Lãi hơn 4.000 tỷ đồng, Agribank có xóa được lỗ lũy kế trên bảng cân đối?
Dù cho báo cáo kết quả kinh doanh của Agribank từ năm 2006 đến nay chưa có năm nào lỗ, nhưng trên bảng cân đối kế toán của Agribank lại có lỗ lũy kế nhiều năm liền và tăng theo thời gian, tính từ năm 2010.
Đến năm 2018 mới cổ phần hóa?
Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định định hướng đưa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ( Agribank ) vào diện cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020, nhà nước nắm giữ trên 65% vốn điều lệ.
Agribank từng là ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ. Tuy nhiên, sau khi các ngân hàng “anh em” được cổ phần hóa, Agribank đã bị tụt xuống đứng hàng thứ 4 trong trong nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho Agribank tăng vốn nhưng đến nay còn hơn 1.000 tỷ đồng mới đủ số đã quyết định. Đến nay, Agribank vẫn chưa được tăng vốn.
Trên chuyên san Agribank quý III/2016, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch hội đồng thành viên Agribank cho rằng, tăng vốn qua cổ phần hóa đơn giản hơn nhiều. Ông Khánh cũng cho biết, trước cổ phần hóa, Agribank là ngân hàng chủ lực cho vay nông nghiệp, nông dân là đúng nhưng thời gian tới duy trì mô hình như vậy sẽ không ổn; đồng thời cổ phần hóa chắc chắn ngân hàng sẽ hoạt động tốt hơn nhiều, bởi các cơ chế hoạt động theo mô hình cổ phần chủ động hơn.
Vậy bao giờ Agribank mới đủ điều kiện và có thể cổ phần hóa thành công?
Theo ông Trịnh Ngọc Khánh, năm 2016 Agribank “dọn dẹp” nốt tất cả những gì còn tồn tại theo mục tiêu tái cơ cấu, bắt đầu từ năm 2017 triển khai các thủ tục cổ phần hóa và nỗ lực đến năm 2018, Agribank sẽ chính thức chuyển sang hoạt động với tư cách ngân hàng thương mại cổ phần.
Năm 2015, Agribank ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất 3.183 tỷ đồng, thu được 4.500 tỷ đồng nợ đã xử lý rủi ro, hơn 2.000 tỷ đồng nợ đã bán. Agribank đặt mục tiêu mỗi năm thu hồi được 15% - 20% số nợ đã bán, 4.000 – 5.000 tỷ đồng nợ đã xử lý.
Năm 2016 có xóa được lỗ lũy kế không?
Năm 2016, Agribank được cho là ghi nhận mức lợi nhuận hơn 4.000 tỷ đồng; nợ xấu dưới 3% (đến ngày 30/06/2016 nợ xấu là 2,3%) và “dọn dẹp” nốt tất cả những gì còn tồn tại theo mục tiêu tái cơ cấu. Tuy nhiên, liệu Agribank có thể xóa lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán trong năm nay không khi mà từ năm 2010 đến dù chưa có năm nào bị lỗ trên báo cáo kết quả kinh doanh, Agribank vẫn “tích tụ” lỗ trên bảng cân đối kế toán.
Thuyết minh báo cáo tài chính năm 2015 cho biết: năm 2014 lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ hơn 1.723 tỷ đồng; lỗ lũy kế trên bảng cân đối đến cuối năm 2013 hơn 2.304 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2014, số dư lỗ lũy kế lên đến hơn 2.931 tỷ đồng. Điều này được thuyết minh là Agribank đã trích lập hơn 2.335 tỷ đồng cho các quỹ và quỹ khen thưởng phúc lợi (gần 990 tỷ đồng). Bên cạnh đó, Agribank phải chia cho Ban điều hành các công ty con là 427 triệu đồng.
Bước sang năm 2015, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ hơn 2.387 tỷ đồng, nhưng lỗ lũy kế cuối năm 2015 tăng từ mức hơn 2.931 tỷ đồng lên hơn 3.058 tỷ đồng. Nguyên nhân là Agribank trích lập các quỹ trong năm gần 1.468 tỷ đồng và gần 1.083 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng phúc lợi và quỹ khen thưởng Ban điều hành trong năm.
Như vậy, giả sử mức lãi hơn 4.000 tỷ đồng không bị điều chỉnh giảm sau kiểm toán và Agribank không tiến hành trích lập các quỹ cũng như quỹ khen thưởng phúc lợi, khả năng năm 2016, Agribank có thể xóa lỗ lũy kế.
Được biết, tỷ trọng nợ đã xử lý rủi ro và bán cho VAMC lớn; nhiều tài sản thế chấp cần phải bổ sung và hoàn thiện các hồ sơ; con nợ chây ì, tìm cách tẩu tán tài sản; các tòa dân sự quá tải, ….Vì vậy, việc xử lý các tồn tại cần có lộ trình và thời gian nhất định. Điều này đặt ra hoài nghi về việc Agribank chưa thể xóa lỗ lũy kế các năm trước tích lại, nhưng mạnh tay chi cho các khoản phúc lợi và thưởng?!
BizLIVE