Là Tiến sĩ cũng không tránh khỏi cảnh "kiếm nhiều thì tiêu càng nhiều”: Học quản lý tài chính đã làm thay đổi cuộc đời tôi!
Ngoài việc tiêu tiền thông minh, hiệu quả, kiến thức quản lý tài chính đã làm thay đổi nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống của vị Tiến sĩ này.
- 19-04-2024Tin vui: Chăm ăn hàng có thể giúp bạn đến gần hơn với mục tiêu tự do tài chính
- 19-04-2024Phóng viên tài chính Mỹ: Đây là lời khuyên tài chính tốt nhất tôi nghe được trong năm nay
- 18-04-2024Midu tiết lộ 5 điều phải có ở người đàn ông muốn lấy làm chồng, tài chính là quan trọng nhất?
Nếu là người thường xuyên nghe Podcast về chủ đề viết lách, quản lý tài chính, cải thiện hiệu suất làm việc, chắc hẳn bạn sẽ biết Chi Nguyễn - Người sáng lập blog The Present Writer và chuỗi podcast cùng tên.
Chi Nguyễn, tên đầy đủ là Nguyễn Phương Chi, sinh năm 1989 tại Hà Nội. Hiện tại, cô đã hoàn thành học vị Tiến sĩ Giáo dục, đang giảng dạy và nghiên cứu tại trường Đại học Arizona (Mỹ).
Trong một podcast chia sẻ về quá trình trau dồi, học hỏi kiến thức quản lý tài chính, Chi Nguyễn nói: “Tôi nhận ra rằng việc học quản lý tài chính đã làm thay đổi cuộc đời tôi ở rất nhiều khía cạnh, bao gồm cả những mặt không liên quan trực tiếp đến tiền” .
Chi Nguyễn
1 - Sự tự do cũng cần có khuôn khổ
Trước đây, Chi Nguyễn từng đánh đồng sự tự do với trạng thái có tiền để mua bất cứ thứ gì cô muốn, shopping mà không cần nhìn giá và cũng chẳng phải đắn đo. Tuy nhiên, sau khi học cách quản lý tài chính, cô nhận ra suy nghĩ ấy của mình có phần không đúng.
“Càng làm ra nhiều tiền, tôi lại càng thấy mình có nhu cầu tiêu tiền nhiều hơn. Thay vì tự do tiều xài đồng tiền mình kiếm được, tôi cảm thấy đồng tiền ngày càng siết chặt, khiến tôi căng thẳng nhiều hơn khi mua sắm, đặc biệt trong những tuần cuối tháng.
Ngoài cảm giác bị gò bó về tiền, tôi còn cảm thấy mình bất lực vì mất kiểm soát, mất phương hướng, không rõ đồng tiền mình làm ra đi vào những đâu. Kèm với đó là cảm giác tội lỗi, tự trách bản thân, xấu hổ khi chia sẻ với người khác về các vấn đề liên quan đến tiền” - Chi Nguyễn thừa nhận.
Sau khi tìm hiểu về cách lập kế hoạch chi tiêu bắt đầu từ số 0 (Zero-based buget) và theo dõi chi tiêu sát sao từ đầu tháng đến cuối tháng, Chi Nguyễn mới cảm thấy tự do hoàn toàn với đồng tiền mình làm ra. Với kế hoạch chi tiêu đã có sẵn, cô cho biết bản thân có thể mua bất cứ thứ gì cô muốn, miễn là nó ở trong vòng tiền quy định hàng tháng.
Ảnh minh họa
“Vì chi tiêu có trách nhiệm, tôi không còn cảm thấy tội lỗi hay xấu hổ khi mua sắm những gì mình cho là cần thiết. Đặc biệt, để nới thêm nữa khoảng trống tự do trong khuôn khổ, trong ngân sách của gia đình, vợ chồng tôi mỗi người đều có một khoản gọi là “Fun Money” (Tiền Cho Vui).
Khoản tiền này có thể được tiêu vào bất cứ thứ gì mình thích mà không cần phải trao đổi trước trong gia đình, cũng không bao giờ bị đánh giá mặc cho chúng có phung phí hay vớ vẩn đến đâu” - Chi Nguyễn kể và khẳng định chính sự tự do trong khuôn khổ này đã giúp cô có được sự thoải mái trong chi tiêu, mà không phải nơm nớp lo lắng là quyết định của mình hôm nay có thể làm ảnh hưởng đến các kế hoạch tiết kiệm và đầu tư trong tương lai như thế nào.
2. Quản lý tài chính cũng cần kết hợp giữa “truyền thống” và “hiện đại”
Chi Nguyễn cho biết cô phải đồng tình với cách quản lý tài chính gia đình “kiểu cũ”: Chồng đưa hết lương cho vợ, rồi vợ “phát tiền tiêu vặt” chồng. Cô cho rằng cách làm này khiến người chồng ít có động lực kiếm tiền hơn.
Chính vì thế, khi mới lập gia đình, cô quyết định quản lý tiền theo cách độc lập: Tiền ai người ấy tiêu, còn đóng góp chung vào gia đình chia đều.
“Sau vài năm, tôi nhận ra cách quản lý tiền có vẻ hiện đại này cũng có nhiều hạn chế không kém cách làm kiểu truyền thống kia. Thứ nhất, với cách chia tiền riêng rẽ như vậy, đồng tiền không quy về một mối rất khó kiểm soát, xem tổng thu nhập hai vợ chồng bao nhiêu, tổng chi hàng tháng bao nhiêu, và để ra một khoản tiết kiệm cho gia đình như thế nào cho các kế hoạch tương lai.
Thứ hai, việc tách biệt chi tiêu còn khiến cho việc bàn bạc về tiền giữa hai vợ chồng ngày càng thưa thớt. Dần dần, tiền còn trở thành một đề tài nhạy cảm vì người này tiêu cái này người kia không đồng ý nhưng chưa chắc đã dám lên tiếng vì “tiền anh”, “tiền tôi” tách biệt” - Chi Nguyễn chỉ ra những điểm trừ của cách quản lý tài chính tưởng chừng là hiện đại mà cô đã nằng nặc muốn áp dụng.
Ảnh minh họa
Sau khi nhận ra những bất cập, vợ chồng cô quyết định kết hợp quản lý tài chính trong gia đình theo cả cách hiện đại và cách truyền thống: Quy toàn bộ tiền về một mối (tiền lương cả hai vợ chồng cho vào tài khoản chung, dưới tên cả hai, và cả hai đều có thể sử dụng) nhưng vợ chồng cùng tham gia lập kế hoạch chi tiêu hàng tháng, dùng chung app điện thoại để theo dõi mức chi tiêu, và có thẻ tiêu dùng/tiền mặt riêng trích từ tài khoản chung nói trên.
“Từ khi thay đổi cách quản lý tiền, chúng tôi đều cảm thấy việc giao tiếp hàng ngày giữa hai vợ chồng (không chỉ về vấn đề tiền) được cởi mở hơn. Chia sẻ gánh nặng về tài chính cũng giúp cho chúng tôi có thêm động lực để cùng nhau giải quyết các vấn đề khúc mắc hàng ngày, cùng nhau lập kế hoạch cho tương lai, và tin tưởng nhau hơn khi đứng trước những quyết định quan trọng.
Bởi thế, nếu có cỗ máy thời gian quay lại năm đầu tiên kết hôn, chúng tôi chắc chắn sẽ cùng nhau theo học một khóa về quản lý tiền trong gia đình, cùng đọc sách và tìm hiểu thông tin về tài chính, và hợp nhất chi tiêu sớm hơn nữa. Tôi tin rằng, điều này không chỉ tốt cho tài chính gia đình mà còn cải thiện mối quan hệ của hai vợ chồng một cách sâu sắc và bền vững” - Chi Nguyễn khẳng định.
3. Để ý đến tiền giúp suy nghĩ tự nhiên thông suốt
“Điều kỳ diệu nhất của quản lý tài chính là một khi bạn bắt đầu để ý nhiều hơn đến đồng tiền mình làm ra, bạn cũng sẽ trở nên sáng suốt hơn trong các mặt khác của cuộc sống, bởi vì hầu như mọi thứ trên đời đều liên quan đến tiền. Đây là điều không chỉ tôi, mà rất nhiều người từng theo đuổi con đường tự chủ tài chính cũng có cùng nhận xét như vậy: Học quản lý tiền khiến chúng ta trưởng thành hơn ” - Chi Nguyễn chia sẻ.
Khi chưa thực sự sát sao với đồng tiền, cô rất hay phung phí những thứ nhỏ nhặt hàng ngày, nghĩ rằng nó không thực sự quan trọng: Thực phẩm thừa, rác thải sinh hoạt, đồ nhựa hại môi trường, thời trang nhanh,...
Cho đến khi học cách kiểm soát việc tiêu tiền, cô mới quan tâm đến môi trường, thậm chí là cả “đạo đức của các công ty”, vì cô muốn những đồng tiền mình làm ra phải được chi tiêu vào những thứ có ích, không hoang phí, không làm hại đến sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Chi Nguyễn
Cô cũng muốn dùng tiền của mình ủng hộ những nhãn hàng có trách nhiệm với thiên nhiên, với người lao động, và với chất lượng của chính sản phẩm họ làm ra. Bởi thế, quản lý tài chính khiến Chi Nguyễn trở thành “người tiêu dùng thông thái”, sáng suốt hơn và trưởng thành hơn với các quyết định chi tiêu.
4. Quyết tâm hơn với ước mơ của mình
Thử tự hỏi chính mình một điều thế này: Bạn có ước mơ nào mà hoàn toàn không cần đến tiền, vẫn có thể thực hiện được, hay không?
Với Chi Nguyễn, câu trả lời của cô là không.
“Tôi có rất nhiều ước mơ và dự định cho tương lai. Nhưng hầu như mơ ước nào cũng gắn đến tiền, thậm chí là cần rất nhiều tiền để có thể thực hiện.
Trước đây, mỗi lần nghĩ đến vấn đề này tôi lại chỉ muốn thở dài, buông xuôi. Sau này, được truyền cảm hứng bởi câu chuyện của một người mẹ đơn thân, làm việc không mệt mỏi để hàng tuần đều gửi đến ngân hàng một tấm séc “Tiền đầu tư cho giấc mơ của tôi”, tôi cũng bắt đầu để ra khoản riêng cho ước mơ của mình.
Khi mỗi khoản đầu tư, mỗi dự định trong tương lai được gắn với một giá trị đồng tiền, nó hiện hữu rõ ràng, thực tế hơn rất nhiều. Thay vì cảm thấy mình chỉ mơ mộng viển vông thôi, tôi biết mình đang làm những gì hàng ngày để đặt nền tảng biến ước mơ của mình thành sự thật. Và điều này khiến tôi có thêm quyết tâm và động lực hơn nữa để thực hiện ước mơ của mình” - Chi Nguyễn chia sẻ.
5 - Sống hào phóng và biết trân trọng hơn những gì mình đang có
Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng sống tiết kiệm sẽ khiến một người trở nên ki kiệt, Chi Nguyễn lại khẳng định việc kiểm soát đồng tiền giúp cô bớt sân si, sống hào phóng và biết trân trọng những gì mình đang có hơn.
Ảnh minh họa
“Trước đây, tôi rất hay cảm thấy thiếu tiền và việc để ra một khoản làm từ thiện hay giúp đỡ trở lại cho cộng đồng đôi lúc thật khó khăn và gượng ép. Nhưng từ khi lấy lại quyền kiểm soát với đồng tiền, tôi nhận ra mình thực sự đủ đầy. Và mặc dù còn nhiều việc cần đến tiền, tôi vẫn có thể đóng góp cho cộng đồng bằng cách đi làm tình nguyện (đóng góp thời gian, công sức) hay cho, tặng lại những vật dụng không cần thiết trong gia đình tới những người cần.
Đối với tôi, việc hiểu biết hơn về quản lý tiền, chứ không hẳn là kiếm được thêm nhiều tiền, khiến cuộc sống dễ dàng hơn rất nhiều. Nó giúp ta vững tâm hơn, tự tin hơn để nhìn vào những góc khuất trong cuộc sống của mình mà trước đây ta từng sợ, từng ngại chạm đến” - Chi Nguyễn chia sẻ.
Nhịp sống thị trường