MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất cho vay khó giảm như kỳ vọng của các doanh nghiệp

14-09-2016 - 19:00 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong mấy ngày gần đây, một số ngân hàng thương mại cổ phần đã tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài, điều này dấy lên lo ngại lãi suất cho vay khó có thể giảm được theo lời kêu gọi của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
306 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn

Để tìm hiểu nguyên nhân của câu chuyện này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng.

- Ông lý giải nguyên nhân vì sao thời điểm này thanh khoản của các ngân hàng tốt nhưng gần đây một số ngân hàng lại tăng lãi suất các kỳ hạn dài?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Hiện đang có hai thị trường, thị trường 1 là thị trường ngân hàng hấp thụ vốn từ dân cư vào các tổ chức kinh tế, cho vay tiêu dùng. Thị trường 2 là thị trường của các ngân hàng làm việc với nhau gọi là thị trường liên ngân hàng chủ yếu cho vay từ qua đêm đến ba tháng.

Hiện tại thanh khoản của thị trường 2 đang rất tốt, lãi suất rất thấp, thế nhưng vốn ở thị trường này chỉ sử dụng cho hệ thống liên ngân hàng. Trước đây các ngân hàng có thể dùng vốn này để cho vay trên thị trường 1 nhưng giờ các ngân hàng không còn làm được việc đó, thứ nhất là họ không được phép làm, thứ hai là rất rủi ro vì thị trường liên ngân hàng vốn rất ngắn, trong khi thị trường 1 là thị trường cho vay có thể từ ngắn đến trung và dài hạn.

Theo tôi, trên thị trường 1 dòng vốn không được lưu chuyển, không có tính thanh khoản như thị trường 2. Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đến thời điểm này đã đạt gần 10%, từ nay đến cuối năm mục tiêu tăng trưởng của Ngân hàng Nhà nước là từ 18-20%, nên nhu cầu vốn rất cao. Chính vì thế các ngân hàng tăng lãi suất lên để thu hút vốn huy động, để có thể tài trợ cho hoạt động tín dụng của nền kinh tế.

Như tôi đã nói không thể lấy dòng vốn từ thị trường 2 để cung cấp cho thị trường 1 vì hai thị trường này cần phải có sự tách biệt với nhau. Chính vì thế ở trên thị trường 1 các ngân hàng nếu thiếu vốn thì chỉ còn cách là tăng lãi suất để huy động vốn trong dân cư.

Bên cạnh đó, bắt đầu từ đầu năm 2017, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ được kéo xuống từ 60% như hiện nay xuống 50% và đến đầu năm 2018 tỷ lệ đó xuống còn 40%. Có nghĩa là dòng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn càng ngày càng bị thu hẹp. Chính vì thế nhiều ngân hàng không những tăng lãi suất huy động ngắn hạn mà còn tăng ở những kỳ hạn dài chủ yếu từ kỳ hạn 13 tháng trở lên để đáp ứng được tỷ lệ 50%-40% như Ngân hàng Nhà nước đã quy định.

Thêm một lý do nữa, nợ xấu cũng là vấn đề cản trở trong kinh doanh của ngân hàng. Nếu một phần vốn cho vay ra mà không quay trở lại nữa thì ngân hàng phải huy động một nguồn vốn lớn để trả cho khách hàng những món nợ cũ. Chính vì vậy, cách nhanh nhất là phải tăng lãi suất huy động lên làm cho hấp dẫn đồng tiền mới để trả cho dòng tiền cũ mà nó không quay trở lại với ngân hàng.

Tất cả những yếu tố này tạo ra áp lực lên các ngân hàng cần phải tăng vốn, tăng lãi suất để huy động vốn để mà tài trợ cho những tín dụng sắp tới.

- Như vậy, điều này sẽ tác động thế nào đến các doanh nghiệp hiện nay?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Tác động rất lớn đến các doanh nghiệp vì lãi suất huy động có xu hướng tăng như thế, mặc dù các ngân hàng rất muốn thực hiện chủ trương của Chính phủ là giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp. Thế nhưng trong tình trạng chi phí vốn tăng lên, nếu họ không tăng lãi suất cho vay lên thì có nghĩa là biên độ lợi nhuận (NIM) của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Vì hiện tại NIM của các ngân hàng đã rất thấp chỉ khoảng 2%, nếu giờ mà còn thấp hơn nữa thì tôi nghĩ các ngân hàng sẽ bị lỗ.

Chính vì vậy việc giảm lãi suất cho vay rất khó, việc này đang tác động rất nhiều đến các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn chứ không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Như vậy xu hướng giảm lãi suất cho vay theo lời kêu gọi của Chính phủ sẽ khó thực hiện?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Tôi nghĩ rằng khó thực hiện, mặc dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng cũng đang có những biện pháp cần thiết để có thể giảm chi phí vốn xuống cho các ngân hàng. Thực tế, các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất đầu vào thì lãi suất đầu ra khó có thể xuống được. Tất cả đều mong muốn thực hiện chủ trương của Chính phủ nhưng thực sự là rất khó khăn.

- Nhận định của ông về xu hướng lãi suất thị trường từ nay đến cuối năm?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Lãi suất huy động có lẽ khó có thể giảm, từ nay đến cuối năm càng ngày các ngân hàng càng cần vốn huy động hơn. Tuy nhiên lãi suất huy động tăng bao nhiêu thì rất khó có thể dự đoán được tại thời điểm này. Nhưng tôi nghĩ có khả năng tăng từ 0,5% trở lên.

Nếu lãi suất huy động tăng lên như thế thì tôi nghĩ lãi suất cho vay khó có thể duy trì được ở mức hiện tại chưa nói là có thể giảm. Tôi nghĩ rằng lãi suất cho vay có khả năng sẽ tăng nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của lãi suất huy động và có thể sẽ tăng bình quân khoảng 0,25%./.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Thúy Hà

Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên