Lãi suất giảm, chọn cơ hội đầu tư tại cổ phiếu nào?
Với nhà đầu tư, việc giảm lãi suất không chỉ mở ra cơ hội được dùng margin rẻ hơn mà còn mở ra cơ hội đầu tư vào những doanh nghiệp được hưởng lợi từ lãi suất giảm.
- 17-10-2016Đến lượt BIDV giảm lãi suất cho vay
- 16-10-2016Sao cứ phải thấp thỏm mong giảm lãi suất cho vay?
- 16-10-2016Lãi suất cho vay hạ - Động lực kích thích nền kinh tế
Gần đây, một số ngân hàng như Vietcombank, BIDV, HDBank, VIB, LienVietPostBank…đồng loạt hạ lãi suất huy động và cho vay cho các kỳ hạn dưới 1 năm. Thông tin này được TTCK đón nhận nồng nhiệt bởi nhà đầu tư không chỉ có cơ hội được vay vốn margin với lãi suất rẻ hơn mà còn giúp hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vay nợ nhiều trở nên “dễ thở” hơn.
Theo thống kê, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, xây dựng, bất động sản là những nhóm ngành có tỷ lệ vay nợ cao nhất. Do đó, việc lãi suất giảm sẽ mang lại không ít niềm vui cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Nhiều doanh nghiệp vay nợ hàng nghìn tỷ đồng
Điểm qua các doanh nghiệp niêm yết, có thể thấy không ít doanh nghiệp hiện đang vay nợ rất lớn. Tiêu biểu là trường hợp Hoàng Anh Gia Lai (HAG) khi tổng nợ phải trả trong 6 tháng đầu năm lên tới 32.996 tỷ đồng, trong đó nợ vay chiếm 26.684 tỷ đồng, tương đương 52% tổng nguồn vốn.
“Vua cá” Hùng Vương (HVG) cũng là doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao trong hoạt động kinh doanh. Tính tới cuối quý 2/2016, Hùng Vương vay nợ tổng cộng 8.561 tỷ đồng, chiếm 53% vốn chủ sở hữu doanh nghiệp. Một trường hợp khác là Thép Nam Kim (NKG) cũng vay nợ 2.887 tỷ đồng, tương đương 67% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm cuối quý 2.
CTCP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (CTI) cũng là doanh nghiệp có tỷ lệ nợ khá cao. Tính tới 30/6/2016, CTI có 3.114 tỷ đồng nợ phải trả, trong đó nợ vay là 2.586 tỷ đồng, chiếm 69% tổng nguồn vốn.
“Ông lớn” ngành xây dựng, Địa ốc Hòa Bình (HBC) tại thời điểm cuối quý 2 cũng có 8.635 tỷ đồng nợ phải trả, chiếm 87% nguồn vốn. Tuy nhiên, nợ vay của Hòa Bình không ở mức quá cao khi chỉ chiếm 26% nguồn vốn, tương đương 2.548 tỷ đồng.
“Nặng gánh” với lãi ngân hàng
Sử dụng đòn bảy tài chính là điều không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, nó cũng là con dao 2 lưỡi và có thể khiến nhiều doanh nghiệp gặp “khốn đốn” với những khoản lãi khổng lồ.
Như trường hợp HAGL, việc sử dụng nợ vay quá lớn trong bối cảnh giá các loại hàng hóa cao su, mía đường giảm mạnh trong những năm qua đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh doanh. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm, chi phí lãi vay của HAGL đã lên tới gần 800 tỷ đồng và điều này đóng vai trò không nhỏ trong khoản lỗ hơn 1.000 tỷ đồng của doanh nghiệp. Mới đây, hàng loạt ngân hàng, đứng đầu là BIDV đã phải ngồi lại với nhau nhằm tìm cách cơ cấu các khoản nợ cho HAGL.
Hùng Vương cũng là một trong những doanh nghiệp phải trả lãi vay nhiều nhất khi trong giai đoạn 1/1/2015 – 30/6/2016, số tiền Hùng Vương trả lãi lên tới 346 tỷ đồng. Còn với Cường Thuận IDICO, doanh nghiệp này cũng phải chi trả số tiền lãi lên tới 76 tỷ đồng, tương đương 13,5% tổng doanh thu trong nửa đầu năm 2016.
Ngoài ra, các doanh nghiệp có tỷ lệ nợ vay nhiều như Hòa Bình, Nam Kim, TMT, TNG, Petrosetco (PSD)…cũng phải chi trả hàng chục tỷ đồng mỗi quý cho các khoản lãi vay.
Có thể thấy, lãi vay mà doanh nghiệp chi trả là những con con số không hề nhỏ và ảnh hưởng đáng kể tới kết quả kinh doanh cách doanh nghiệp. Do đó, việc giảm lãi suất mới đây của các ngân hàng được đánh giá là tín hiệu hết sức tích cực cho các doanh nghiệp.
Với nhà đầu tư, việc giảm lãi suất không chỉ mở ra cơ hội được dùng margin rẻ hơn mà còn mở ra cơ hội đầu tư vào những doanh nghiệp được hưởng lợi từ lãi suất giảm.
Trí Thức Trẻ