Lãi suất huy động sẽ ngày càng giãn rộng giữa các nhóm ngân hàng
Chuyên gia dự báo sự phân hóa về lãi suất huy động sẽ diễn ra mạnh hơn trong thời gian tới.
- 21-10-2019Lãi suất USD vẫn vượt VND trên thị trường liên ngân hàng
- 15-10-2019Lãi suất sẽ dịu bớt trước khi mở vòng quay mới?
- 15-10-2019Lãi suất USD vượt VND trên liên ngân hàng
Báo cáo thị trường tiền tệ hàng tuần do SSI Research vừa công bố cho biết, trong tuần đến ngày 14/10, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát hành 87 nghìn tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,25%/năm trong khi có tới 90 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Kênh OMO không phát sinh giao dịch mới, chỉ tất toán 495 tỷ đồng mua kỳ hạn của tuần trước, đưa số dư OMO về 0. Tính chung lại, NHNN bơm ròng 2.505 tỷ đồng trên thị trường mở.
Thanh khoản trên liên ngân hàng vẫn rất dồi dào, lãi suất tiếp tục giảm sâu xuống dưới mốc 2% với cả kỳ hạn qua đêm và 1 tuần. Cụ thể, lãi suất VND trên liên ngân hàng giảm 32 điểm cơ bản (bps) với kỳ hạn qua đêm và 38bps với kỳ hạn 1 tuần, xuống mức lần lượt là 1,68%/năm và 1,92%/năm. Ở mức hiện tại, lãi suất VND trên liên ngân hàng đã thấp hơn lãi suất USD khá nhiều, chênh lệch lãi suất qua đêm VND-USD chuyển sang -24bps sau 14 tháng duy trì dương.
Mức chênh lệch lãi suất này nhiều khả năng sẽ sớm trở về 0 khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm tiếp lãi suất 0,25%/năm trong phiên họp cuối tháng 10 tới. Hiện nay, xác suất FED giảm lãi suất về 1,5-1,75%/năm đã tăng dần, lên mức gần 90% (theo Bloomberg). Theo SSI Research, với nguồn cung thanh khoản dồi dào và tâm lý thị trường tích cực, lãi suất trên LNH sẽ vẫn duy trì quanh mức 1,6-2,0%/năm và không loại trừ khả năng NHNN giảm lãi suất tín phiếu lần thứ 4 trong thời gian tới.
Dù vậy, trên thị trường 1, lãi suất huy động vẫn duy trì ở mức 4,3-5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5-7,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-8,1%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng.
Các nhà phân tích của SSI Research cho rằng, nhu cầu huy động cao để tài trợ tín dụng mùa cao điểm cuối năm và đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về 30% của NHNN sẽ khiến cho lãi suất các kỳ hạn dài khó giảm, đồng thời sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh hơn, nới rộng mức giãn cách lãi suất huy động giữa các nhóm ngân hàng.
Thực tế trên thị trường hiện nay lãi suất huy động đã có sự phân hóa lớn. Ở kỳ hạn dưới 6 tháng nếu như các ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank, Techcombank... chỉ huy động từ 4,5 - 5,2%/năm thì các ngân hàng nhỏ hầu hết niêm yết kịch trần 5,5% hoặc 5,4%. Ở kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng, lãi suất ở các ngân hàng lớn chỉ 5,5 đến 6,8% thì các ngân hàng nhỏ hoặc các ngân hàng cổ phần tư nhân lớn khác có "truyền thống" lãi suất cao sẵn sàng trả từ 6,9% cho đến 8%/năm. Ở kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên, lãi suất ngân hàng lớn vẫn quanh 7%/năm thì ở các nhà băng khác đã niêm yết phổ biến từ 7,5% trở lên và cao nhất tới 9%/năm.
Mặc dù có sự phân hóa mạnh như vậy song lãi suất cũng không hoàn toàn quyết định đến lượng tiền gửi vào các ngân hàng. Qua 9 tháng đầu năm nay Vietcombank, BIDV, Agribank VietinBank, Techcombank, Sacombank...vẫn là những ngân hàng huy động được vốn nhiều nhất, chiếm khoảng 60% tổng huy động vốn của hệ thống ngân hàng và có tăng trưởng tiền gửi cao. Trong khi những ngân hàng có lãi suất rất cao thì tăng trưởng tiền gửi vẫn chậm chạp, thậm chí có nhà băng trả lãi đến 8,5% nhưng hết 9 tháng tiền gửi mới tăng được 1,3% so với cuối năm 2018.