MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Lái máy cày cũng phải có bằng"

Để cơ giới hóa nông nghiệp, quan trọng nhất vẫn là nguồn nhân lực, lao động lĩnh vực này phải được đào tạo và có bằng cấp phù hợp

"Lái máy cày cũng phải có bằng" là một ví dụ mà Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trần Thanh Nam dẫn chứng về việc cần phải chuẩn hóa lao động nông nghiệp. Đây cũng là một trong các tiêu chí được đưa ra thảo luận tại hội thảo "Tham vấn dự thảo Nghị định đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp và chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản đến năm 2030" do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 23-6 tại TP HCM.

Ngành cơ khí nông nghiệp không thu hút được sinh viên

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, khi các nước sang Việt Nam để thẩm định điều kiện sản xuất trước khi chấp thuận nhập khẩu nông sản Việt Nam luôn quan tâm là an toàn lao động, trong khi chúng ta lại chưa chú trọng đến vấn đề này. "Người lái máy cày, máy gặt đập liên hợp ở ta chưa được chuẩn hóa. Trong tương lai, họ cần phải được đào tạo bài bản, có bằng mới được hành nghề. Muốn lái xe hơi phải có bằng thì lái máy cày cũng vậy. Không chỉ vậy, người điều khiển máy móc nông nghiệp phải được trang bị bảo hộ lao động khi làm việc, không thể xuề xòa, mặc quần đùi lái máy cày là không bảo đảm về an toàn lao động" - ông Nam dẫn chứng.

TS Nguyễn Văn Khải (Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng ở nước ta, năm nào cũng có người chết do tai nạn lao động khi sử dụng máy nông nghiệp. Họ thường là lao động chính trong gia đình. Khi họ đột ngột mất đi, gia đình sẽ rất khốn khó. Trong khi đó, ở Trường ĐH Cần Thơ, 20 năm qua, ngành cơ khí nông nghiệp không có sinh viên nào theo học.

Theo TS Khải, mua máy nông nghiệp rất dễ, chỉ cần có tiền là sắm được nhưng người sử dụng không phải muốn là có ngay. "Trước mắt, cần gửi cán bộ có trình độ và hiểu biết về máy móc đi học các khóa về những khâu trong cơ giới hóa nông nghiệp như: làm đất, gieo trồng, thu hoạch... để chuyển giao kỹ thuật mới cho nông dân. Về lâu dài, các trung tâm dạy nghề tỉnh phải cử cán bộ có chuyên môn về cơ khí đi học tại những trường ĐH về nông nghiệp nhằm trang bị kiến thức cơ bản về chăm sóc, bảo dưỡng, sử dụng máy cho người vận hành máy kéo liên hợp với dàn cày, dàn xới, cấy trồng, phun thuốc..." - TS Khải kiến nghị.

 Lái máy cày cũng phải có bằng  - Ảnh 1.

Hầu hết những người vận hành máy nông nghiệp từ trước đến nay ít được đào tạo bài bản. Trong ảnh: Dùng máy cày chở lúa ở ĐBSCL. Ảnh: NGỌC TRINH

Chìa khóa chính sách

Theo TS Phạm Văn Tấn, Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (SIAEP), cách đây 30 năm, nhiều nơi đã có máy móc giúp cơ giới hóa nông nghiệp nhưng không thành công do lao động nông nghiệp lúc đó còn nhiều và giá rẻ. Đến nay, khi công nghiệp, dịch vụ phát triển, lao động nông thôn khan hiếm, giá tăng nên bắt buộc phải cơ giới hóa.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp phải đưa ra theo hướng tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị chứ không phải đơn giản là hỗ trợ tiền để người dân có thể mua máy móc nông nghiệp. "Quan trọng nhất vẫn là tính hiệu quả. Máy móc thì nơi nào cũng thấy cần, cũng muốn mua vì được hỗ trợ nhưng nếu một xã, một huyện chỉ có bao nhiêu đó diện tích canh tác mà sắm quá nhiều máy sẽ sinh ra lãng phí. Nên ưu tiên hỗ trợ cho các trung tâm dịch vụ nông nghiệp, tổ chức xã hội hóa sắm máy móc làm dịch vụ cho bà con, không khuyến khích cá nhân sắm máy công suất lớn" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam định hướng.

PGS-TS Nguyễn Huy Bích, Trưởng Khoa Cơ khí - Công nghệ (Trường ĐH Nông Lâm TP HCM), cho hay các nước muốn phát triển nền nông nghiệp đều có chính sách thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp. "Tại châu Á, Hàn Quốc là nước đầu tiên đề ra chiến lược tổng thể về cơ giới hóa nông nghiệp và đã thành công. Theo đó, chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ nông dân cơ giới hóa bằng cách trợ cấp 40% tiền mua máy, cho vay 60% còn lại với lãi suất 6%/năm trong 5 năm. Điểm nổi bật của Hàn Quốc là toàn bộ máy dùng trong nông nghiệp của Hàn Quốc tự sản xuất, không nhập ngoại.

Tại Thái Lan, ngành cơ khí xuất phát điểm thấp nhưng phát triển cơ giới hóa nông nghiệp nhờ chiến lược hợp lý. Đó là khuyến khích nhập máy và công nghệ bằng cách miễn thuế. Tổ chức sản xuất trong nước và khuyến khích nông dân mua máy do cơ khí trong nước chế tạo. Có cơ chế bảo hành và sửa chữa miễn phí từ 1 - 3 năm. Nhờ vậy mà hiện nay các máy kể cả máy gặt đập liên hợp mang nhãn hiệu Thái Lan đã ra đời, một số loại còn được xuất khẩu" - PGS-TS Bích dẫn chứng.

Theo Ngọc Ánh

Theo Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên