MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạc quan về tình hình dịch bệnh ở Mỹ, Phố Wall khởi sắc sau 1 tuần biến động, Dow Jones bứt phá hơn 1.600 điểm

07-04-2020 - 06:32 AM | Tài chính quốc tế

Kết thúc phiên 6/4, chứng khoán Mỹ ghi nhận diễn biến tích cực sau đà giảm mạnh hồi tuần trước, khi số ca nhiễm Covid-19 mới ở Mỹ có dấu hiệu tăng chậm lại.

Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 1.627,46 điểm, tương đương hơn 7%, lên 22.679,99 điểm. S&P 500 tăng 7%, đóng cửa ở mức 2.663,68 điểm. Trong khi đó, Nasdaq Composite tăng 7,3%, chốt phiên với 7.913,24 điểm. Các chỉ số lớn đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 1 ngày ở những phút cuối cùng của phiên, Dow Jones có lúc bứt phá hơn 1.700 điểm.

Cổ phiếu Boeing tăng 19%, dẫn đầu đà tăng của Dow Jones. Raytheon Technologies, American Express và Visa đều tăng hơn 11%. Các ngành tiện ích, tiêu dùng không thiết yếu và công nghệ ghi nhận diễn biến khởi sắc nhất trong S&P 500, mỗi lĩnh vực đều tăng hơn 7%. Cổ phiếu của các công ty bán lẻ như Nordstrom, Kohl, và Macy, cũng tăng mạnh.

Lạc quan về tình hình dịch bệnh ở Mỹ, Phố Wall khởi sắc sau 1 tuần biến động, Dow Jones bứt phá hơn 1.600 điểm  - Ảnh 1.

Chính quyền Tổng thống Trump đưa ra lưu ý vào hôm Chủ nhật rằng số ca bệnh ở Mỹ có dấu hiệu tăng ổn định hơn, theo đó thị trường được trấn an sau những biến động mạnh.

Tại thị trường dầu, giá dầu đã giảm sau khi một cuộc họp quan trọng đã bị hoãn lại. Hợp đồng giá dầu WTI tương lai giảm 8% xuống 26,08 USD/thùng ở phiên giao dịch ngày hôm qua. Cuộc họp giữa OPEC và Nga - dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 6/4, có thể sẽ được hoãn đến ngày thứ Năm, theo nguồn tin thân cận. Sự việc này diễn ra sau khi tuần trước, Tổng thống Trump tiết lộ cả 2 bên sẽ cắt giảm sản lượng tới 15 triệu thùng/ngày. 

Những bình luận của ông Trump đã giúp giá dầu Mỹ ghi nhận mức hàng tuần tăng mạnh nhất từ trước đến nay. Giá dầu WTI tương lai trong tuần trước đã tăng 12%, riêng phiên ngày thứ Năm đã tăng vọt 24%, theo đó thúc đẩy đà tăng của cổ phiếu nhóm năng lượng.

Trước đó, giá dầu thô đã chịu ảnh hưởng nặng nề khi Ả Rập Xê Út và Nga không đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng dầu, thêm vào đó là sự bùng phát của dịch bệnh đã khiến nhu cầu sụt giảm.

Giang Ng

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên