MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất liên ngân hàng lao dốc, Ngân hàng Nhà nước cấp tập hút tiền về

16-08-2022 - 21:51 PM | Tài chính - ngân hàng

Sau những can thiệp và cân đối của NHNN, tỷ giá USD/VND đã có quãng ổn định gần đây

Sau những can thiệp và cân đối của NHNN, tỷ giá USD/VND đã có quãng ổn định gần đây

Ngân hàng Nhà nước đã phải một lúc hút hẳn hơn 30.000 tỷ đồng để có thể gián tiếp hãm đà rơi của lãi suất liên ngân hàng.

Hôm nay (16/8), phiên thứ ba liên tiếp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải trở lại hút bớt tiền về, qua phát hành tín phiếu.

Hôm qua (15/8), mức độ hút về 17.600 tỷ đồng, cũng như với 9.700 tỷ đồng phiên cuối tuần trước, là chưa đủ để hãm đà rơi của lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng.

Trong phiên hôm nay, NHNN phát hành tín phiếu ở hai kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày. Đáng chú ý, lượng thành viên tham gia rất lớn với 14 thành viên khớp gần 20.000 tỷ ở kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,6%; kỳ hạn 14 ngày có 7 thành viên mua với 10.600 tỷ đồng, lãi suất 3%/năm. Theo đó, tổng lượng tiền hút về riêng hôm nay là 30.599,7 tỷ đồng.

Tính chung đã có tới gần 58.000 tỷ đồng NHNN hút bớt về qua ba phiên liên tiếp. Quy mô này lớn hơn cả tổng lượng tiền chảy ra qua tín phiếu đáo hạn tuần trước là 56.599,5 tỷ đồng.

Mặc dù Nhà điều hành cấp tập hút bớt lượng lớn tiền về như trên nhưng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng vẫn tiếp tục lao dốc.

Cụ thể, cập nhật đến sáng nay, lãi suất VND qua đêm tiếp tục giảm thêm 30 điểm cơ bản so với hôm qua và chỉ còn 2,08%; và tính chung lãi suất này đã giảm một nửa chỉ qua một tuần trở lại đây. Các kỳ hạn khác từ 1 tuần đến 1 tháng đã có dấu hiệu hãm đà rơi sau khi NHNN cấp tập can thiệp như trên.

Như vậy hiện tại riêng lãi suất VND qua đêm đã nằm thấp hơn nhiều so với lãi suất USD trên cùng thị trường (2,08% so với 2,5%). Điểm hoán đổi lãi suất trên thị trường này nếu để VND quá thấp so với USD sẽ gây bất lợi cho tỷ giá.

Một phản ứng thông thường như cách đây hơn một tháng, khi lãi suất VND chỉ bằng khoảng một nửa so với lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng, các ngân hàng có thể găm giữ hoặc đẩy mạnh mua USD để cho vay có lãi suất cao hơn nhiều so với cho vay bằng VND. Phản ứng này góp phần làm mất cân đối cung - cầu ngoại tệ và làm căng thẳng tỷ giá, và NHNN phải cấp tập can thiệp như thời gian vừa qua cho đến nay.

Ngoài ra, đã qua trung tuần tháng 8, tức sau hơn 4 tháng có dấu hiệu ngột ngạt, NHNN vẫn chưa thực hiện nới “room” tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Có thể một phần do cơ quan này muốn hãm bớt đà do tín dụng đã tăng trưởng tới 9,3% chỉ sau nửa năm, đặc biệt là có dấu hiệu chệch hướng khi cho vay lĩnh vực bất động sản đột biến trên 14% và cần phải “uốn nắn” lại (?).

Còn với hệ thống, khi đầu ra bị hạn chế, vốn sẽ có phần bị ứ lại mang tính ngắn hạn và tác động lên lãi suất liên ngân hàng - một kênh cân đối nhu cầu cũng mang tính ngắn hạn.

Điểm liên quan, chi phí điều hành chính sách đã phải chấp nhận tăng lên, qua lãi suất tín phiếu phát hành đã phải nâng lên với 2,6% và 3% như trên, thay vì chỉ 2,5% trước đó.

Lam Giang

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên