MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Là TTCK lớn thứ hai thế giới nhưng phải chờ 3 năm để được xếp là mới nổi, Trung Quốc đã phải làm những gì?

21-06-2017 - 12:12 PM | Tài chính quốc tế

Trên thực tế, MSCI đã lần đầu tiên xem xét bổ sung cổ phiếu Trung Quốc vào chỉ số thị trường mới nổi từ năm 2014. Nhưng MSCI đã chỉ ra rằng thị trường này vẫn còn tồn tại nhiều rào cản cản trở nhà đầu tư nước ngoài. Đến nay tức là 3 năm sau, mong mỏi của Trung Quốc mới trở thành hiện thực.

Rạng sáng hôm nay (21/6), MSCI vừa công bố quyết định mới về danh mục các cổ phiếu trong chỉ số MSCI Emerging Markets Index theo dõi các thị trường mới nổi. Trung Quốc và Pakistan đón tin vui khi được nâng hạng, nhưng MSCI đã quyết định hoãn việc đưa TTCK Argentina trở lại nhóm thị trường mới nổi, đồng thời “giáng cấp” thị trường Nigeria. Saudi Arabia được bổ sung vào danh sách theo dõi xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi. Đáng tiếc là thị trường Việt Nam chưa được lọt vào danh sách này.

Trên thế giới có một số tổ chức chuyên xây dựng các bộ chỉ số như S&P (Standard & Poor’s), FTSE (Financial Times Stock Exchange), Dow Jones và Russell... nhằm mục đích hỗ trợ nhà đầu tư quốc tế đánh giá các cơ hội đầu tư trên khắp thế giới. Trong đó MSCI là công ty xây dựng chỉ số lớn nhất thế giới, có gần 11.000 tỷ USD đang được đầu tư theo các chỉ số do MSCI xây dựng.

Để lọt vào chỉ số MSCI Emerging Market, các cổ phiếu phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Vì nó thể hiện thái độ đánh giá và sự quan tâm của nhà đầu tư toàn cầu đối với 1 thị trường, kết quả xếp hạng của MSCI có những ảnh hưởng nhất định đối với TTCK của một nước vì nó có thể ảnh hưởng đến dòng vốn mà các công ty quản lý tài sản đầu tư vào hoặc rút ra khỏi thị trường đó.

Thị trường chứng khoán lớn thứ hai thế giới mất 3 năm để được xếp hạng mới nổi

Trên thực tế, MSCI đã lần đầu tiên xem xét bổ sung cổ phiếu Trung Quốc vào chỉ số thị trường mới nổi từ năm 2014. Nhưng MSCI đã chỉ ra rằng thị trường này vẫn còn tồn tại nhiều rào cản cản trở nhà đầu tư nước ngoài. Đến nay tức là 3 năm sau, mong mỏi của Trung Quốc mới trở thành hiện thực.

“Các nhà đầu tư quốc tế đã thấy được những thay đổi tích cực xét về độ mở cửa của thị trường cổ phiếu loại A trong vài năm trở lại đây. Hiện tại TTCK Trung Quốc đã có đủ các điều kiện để MSCI thực hiện bước đầu tiên bổ sung cổ phiếu Trung Quốc vào chỉ số thị trường mới nổi”, Remy Briand – Chủ tịch Ủy ban chính sách chỉ số của MSCI nói.

Trong 3 năm qua, chứng khoán Trung Quốc đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong bối cảnh Chính phủ nước này dần dần giảm bớt sự can thiệp vào thị trường (dù vẫn chưa thể hoàn toàn giống các nước phương Tây) và nỗ lực thực hiện các sáng kiến kết nối các sàn trong nước với bên ngoài.

Ít nhất kể từ năm 2015, MSCI đã làm việc trực tiếp với các cơ quan quản lý TTCK Trung Quốc để xóa bỏ những rào cản, làm cầu nối giữa Bắc Kinh và những nhà quản lý quỹ quốc tế đang lưỡng lự trước TTCK Trung Quốc.

Để trấn an nhà đầu tư nước ngoài trước các sự vụ như nhiều cổ phiếu bị ngừng giao dịch không thời gian, các cổ phiếu bị “đóng băng” trong hơn 50 ngày trong 12 tháng gần nhất sẽ không được xem xét cho vào chỉ số. Tất cả các cổ phiếu lọt vào MSCI Emerging Markets Index đều là cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn và các nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng đầu tư vào chúng thông qua các mối liên kết giữa các sàn ở lục địa với sàn Hồng Kông.

Hiện nay, sau khi mối liên kết Hồng Kông - Thâm Quyến đi vào hoạt động từ tháng 12 năm ngoái, các quỹ nước ngoài có thể mua bán hơn 1.400 cổ phiếu Trung Quốc. Còn kênh liên kết sàn Thượng Hải với Hồng Kông thì đã hoạt động từ cuối năm 2014.

CEO của MSCI, ông Henry Fernandez, cho biết trong lần bổ sung tiếp theo, MSCI có thể xem xét những cổ phiếu có giá trị vốn hóa trung bình và mở rộng phạm vi lọc cổ phiếu. Tất cả sẽ phụ thuộc vào những yếu tố như khả năng tiếp cận của nhà đầu tư nước ngoài, biên độ dao động ngày có được nới lỏng hay không, quá trình xử lý cổ phiếu bị tạm ngừng giao dịch như thế nào…

Lucy Qiu, chuyên gia phân tích tại UBS Wealth Management, quyết định của MSCI có thể giúp dòng vốn đổ vào cổ phiếu loại A (A-share) của Trung Quốc tăng thêm 8 – 10 tỷ USD.

Vị thế mới của thị trường tài chính Trung Quốc

Với tỷ trọng ban đầu quá nhỏ như hiện nay, các cổ phiếu Trung Quốc sẽ dễ dàng bị “nuốt chửng” bởi các cổ phiếu của những công ty Trung Quốc niêm yết ở các sàn nước ngoài. Xét tổng thể thì Trung Quốc hiện có tỷ trọng vốn hóa lớn nhất trong chỉ số, nhờ các cổ phiếu niêm yết ở Hồng Kông điển hình như ngân hàng Bank of China (đã có mặt trong chỉ số MSCI Emerging Markets từ nhiều năm nay) hay Alibaba (đang niêm yết ở Mỹ).

Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết ở nước ngoài đã tăng trưởng mạnh mẽ. Chỉ số MSCI China Index tăng 25%, so với mức tăng 1,2% của chỉ số Shanghai Composite Index.

Giờ đây, đối với nhiều nhà đầu tư, cổ phiếu A-share chính là tương lai. Không chỉ là thị trường chứng khoán có giá trị vốn hóa hóa lớn thứ hai thế giới (chỉ đứng sau Mỹ), TTCK Trung Quốc còn là nơi có nhiều cổ phiếu sẽ hưởng lợi từ làn sóng phát triển của ngành dịch vụ và tiêu dùng – động lực tăng trưởng chính trong dài hạn của nền kinh tế có quy mô 11.000 tỷ USD.

Hơn nữa, mặc dù thời gian gần đây đồng nhân dân tệ phải chịu nhiều áp lực, cổ phiếu A-share ở Thượng Hải và Thâm Quyến cho phép nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận với đồng tiền sẽ đóng vai trò ngày càng lớn trong nỗ lực vươn ra thế giới của kinh tế Trung Quốc.

David Loevinger, chuyên gia phân tích tại TCW Group (Los Angeles) nhận định quyết định của MSCI “sẽ đem đến sự lạc quan cho thị trường và giúp Trung Quốc thu hút lượng vốn lớn. Quan trọng hơn, nó thúc đẩy Trung Quốc đẩy mạnh cải cách thị trường tài chính”.

Thông báo của MSCI chỉ khiến đồng nhân dân tệ giao dịch ở bên ngoài đại lục tăng nhẹ nhưng khiến các quỹ ETF niêm yết trên TTCK Mỹ tăng mạnh. Deutsche X-trackers Harvest CSI 300 China A-Shares ETF tăng 3%.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên