Lãi suất chưa có dấu hiệu tăng, dòng tiền sẽ tiếp tục chảy mạnh vào thị trường chứng khoán?
SSI cho biết chưa nhận thấy áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, với việc hoạt động sản xuất tiếp tục đình trệ do Covid-19, sự hoạt động tích cực của nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục có lợi cho kênh chứng khoán khi lượng tiền lớn đổ vào TTCK thông qua các tài khoản cá nhân để tìm kiếm lợi nhuận.
- 04-06-2021Thị trường chứng khoán tiềm ẩn rủi ro từ sự tăng nóng
- 30-05-2021Chứng khoán tiền vào cuồn cuộn, BĐS nhấp nhổm ngóng nhà đầu tư quay lại
Theo báo cáo phân tích mới đây, chứng khoán SSI nhận định, tín dụng tăng trưởng mạnh giai đoạn vừa qua đã khiến thanh khoản các NHTM bớt dư thừa.
Tính đến ngày 21/5/2021, huy động chỉ tăng trưởng 2,68% trong khi tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 4,67% so với đầu năm, cao hơn nhiều mức tăng trưởng chỉ 2% của 5 tháng đầu năm 2020. Chênh lệch tiền gửi-tín dụng thu hẹp khoảng 160 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2020. Thanh khoản các NHTM bớt dư thừa khiến lãi suất trên liên ngân hàng tăng thêm khoảng 35-53bps so với thời điểm cuối tháng 4, duy trì quanh mức 1,3%/năm với kỳ hạn qua đêm, 1,5%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Tuy nhiên, SSI cho rằng, cung cầu VND trên liên ngân hàng vẫn rất ổn định, NHNN vẫn tạm ngừng giao dịch trên thị trường mở trong 3 tháng qua, đặc biệt sẽ có một lượng tiền đồng lớn bơm ra từ các giao dịch bán ngoại tệ có kỳ hạn sẽ được thực hiện trong tháng 7,8 tới.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn cho rằng chính sách tiền tệ đang ở mức hợp lý, lãi suất (đặc biệt đối với các lĩnh vực ưu tiên) ở xu hướng giảm để hỗ trợ nền kinh tế và không có dấu hiệu cho thấy sẽ có sự thay đổi về định hướng chính sách khi mà lạm phát vẫn ở trong tầm kiểm soát.
Do đó, SSI cho biết chưa nhận thấy áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn, nhưng vẫn giữ nguyên dự báo lãi suất có thể nhích tăng từ đầu quý 3/2021 khi dịch bệnh được kiểm soát, tín dụng tiếp tục tăng tốc.
Các chuyên gia của SSI cho rằng với mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp và hoạt động sản xuất tiếp tục đình trệ do Covid-19, sự hoạt động tích cực của nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục có lợi cho kênh chứng khoán khi lượng tiền lớn đổ vào TTCK thông qua các tài khoản cá nhân để tìm kiếm lợi nhuận.
Tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trong quý 2/2021 dự kiến vẫn ở mức cao do nền so sánh thấp cùng kỳ năm ngoái sẽ tiếp tục đưa mức P/E trượt 4 quý gần nhất về mức hấp dẫn hơn. Cùng với đó, xu hướng tăng vốn ở các nhóm ngành có vốn hóa lớn nhất là Ngân hàng và Bất động sản, bên cạnh động thái tương tự của các công ty Chứng khoán giúp mở rộng dư địa cho vay ký quỹ sẽ là các chất xúc tác quan trọng giúp thị trường vượt qua các nhịp biến động ngắn hạn và tiếp tục đi lên.