá công khai. Phương án 3 là tổ chức thẩm định giá trị tài sản còn lại và cho phép NIWACO trả dần trong khoảng 25 - 30 năm, đồng thời không ghi tăng vốn điều lệ của công ty.

Lạ lùng xài chùa nhà máy nước trăm tỷ suốt hơn 10 năm - Ảnh 3.

Đường vào NMN Phước Nam lổm nhổm lớp ô tô.

Theo Nghị định 43 của Chính phủ , hai cơ quan quản lý cấp nước sạch là Sở NN-PTNT và Sở Xây dựng có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh rà soát danh mục các công trình mà nhà nước chưa bàn giao các công trình cho doanh nghiệp cổ phần. Sau đó, các đơn vị này thuê tư vấn thẩm định giá, gửi Sở Tài chính thẩm định rồi trình UBND tỉnh phê duyệt giá khởi điểm trước khi đưa ra bán đấu giá.

Riêng đối với phương án 1, NIWACO không đồng ý vì khi giao cho công ty thì sẽ làm tăng vốn điều lệ nhà nước tại công ty gấp khoảng 2,7 lần, làm ảnh hưởng lớn đến giá nước và kết quả kinh doanh của công ty. Đến tháng 6 vừa qua, tỉnh Ninh Thuận mới tìm được phương án giải quyết cho NMN Phước Nam khi Chính phủ ban hành Nghị định 43 quy định “về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch”.

Lạ lùng xài chùa nhà máy nước trăm tỷ suốt hơn 10 năm - Ảnh 5.

Hệ thống trạm bơm của NMN Phước Nam vẫn đang hoạt động cấp nước.

Ông Nguyễn Văn Nhựt - Giám đốc Sở Tài chính Ninh Thuận - cho hay: Hiện tỉnh Ninh Thuận đang xây dựng kế hoạch bán đấu giá công khai NMN Phước Nam và nhiều công trình cấp nước khác. Sau khi thuê tư vấn xác định giá những công trình này, tỉnh sẽ phê duyệt giá khởi điểm rồi đưa ra đấu giá công khai để thu hồi vốn đầu tư cho Nhà nước.

“Tỉnh Ninh Thuận hiện còn hơn 10 công trình cấp nước sẽ được đấu giá trong thời gian tới. Có một số công trình cấp nước đang hoạt động hiệu quả, nhưng một số công trình khác hoạt động không hiệu quả do ở xa khu dân cư”, ông Nhựt thông tin thêm.

Liên quan trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân có liên quan để NIWACO “xài chùa” và không ghi vốn đầu tư NMN Phước Nam, ông Nguyễn Văn Nhựt cho biết, trước mắt tỉnh tập trung xử lý các công trình cấp nước theo hướng dẫn của Nghị định 43. Về lâu dài, tỉnh sẽ làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và tập thể liên quan.

Theo Lữ Hồ

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên