MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạc quan tăng trưởng GDP: Đạt được, thậm chí vượt mục tiêu tăng trưởng, lên đến 7%

Tính chung 9 tháng năm 2018, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở về đây. Nhiều dự báo cho rằng Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP lên đến 7% năm 2018, mức tăng trưởng cao thứ 2 châu Á chỉ sau Ấn Độ.

Số liệu thống kê mới đây của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước ( GDP ) quý III năm 2018 ước tính tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước, tuy thấp hơn mức tăng 7,45% của quý I nhưng cao hơn mức tăng 6,73% của quý II, cho thấy nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,46%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,61% và khu vực dịch vụ tăng 6,87%. Tăng trưởng quý III/2018 thấp hơn tốc độ tăng trưởng quý III/2017 nhưng cao hơn tăng trưởng quý III các năm 2011-2016.

Tính chung 9 tháng năm 2018, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở về đây. Tăng trưởng GDP cả năm 2018 liệu có cán đích mục tiêu cả năm (6,7%) hay còn vượt con số này và mức tăng sẽ là bao nhiêu, BizLIVE đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia về vấn đề này.

Khả năng đạt mức tăng trưởng mục tiêu là khả thi

Lạc quan tăng trưởng GDP: Đạt được, thậm chí vượt mục tiêu tăng trưởng, lên đến 7% - Ảnh 1.

(Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê)

Tăng trưởng GDP quý IV chỉ cần đạt 6,11% do đó khả năng tăng trưởng cả năm sẽ đạt mục tiêu 6,7% là khả thi. Thông thường quý IV là quý có GDP tăng trưởng cao nhất. 3 năm gần đây, mức tăng trưởng quý này đều trên 6,11%.

Các động lực chính đóng góp vào tăng trưởng của 9 tháng năm nay đến từ ngành chế biến chế tạo. Ngành này duy trì mức tăng trưởng cao. Nhiều lĩnh vực sản phẩm như than cốc, dầu mỏ, sản xuất dược liệu, kim loại, sản phẩm điện tử... đều có sự tăng trưởng.

Nông nghiệp và thủy sản tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 trở lại đây do thời tiết thuận lợi, thị trường mở rộng, giá cả ổn định. Quá trình chuyển đổi cơ cấu trong nội bộ ngành đang khẳng định hiệu quả. Các ngành xây dựng, dịch vụ cũng đang duy trì đà tăng trưởng.

Tăng trưởng GDP không chỉ tốc độ tăng trưởng cao mà chất lượng tăng trưởng đang dần ổn định.

Tăng giá xăng dầu và thuế bảo vệ môi trường tác động đến chỉ số lạm phát CPI và sản xuất, phần nào giảm tăng trưởng GDP, điều này chúng ta sẽ có tính toán cụ thể sau.

Tăng trưởng nhanh chưa chắc đã tốt

Lạc quan tăng trưởng GDP: Đạt được, thậm chí vượt mục tiêu tăng trưởng, lên đến 7% - Ảnh 2.

(Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính)

Dự báo của tôi có lẽ hơi bảo thủ một chút, khả năng tăng trưởng GDP đạt được ít nhất 6,7%, khả năng đạt được 7% là có tuy nhiên vấn đề luôn luôn đặt ra là tăng trưởng nhanh như thế chưa chắc tốt. Vấn đề cần đặt ra là chất lượng tăng trưởng ngay cả khi đạt được mức tăng trưởng 6,7% con số không quan trọng bằng chất lượng tăng trưởng được định nghĩa theo nghĩa giá trị hàng hoá, dịch vụ…

Không những tăng về số học mà phải tăng về chất lượng, chẳng hạn như tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam với các nền kinh tế khác và đặc biệt vấn đề an sinh xã hội, y tế, giáo dục phải được cải thiện… Nếu lạc quan về tăng trưởng kinh tế số học mà bỏ quên chất lượng là thiếu sót.

GDP quý III có vẻ vẫn tăng trưởng rất tốt bất chấp Ngân hàng Nhà nước có quan điểm thận trọng hơn đối với tăng trưởng tín dụng. Thường thường thắt chặt tín dụng đâu đó mất khoảng thời gian 6 tháng sẽ có tác dụng. Từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách tiền tệ tương đối thắt chặt, mục tiêu tăng trưởng tín dụng chính thức 17%, thậm chí với một số ngân hàng thấp hơn, chỉ 11% thành ra Ngân hàng Nhà nước đã thận trọng từ đầu năm, thi hành chính sách tín dụng thắt chặt hơn so với năm ngoái.

Tăng trưởng GDP, số lượng thôi chưa đủ

Lạc quan tăng trưởng GDP: Đạt được, thậm chí vượt mục tiêu tăng trưởng, lên đến 7% - Ảnh 3.

(Ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá, Bộ Tài chính)

GDP riêng trong quý III tăng 6,88% so với cùng kỳ năm trước. Mức này tuy thấp hơn mức 7,45% của quý I nhưng cao hơn mức tăng 6,73% của quý II, cho thấy nền kinh tế vẫn giữ được đà tăng trưởng và xóa đi lo ngại về xu hướng GDP quý sau tăng thấp hơn so với quý trước và tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại theo các quý.

Do đó, tôi cho rằng việc thực hiện được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% mà Quốc hội đã giao hoàn toàn đạt được, thậm chí cao hơn.

Thực tế đến thời điểm này đã có dự báo cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP có thể là 6,8-6,9% thậm chí 7%, trên 7% nhưng xem xét vấn đề GDP xem mặt số lượng thôi chưa đủ, cần xem chất lượng, chất lượng phản ánh hiệu quả năng suất, phản ánh sự tụt hậu hay không tụt hậu của nền kinh tế. Chất lượng tăng trưởng có thể được thể hiện qua vấn đề tái cơ cấu, giải quyết công ăn việc làm như thế nào, vấn đề lao động, thu nhập…

Báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội dự thảo xem xét số liệu tăng trưởng ở năng suất lao động, tiêu hao năng lượng, chưa xem xét đầy đủ các chỉ tiêu đó.

Nhìn chung, đánh giá một cách căn bản, về mặt chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa có sự cải thiện rõ, số lượng so với khu vực và thế giới cao đặc biệt những năm vừa qua nếu so giai đoạn 2011-2016 tốc độ tăng trưởng cao và năm nay còn cao hơn nhưng chất lượng chưa được cải thiện là bao, đây là vấn đề cốt lõi.

Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam so với khu vực và thế giới lượng cao nhưng thu nhập bình quân đầu người thấp, khoảng cách không thu hẹp nhiều. Tăng trưởng bình quân thu nhập bình quân đầu người năm 2018 dự kiến đạt 2.540 USD/người/năm như vậy tăng khoảng 155 USD/người/năm so với năm trước. Tới năm 2020 lên 3.200-3.500 USD/người/năm là khó.

Đạt và vượt là chắc chắn

Lạc quan tăng trưởng GDP: Đạt được, thậm chí vượt mục tiêu tăng trưởng, lên đến 7% - Ảnh 4.

(Ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư)

Tính chung tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,98%, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011. Theo đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng chính thức cả năm là 6,7%, GDP quý cuối của năm chỉ cần tăng khoảng 6,1% so với cùng kỳ do đó, đạt và vượt 6,7% là chắc chắn, trừ đột biến. Còn mức nào không quan trọng, vì không thể vượt quá nhiều.

Động lực chính của tăng trưởng GDP trong quý III chủ yếu đến từ khu vực công nghiệp-xây dựng, trong đó hạt nhân là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, điều này cho thấy nền kinh tế đang đi đúng hướng tái cơ cấu. Nhiều ngành công nghiệp như thép, ô tô, dệt may, dược và tinh chế dầu mỏ đang có tăng trưởng cao.

Theo PV

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên