MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất huy động 9%/năm cao hay thấp?

25-03-2017 - 08:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Các ngân hàng thương mại đang đồng loạt tung ra các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất được cho là “siêu hấp dẫn”. Nhưng với đặc thù kỳ hạn dài, có khi lên tới 7 năm, thì mức lãi suất như vậy có thực sự hấp dẫn?

Lãi suất chứng chỉ tiền gửi tăng do đâu?

Trong số các ngân hàng thương mại đang huy động vốn mạnh qua chứng chỉ tiền gửi tuần qua, Sacombank đang là một trong những cái tên được chú ý nhất. Ngân hàng này đã tung ra chương trình huy động lãi suất 8,88%/năm với chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 7 năm và 8,48%/năm đối với kỳ hạn 5 năm. Các ngân hàng khác như LienVietPostBank, Eximbank hay Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng đưa ra các mức lãi suất trên 8%/năm cho các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi.

Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng không đứng ngoài cuộc chơi, khi mức lãi suất hiện tại là 8,9%/năm cho chứng chỉ tiền gửi ghi danh kỳ hạn 5 năm, lĩnh lãi cuối kỳ và hạn mức lãi suất tiền gửi tối thiểu là 5 tỷ đồng.

Nhìn vào mức lãi suất như vậy, so với mức trung bình từ 6%-7%/năm lãi suất tiết kiệm, có ý kiến cho rằng đây dấu hiệu cho thấy xu hướng lãi suất đang tăng cao. Tuy nhiên, chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng lại có ý kiến khác.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất huy động từ chứng chỉ tiền gửi có tăng hơn là việc bình thường, không vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước. Về bản chất, chứng chỉ tiền gửi là một hình thức gửi tiền có thời hạn được cung cấp bởi các ngân hàng, trong đó điều khoản như lượng tiền gửi, lãi suất, tần suất trả lãi được quy định rõ. So với gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi khác ở chỗ sẽ không được rút cho đến ngày đáo hạn. Thời hạn, tần suất trả lãi càng dài thì lãi suất mà ngân hàng cung cấp cho chứng chỉ tiền gửi sẽ cao hơn, đây chính là phần bù vì việc các nhà đầu tư sẽ phải gửi tiền, nhận tiền lãi của mình trong thời gian lâu hơn.

Hơn nữa, phát hành chứng chỉ tiền gửi là kênh huy động vốn dài hạn nhằm đảm bảo thanh khoản và cân đối cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng. Hay nói một cách khác, huy động được nhiều vốn từ chứng chỉ tiền gửi sẽ đảm bảo cho hoạt động của ngân hàng tốt hơn trong điều kiện hiện nay.

Theo ông Hiếu, nguyên nhân chính dẫn đến việc hàng loạt ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi trung, dài hạn là vì từ năm 2017 tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm về mức 50% và sẽ tiếp tục giảm về mức 40% trong năm 2018. Động thái trên của các ngân hàng được cho là một bước chuẩn bị chắc chắn nhằm tuân thủ quy định về cho vay trung dài hạn của Ngân hàng Nhà nước, và sẽ không dẫn đến một cuộc chạy đua lãi suất huy động.

Chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực thì cho rằng lãi suất chứng chỉ tiền gửi tăng có thể đẩy mức lãi suất cho vay dài hạn lên vì chi phí nguồn vốn đầu vào tăng. Nhưng mức tăng cũng sẽ không cao vì các ngân hàng vẫn phải ổn định lãi suất cho vay trung, dài hạn theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ nhằm hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp.

Có thực sự hấp dẫn?

Trở lại với mức lãi suất huy động đang được cho là cao nhất trên thị trường hiện nay, một câu hỏi đặt ra là đó đã phải là mức lãi suất quá cao? Theo ông Hiếu, nếu xét về thời hạn rất dài (5 năm hoặc 7 năm) thì mức lãi suất gần 9%/năm không hẳn là hấp dẫn cho lắm. Đó là còn chưa kể tới mức lạm phát ước tính ở mức khoảng từ 4%-5%/năm sẽ ăn mòn vào một phần lãi suất.

Một chuyên gia lâu năm trong ngành ngân hàng cũng cho rằng mức lãi suất gần 9% với kỳ hạn 5 năm, trả lãi sau cũng chỉ là ở mức bình thường. Vì nếu quy đổi về mức lĩnh lãi định kỳ theo tháng hay theo quý thì lãi suất sẽ thấp hơn.

Đơn cử, VPBank đưa ra lãi suất 8,9%/năm cho chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 5 năm (lĩnh lãi cuối kỳ) thoạt nhìn có vẻ cao nhưng nếu quy đổi ra mức lĩnh lãi suất định kỳ hàng tháng thì lãi suất chỉ tương đương khoảng 7,38%/năm, còn nếu quy đổi ra mức lĩnh lãi suất hàng quý thì chỉ tương đương 7,43%/năm. Với mức lãi suất huy động như vậy, thì mức lãi suất huy động kể trên chỉ nằm ở mức trung bình thị trường, đứng thứ 12-17/27 ngân hàng được khảo sát.

Xét riêng về lãi suất huy động trung dài hạn thì VPBank thuộc nhóm trung bình khá, đứng thứ 10/27 ngân hàng của thị trường, chỉ có lãi suất huy động chứng chỉ tiền gửi trung dài hạn được xếp ở mức cạnh tranh trong nhóm 5 thị trường. Như vậy, nếu so cùng kỳ hạn gửi, kỳ hạn trả lãi tương ứng thì mặt bằng lãi suất của VPBank cũng không có nổi trội hay khác biệt trên thị trường.

Thực tế với lãi suất như vậy và kỳ hạn dài, không được rút trước kỳ hạn, nên việc huy động vốn dài hạn qua chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng cũng không phải là nhiều, đây rõ ràng vẫn là bài toán khó giải của các ngân hàng thương mại trong việc huy động, tạo nguồn vốn vốn trung dài hạn.

A.D

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên