MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạc quan trong thận trọng

24-10-2024 - 21:45 PM | Tài chính quốc tế

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố dự báo mới về tình hình và triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới cùng những nền kinh tế lớn cho năm 2024, 2025.

Lạc quan trong thận trọng- Ảnh 1.

Minh họa/INT

So với dự báo đã được IMF đưa ra lần trước vào hồi tháng 6 vừa qua, dự báo mới này có sự điều chỉnh theo hướng các dữ liệu liên quan đều giảm. Nhưng đối với IMF, mức độ giảm trong dự báo nhỏ tới mức IMF đánh giá rằng “kinh tế thế giới tăng trưởng ổn định trong năm 2024 và sẽ khá hơn trong năm 2025”.

Ổn định ở đây cần phải được hiểu là mức độ tăng trưởng kinh tế không được cao hơn nhưng sa sút không lớn. Vấn đề chỉ là mức độ tăng trưởng của kinh tế thế giới “ổn định” ở mặt bằng thấp chứ không phải ở mặt bằng cao (3,1% so với dự báo của IMF hồi tháng 6 là 3,2%), tức là vẫn thấp hơn so với ở thời trước khi xảy ra đại dịch bệnh Covid-19.

IMF lạc quan khi cho rằng “làn sóng lạm phát gia tăng” trên bình diện thế giới, tức là ở rất nhiều nơi, đã bị đẩy lùi mà kinh tế nói chung không bị lâm vào tình trạng suy thoái. IMF nhìn nhận đấy là một thành công rất quan trọng và nổi bật bởi hệ lụy kinh điển của chống lạm phát quyết liệt luôn là suy giảm tăng trưởng, khuấy động nguy cơ suy thoái kinh tế.

Nhưng IMF cũng khá thận trọng trong dự báo mới này. Theo IMF, áp lực từ giá cả tăng và cao vẫn còn rất lớn ở các nền kinh tế, lãi suất cơ bản ở các ngân hàng tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mặt bằng cao, vẫn có hiệu ứng kiểm soát lạm phát nhưng chưa đủ thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thật sự mạnh mẽ. Việc kích cầu tiêu dùng ở mọi nền kinh tế vẫn chưa đủ mức mạnh mẽ.

Ngoài những lý do trên, IMF còn thận trọng bởi tác động tiêu cực rất khó lường từ biến động chính trị thế giới. Cuộc xung đột ở Ukraine và khu vực Trung Đông ngày càng gia tăng chứ không thuyên giảm mức độ quyết liệt; chuỗi cung ứng toàn cầu về năng lượng và nguyên vật liệu, sản phẩm thương mại và dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề và luôn phải trực diện nguy cơ bị gián đoạn; đối địch chính trị và xung khắc thương mại giữa các nhóm nền kinh tế lớn vẫn là những tác nhân khiến cho môi trường chính trị và an ninh, kinh tế và kinh tế đối ngoại cũng như quan hệ giữa các quốc gia biến động bất lợi cho tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Theo dự báo mới này của IMF, kinh tế Mỹ năm 2024 chỉ tăng trưởng được 2,8%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với năm ngoái và dự báo chỉ 2,2% trong năm 2025. Dự báo này gây bất lợi cho ứng cử viên Kamala Harris của đảng Dân chủ Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở nước Mỹ.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ 4,8%, giảm 0,2 điểm phần trăm trong năm 2024 và ước đạt 4,5% trong năm tới. IMF dự đoán kinh tế Nga tăng trưởng 3,6% trong năm 2024 nhưng rồi chỉ còn 1,3% năm 2025 vì phải trả giá cho cuộc chiến ở Ukraine.

IMF đặc biệt không lạc quan về tình hình tăng trưởng kinh tế của EU nói chung và của các nền kinh tế thành viên EU nói riêng. Chiều hướng suy giảm mức độ tăng trưởng kinh tế bộc lộ rất rõ khiến EU và nhiều thành viên chưa thể cao hơn ngưỡng mức độ 1,5%.

Dự báo luôn là việc khó và IMF xưa nay phải thường xuyên điều chỉnh dự báo. Nhưng thay đổi thường là điều chỉnh con số cụ thể, rất hiếm khi đủ mức để làm thay đổi cả chiều hướng diễn biến. Cho nên lạc quan đến mấy vẫn phải thận trọng.

Theo Phù Dung

Giáo Dục Thời Đại

Trở lên trên