Lãi suất cho vay có thể giảm theo diện rộng?
Trao đổi với BizLIVE, một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước dự tính lãi suất cho vay sẽ giảm với phạm vi rộng và khác trước.
- 13-07-2021Các ngân hàng còn băn khoăn gì khi giảm lãi suất cho vay?
- 13-07-2021Giảm lãi suất cho vay từ tháng 7, ai sẽ hưởng lợi nhất?
- 12-07-2021Các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp
Dự tính trên đặt ra sau khi thị trường chờ đợi kết quả cuối cùng và thống nhất giữa các ngân hàng thương mại (NHTM), sau cuộc họp hôm qua (12/7) do Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) tổ chức.
Cuộc họp có 16 thành viên tham gia, chỉ chiếm khoảng một nửa số lượng các NHTM Việt Nam nhưng nắm phần lớn thị phần. Theo đó, nếu có sự thống nhất ở 16 thành viên này, việc giảm lãi suất cho vay sẽ mở rộng.
VÌ SAO "VẬN ĐỘNG" MÀ KHÔNG "TÁC ĐỘNG"?
Trước đây, cũng qua VNBA, hệ thống từng có các đợt vận động đồng thuận về lãi suất giữa các thành viên. Về mặt cơ chế quản lý điều hành, thị trường cũng từng chứng kiến một số giai đoạn Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải áp cả trần lãi suất cho vay, cũng như trần lãi suất huy động còn áp dụng ở một số kỳ hạn ngắn cho đến nay.
Như thông tin từ cuộc họp cuối tuần qua của NHNN, nhà điều hành giao VNBA vận động các NHTM giảm lãi suất. Vậy vì sao lại "vận động" thay vì "tác động"?
Cơ chế hiện hành cho phép các NHTM và khách hàng tự thỏa thuận lãi suất cho vay, ngoại trừ trần ở cho vay ngắn hạn nhóm đối tượng ưu tiên. Mức độ thỏa thuận tuân thủ giới hạn của Bộ luật dân sự… Theo đó, một phạm vi lớn dư nợ có lãi suất cho vay không nằm trong điều chỉnh hoặc giới hạn trực tiếp của NHNN.
Trả lời BizLIVE, một lãnh đạo của NHNN cho biết nhà điều hành đã và đang tác động qua bình ổn lãi suất huy động trên thị trường, tạo các điều kiện cân đối nguồn thuận lợi để các NHTM giảm lãi suất cho vay. Đây là tác động gián tiếp đến lãi suất.
Thực tế suốt thời gian qua và cho đến nay nguồn vốn của hệ thống vẫn có trạng thái dư thừa, NHNN tạo điều kiện điều tiết nguồn dồi dào, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng rất thấp cũng như sẵn sàng tạo nguồn hỗ trợ trên thị trường mở (OMO).
Cập nhật gần nhất, đến ngày 12/7, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục ổn định ở mặt bằng thấp; lãi suất qua đêm nằm dưới mốc 1%. Trong một tọa đàm gần đây, TS. Nguyễn Tú Anh (chuyên gia của Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, nhìn lãi suất rất thấp như vậy trên thị trường liên ngân hàng cho thấy thanh khoản và nguồn vốn của hệ thống vẫn dư thừa.
Ở kênh khác, suốt từ đầu năm đến nay các NHTM vẫn tập trung đẩy vốn vào kênh trái phiếu Chính phủ, dù lãi suất ở đây vẫn ở vùng thấp kỷ lục trong lịch sử, như kỳ hạn 5 năm tuần qua chỉ 1,08%/năm, 10 năm chỉ 2,17%/năm…
Và ngày 12/7 đã xuất hiện thêm đầu mối tham gia huy động ở kênh trái phiếu là Ngân hàng Chính sách xã hội, lãi suất trúng thầu chỉ 2,5%/năm kỳ hạn 10 năm, kỳ hạn 15 năm tại 2,59%/năm, lần lượt thấp hơn so với mức 2,75%/năm và 2,9%/năm của phiên đấu thầu gần nhất trước đó là ngày 04/12/2020.
Trạng thái dồi dào và cân đối nguồn thuận lợi như trên trước hết do NHNN chủ động tạo điều kiện. Đã hơn một năm qua kể từ cuối tháng 4/2020 đến nay nhà điều hành đã không còn hút bớt tiền về qua kênh tín phiếu, mà để lượng tiền cung ứng lớn qua mua ngoại tệ ra thị trường.
Tương tự, từ ngày 21/7 tới, nguồn tiền lớn từ mua ngoại tệ kỳ hạn với khoảng 82 nghìn tỷ đồng cũng sẽ chảy ra thị trường, mà có thể dự tính NHNN sẽ vẫn tiếp tục tạo điều kiện cho nguồn này lan tỏa mà không hút ngay về, thêm thuận lợi trong cân đối và thậm chí tiếp tục dư thưa trong hệ thống.
Trạng thái dư thừa trên cũng thể hiện rõ khi cũng hơn một năm qua NHNN gần như không phải bơm thêm tiền qua OMO để hỗ trợ, ngoại trừ một vài thời điểm ngắn hạn mang tính mùa vụ. Năm nay cho đến thời điểm nay vẫn gần như không phải mở van ở đây, thảng một vài giao dịch mượn vốn NHNN ghi nhận chỉ hơn 1 tỷ đồng cách đầy gần một tháng, hay tuần trước có phát sinh 52,8 tỷ đồng cá biệt.
CÓ THỂ GIẢM LÃI SUẤT CHO VAY DIỆN RỘNG
Trở lại với kết quả cuộc họp của 16 NHTM qua đầu mối VNBA, thông tin bước đầu cho thấy chưa có điểm đến chính thức về mức độ giảm và phạm vi giảm lãi suất. Cơ bản mỗi thành viên tính toán một mức, một phạm vi nhóm đối tượng theo tình hình thực tế của ngân hàng mình.
Dự kiến trong tuần này các bước triển khai từ cuộc họp trên sẽ định hình cụ thể trên thực tế, báo cáo về NHNN cũng như công bố ra thị trường.
Còn trao đổi với BizLIVE, một lãnh đạo chuyên trách của NHNN cho biết dự kiến đợt giảm lãi suất này sẽ có phạm vi rộng, thậm chí hướng khả năng cho tất cả dư nợ hiện hữu và khác với trước.
Trước đây, để hỗ trợ khách hàng, nhiều NHTM giảm lãi suất phổ biến qua mở các gói tín dụng quy mô 5.000 - 10.000 tỷ đồng, áp lãi suất ưu đãi… Điều này có nghĩa là lãi suất ưu đãi áp dụng cho những khoản vay mới; dư nợ hiện hữu, các khoản vay đã ký trước đó khó có cơ hội được giảm chi phí.
Còn lần này, NHNN hướng đến việc giảm lãi suất cho vay với các mức cụ thể và áp dụng cho dư nợ hiện hữu, hay việc giảm lãi suất giữa định hướng đến thực tế là thực chất; thời gian áp dụng dự kiến sẽ đến hết năm 2021.
BizLive