Là nơi có cơ sở hạ tầng tốt nhất cả nước, địa phương này sẽ rót gần 70.000 tỷ đồng cho các công trình trọng điểm
Theo đánh giá của VCCI, trong nhiều năm qua, Bình Dương luôn là tỉnh đứng đầu cả nước về Chỉ số Cơ sở hạ tầng. Chất lượng hạ tầng của Bình Dương cũng luôn nằm trong top đầu của cả nước về khu công nghiệp (KCN), đường sá, internet, điện…
- 08-05-2022Tỉnh nào đang được Tổ hợp nhà đầu tư Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore nhắm tới sẵn sàng rót tiền vào nông, thuỷ sản?
- 08-05-2022Việt Nam nhảy 30 bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi Covid-19, vươn lên ngang Nhật Bản, Singapore
- 07-05-2022Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 20.000 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất trong nước
Được xây dựng dựa trên kết hợp nguồn thông tin chính thức của các cơ quan Nhà nước và nguồn thông tin từ khảo sát doanh nghiệp về chất lượng cơ sở hạ tầng, Chỉ số Cơ sở hạ tầng trong PCI 2021 gồm 5 chiều cạnh gồm: (1) Khu công nghiệp, (2) Đường bộ, (3) Điện năng, (4) Viễn thông, và (5) Các hạ tầng khác.
Kết quả điều tra cũng ghi nhận mối tương quan mạnh và chặt chẽ giữa chất lượng điều hành và cơ sở hạ tầng tại 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Nhất quán với phát hiện đã được chỉ ra từ báo cáo PCI các năm trước: những địa phương nào có chất lượng điều hành tốt thường có cơ sở hạ tầng chất lượng cao hơn.
Theo đó, trong năm 2021, Bình Dương, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai và Hà Nội là những địa phương có kết quả tốt nhất trong Chỉ số Cơ sở hạ tầng.
Theo đánh giá của VCCI, trong nhiều năm qua, Bình Dương luôn là tỉnh đứng đầu cả nước về Chỉ số Cơ sở hạ tầng. Chất lượng hạ tầng của Bình Dương cũng luôn nằm trong top đầu của cả nước về khu công nghiệp, đường sá, internet, điện…Đó là cơ sở để Bình Dương có những đột phá mạnh mẽ trong thu đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng.
Để có được kết quả này, Bình Dương luôn xác định hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng trong trong quá trình phát triển của tỉnh, giao thông vận tải phải đi trước một bước để làm tiền đề, động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Trong năm 2021, ngay sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp tập trung thực hiện tốt công tác lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, quy hoạch xây dựng cấp huyện bảo đảm chất lượng, bài bản, khoa học và đồng bộ.
Các ngành, các cấp chủ động xây dựng phương án phát triển các khu công nghiệp tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tạo quỹ đất sạch đón làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư và công nghệ trên thế giới và trong khu vực. Tính đến thời điểm hiện tại, Bình Dương có 29 KCN với tổng diện tích hơn 12.660ha, tỷ lệ lấp đầy trên 88%. Để có thêm đất sạch đón nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh Bình Dương đang phát triển thêm các khu công nghiệp.
Cụ thể, tỉnh đang khẩn trương nghiên cứu, sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động KCN khoa học công nghệ do Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC) làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện và triển khai hoạt động KCN VSIP III và KCN Cây Trường sẽ cung cấp thêm 1.700 ha đất, các KCN khác cũng đang trình hồ sơ mở rộng diện tích. Mục tiêu của năm 2022, các KCN tỉnh sẽ cho thuê và cho thuê lại đất từ 100 – 150 ha; thu hút 1,2 - 1,3 tỷ đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài; thu hút từ 1.100 - 1.200 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước…
Bên cạnh đó, năm 2022 tỉnh Bình Dương xác định dồn sức cho đầu tư công, tập trung nguồn lực cho các công trình giao thông mang tính trọng điểm của tỉnh. Theo đó, tổng mức vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vốn ngân sách địa phương của tỉnh là hơn 69.562 tỷ đồng.
Một số công trình trọng điểm kết nối hạ tầng vùng đã được tỉnh bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 phải kể đến: Đường trục chính Đông – Tây thành phố Dĩ An (660 tỷ), Đường Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng (1.700 tỷ); Hầm chui ngã 5 Phước Kiến (400 tỷ đồng); Hầm chui nút giao Chợ Đình (360 tỷ); cầu kết nối Bình Dương – Tây Ninh (120 tỷ). Nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch trung hạn để chuẩn bị đầu tư như các dự án trọng điểm: Đường Vành đai 3 đoạn Bình Chuẩn – Sông Sài Gòn (12.000 tỷ đồng), Vành đai 4 (9.000 tỷ đồng); Giải phóng mặt bằng Quốc lộ 13 (3.000 tỷ đồng); Giải phóng mặt bằng đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một – Chơn Thành (4.000 tỷ đồng),…