MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất âm hay 0% mới thực sự hiệu quả với kinh tế thế giới?

17-09-2020 - 10:07 AM | Tài chính - ngân hàng

Sáu năm sau khi Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất xuống dưới 0%, các chuyên gia tài chính lúc này lại hết sức lo ngại và đã cố gắng cảnh báo các ngân hàng trung ương: "Đừng làm như thế".

Tỷ lệ lãi suất của Mỹ, Anh, Nauy, Australia, New Zealand và Canada hiện đều bằng hoặc dưới 0,25%, do đó, rất có thể sẽ có một hoặc nhiều trong số đó sắp tới sẽ hạ lãi suất xuống dưới 0% nhằm cố gắng chống chọi với những tác động của Covid-19.

Các thị trường tiền đệ đang nhận định rằng Ngân hàng trung ương Anh sẽ làm điều trên vào năm 2021, trong khi Ngân hàng trung ương New Zealand đã có thông điệp gửi tới các ngân hàng của nước này chuẩn bị cho việc tỷ giá âm.

Lãi suất âm hay 0% mới thực sự hiệu quả với kinh tế thế giới? - Ảnh 1.

Tuy nhiên, các nghiên cứu mới đang ngày càng chứng tỏ điều mà một số nhà hoạch định chính sách từ lâu đã lo sợ - tỷ lệ lãi suất âm không hiệu quả vào lúc này, trái lại có thể còn phản tác dụng.

"Nếu mục tiêu của bạn là thúc đẩy mọi người sử dụng nhiều đòn bẩy hơn (nợ) và tăng đầu tư vào các tài sản rủi ro, thì lãi suất bằng không thực sự hiệu quả hơn lãi suất âm", Reuters dẫn lời ông Lior David-Pur, người đứng đầu cơ quan quản lý nợ nhà nước của Israel cho biết.

David-Pur là đồng tác giả của một bài báo được xuất bản vào tháng trước trên Tạp chí "Behavioral and Experimental Economics". Theo ông, tác động tích cực nhất đến hành vi chấp nhận rủi ro để đi vay là khi lãi suất giảm từ 1% xuống 0%.

Điều đó khá giống với chính sách của các ngân hàng trung ương Mỹ và Australia trong năm nay.

Các nhà kinh tế Israel đã thực hiện một cuộc điều tra nghiên cứu hiếm hoi về phản ứng của người tiêu dùng với lãi suất âm, bằng việc theo dõi quyết định đầu tư của 205 sinh viên đại học theo ngành Kinh tế học. Họ chia số sinh viên này thành 4 nhóm, mỗi nhóm có 10.000 shekel Israel (tương đương 2.921 USD) để xem họ phân bổ số tiền đó vào việc gửi tiết kiệm (không rủi ro) hay vào cổ phiếu (rủi ro cao).

Với giả thuyết lãi suất ban đầu từ khoảng 2% đến âm 1%, sau đó giảm 1 điểm phần trăm, những người tham gia nghiên cứu được hỏi muốn vay thêm bao nhiêu tiền để đầu tư. Kết quả cho thấy, trong nhóm có giả thuyết lãi suất giảm xuống 0% thì họ muốn vay thêm 20% tiền.

Ông David-Pur cho biết: "Bản thân con số 0% có ý nghĩa đặc biệt với con người", và lưu ý rằng một khi tỷ lệ lãi suất xuống mức âm thì tỷ lệ vay để đầu tư sẽ giảm xuống.

Đó là bởi vì lãi suất âm có thể nhắc nhở người đi vay rằng họ đang ở trong "một số tình huống khẩn cấp", theo ông Anatoli Annenkov, nhà kinh tế đã từng làm việc cho ECB và nay đang làm việc tại Societe Generale. Theo ông, "Điều đó (lãi suất âm) cho thấy bạn sẽ không nhận được kết quả như mong muốn vì khi đó mọi người có thể thích tiết kiệm hơn là chi tiêu".

Trên thực tế, tỷ lệ tiết kiệm trên toàn khu vực đồng euro chỉ giảm một thời gian ngắn sau năm 2014, sau đó tiếp tục tăng dù lãi suất tham chiếu đã giảm xuống dưới 0%.

Lãi suất âm hay 0% mới thực sự hiệu quả với kinh tế thế giới? - Ảnh 2.

Fredrik N G Andersson, phó giáo sư của Trường Kinh tế và Quản lý Lund, cho biết thiệt hại do lãi suất âm đối với nền kinh tế Thụy Điển có thể còn nhiều hơn là lợi ích. Thụy Điển năm ngoái đã nâng lãi suất tham chiếu trở lại 0%.

Andersson, người đã nghiên cứu chi tiết về vấn đề này, cho biết việc vay nợ đã tăng lên khi lãi suất âm nhưng tiền cuối cùng lại được đầu tư phần lớn vào thị trường bất động sản như nhà ở, "chứ không phải người đi vay dành tiền đó mua một chiếc xe hơi hoặc một cái gì đó bổ sung vào GDP. Khi bạn vay để mua nhà ở, hành vi của bạn không có tác dụng kích thích GDP", ông Andersson phân tích.

Cũng theo ông Andersson, các chủ doanh nghiệp đã ngừng đầu tư, cho thấy lãi sua âm đã được coi là dấu hiệu của khủng hoảng. Ông khẳng định, có nhiều bằng chứng cho thấy các ngân hàng trung ương không cần lãi suất âm để thúc đẩy tăng trưởng. "Tôi khuyên đừng làm điều đó vì nó không đáng".

Một cuộc thử nghiệm khác tại Đại học Münster của Đức cho thấy, hành vi chấp nhận rủi ro của hơn 300 "nhà đầu tư" tình nguyện có khả năng thay đổi nếu họ thấy lãi suất đối với tài sản không rủi ro chuyển sang âm, chẳng hạn đối với tiền gửi ngân hàng.

Trong khi các ngân hàng ở những nền kinh tế có lãi suất âm hiếm khi tính phí người gửi tiền, phó giáo sư Đại học Münster, Hannes Mohrschladt, cho biết điều đó có thể xảy ra nếu ECB cắt giảm lãi suất hơn nữa.

Tuy nhiên, ông cảnh báo ECB nên cẩn trọng với việc cắt giảm lãi suất vì "có thể làm tăng giá trên thị trường chứng khoán và bất động sản hơn nữa".

Ngọc Diệp

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên