Lãi suất giảm, các lĩnh vực khác còn được hưởng lợi hơn nhiều bất động sản
Phần lớn các chính sách được ban hành thời gian qua tháo gỡ cho lĩnh vực ngân hàng và bất động sản khá nhiều. Vậy thì điều này có khiến dòng vốn tập trung quá nhiều vào bất động sản, trong khi nhiều chuyên gia cho rằng nên lái dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất nhiều hơn?
- 07-05-2023Thống đốc Ngân hàng nói gì về việc cấp tín dụng cho bất động sản?
- 06-05-2023Tăng trưởng tín dụng toàn ngành đến 25/4 đạt 2,75%, riêng tín dụng bất động sản tăng 3,51%
- 04-05-2023Cho vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán bất ngờ tăng mạnh
Tại chương trình DINSIGHTS Triển vọng ngành Ngân hàng do VNDirect tổ chức ngày 11/5, TS. Cấn Văn Lực cho biết trong tháng 3, tháng 4 vừa qua, tức trong vòng 1 tháng đã có tới loạt quyết sách quan trọng tháo gỡ cho thị trường. Chính sách tháo gỡ tập trung cho 3 câu chuyện lớn. Thứ nhất là thị trường vốn, gồm trái phiếu doanh nghiệp. Thứ hai là thị trường bất động sản. Thứ ba là đầu tư công.
Trong đó, Nghị định 08 do Chính phủ ban hành đã cho phép giãn hoãn nợ trái phiếu đáo hạn, dù thời gian ngắn nhưng là một giải pháp tính thế cấp bácht. Tiếp đến, Chính phủ có Nghị quyết 33 liên quan đến thị trường bất động sản, tháo gỡ pháp lý, tháo gỡ về vốn bao gồm tín dụng, trái phiếu và tháo gỡ cho phân khúc nhà ở xã hội. Ngoài ra, ngày 3/4 có 2 quyết sách quan trọng nữa là Đề án 338 về đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, Nghị định 10 chính thức cho phép cấp sổ hồng cho bất động sản nghỉ dưỡng.
Về phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã có 2 lần cắt giảm lãi suất điều hành, đi trước một bước so với các nước khác, mặc dù lạm phát cơ bản vẫn còn khoảng 5%. Ông Lực đánh giá đây là bước đi hợp lý do chúng ta có dư địa để thực hiện, đồng thời thị trường kinh tế quý 1 xấu càng thúc đẩy NHNN ra quyết định.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 02 và Thông tư 03. Trong đó Thông tư 02 cho phép giãn, hoãn nợ, được kỳ vọng rất nhiều về sự ảnh hưởng tích cực. Ông Lực cho rằng, đây là chính sách buộc phải có lúc này, vì nếu không cơ cấu lại nợ thì khó khăn cho cả ngân hàng, cho cả doanh nghiệp và người dân. Về Thông tư 03, quy định nới lỏng hơn cho phép ngân hàng được mua lại trái phiếu với một số điều kiện, chủ yếu là trái phiếu có chất lượng.
Nhờ có những chính sách trên, thị trường đã dần lấy lại được niềm tin, đặc biệt là thị trường bất động sản.
Đồng tình với TS Cấn Văn Lực, Ông Nguyễn Vũ Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNDIRECT cho rằng, chỉ trong thời gian ngắn đã có những chính sách tháo gỡ như vậy đã phần nào đem đến những tác động tích cực cho thị trường. Tuy nhiên, ông Long cũng đặt vấn đề khi nhìn sâu vào những giải pháp này. Ông cho rằng, phần lớn các chính sách được ban hành tháo gỡ cho lĩnh vực ngân hàng và bất động sản khá nhiều. Vậy thì điều này có khiến dòng vốn tập trung quá nhiều vào bất động sản, trong khi nhiều chuyên gia cho rằng nên lái dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất nhiều hơn.
TS. Cấn Văn Lực nhận định, không chỉ lĩnh vực tài chính, bất động sản, mà các lĩnh vực khác cũng được hưởng lợi rất nhiều từ những chính sách mới. Ông cho rằng, có 3 thứ hưởng lợi lớn nhất.
Đầu tiên là câu chuyện lãi suất đang giảm trên toàn thị trường, cả đầu vào lẫn đầu ra. Thực tế các lĩnh vực khác còn được lợi hơn cả bất động sản về mặt này. NHNN đang sửa đổi Thông tư 41 và dự kiến trọng số rủi ro đầu tư kinh doanh bất động sản vẫn giữ nguyên mức 200%, chỉ có bất động sản khu công nghiệp được giảm xuống 160% và bất động sản nhà ở xã hội dưới 100%. Hệ thống ngân hàng hiện nay đang ưu tiên tìm kiếm các doanh nghiệp lĩnh vực xuất khẩu, nông thủy hải sản,…để cho vay, vì nhóm này ít rủi ro hơn.
Thứ hai là chính sách giãn hoãn nợ là cho toàn thị trường chứ không chỉ bất động sản, và ngân hàng cũng phải xem xét đến khả năng trả nợ của khách hàng. Trên thực tế, doanh nghiệp lĩnh vực khác có thể còn có khả năng trả nợ tốt hơn.
Thứ ba là Chính phủ quyết định dùng chính sách tài khóa nhiều hơn, tiếp tục tiếp tục giãn hoãn thuế, giảm thuế. Toàn bộ nền kinh tế được hưởng lợi từ điều này, không riêng lĩnh vực tài chính ngân hàng hay bất động sản.
Thời gian qua, Thủ tướng cũng chỉ đạo rất rõ là tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp. Việc đẩy mạnh đầu tư công cũng sẽ lan tỏa nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không riêng lĩnh vực bất động sản.
Thống đốc Ngân hàng nói gì về việc cấp tín dụng cho bất động sản?Nhịp sống Thị trường