MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất liên ngân hàng tăng vọt, NHNN bơm gần 29.600 tỷ hỗ trợ hệ thống

13-04-2023 - 11:08 AM | Tài chính - ngân hàng

Lãi suất liên ngân hàng tăng vọt, NHNN bơm gần 29.600 tỷ hỗ trợ hệ thống

Liên tiếp trong 5 phiên gần đây (6/4 - 12/4), NHNN đã cho hệ thống vay mới tổng cộng gần 29.600 tỷ đồng qua kênh cầm cố giấy tờ có giá.

Sau nhịp giảm sâu vào nửa cuối tháng 3, lãi suất liên ngân hàng tại các kỳ hạn ngắn đã bật tăng mạnh trong những phiên gần đây.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) đã tăng lên 5,22% trong phiên 11/4. Trước đó, lãi suất qua đêm liên ngân hàng liên tục tăng mạnh trong những ngày đầu tháng 4 và đã vượt mức 5% vào cuối tuần trước.

So với mức ghi nhận cuối tháng 3, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã tăng lên gấp gần 5 lần.

Lãi suất liên ngân hàng tăng vọt, NHNN bơm gần 29.600 tỷ hỗ trợ hệ thống - Ảnh 1.

Nguồn: SBV

Tương tự, lãi suất kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần cũng tăng mạnh lên lần lượt 5,28% và 5,42%. Trong khi các kỳ hạn dài hơn như 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng không có nhiều thay đổi, thậm chí giảm.

Dù lãi suất tăng mạnh, quy mô vay mượn lẫn nhau giữa các ngân hàng vẫn ở mức cao, đạt trên 210.000 tỷ đồng trong phiên 11/4.

Cùng với xu hướng tăng nhanh của lãi suất liên ngân hàng, từ phiên giao dịch 6/4 đã bắt đầu chứng kiến hoạt động vay mới trên kênh cầm cố giấy tờ (OMO) của NHNN, sau 12 phiên “đóng băng”.

Theo đó, liên tiếp trong 5 phiên gần đây (6/4 - 12/4), NHNN đã cho hệ thống vay mới tổng cộng gần 29.600 tỷ đồng qua kênh OMO, với lãi suất 5%. Trong đó, ngoài kỳ hạn 28 ngày, NHNN cũng triển khai thêm OMO 7 ngày để hỗ trợ trợ thanh khoản hệ thống. Đồng thời, Nhà điều hành cũng tiếp tục dừng phát hành tín phiếu hút thanh khoản.

Lãi suất liên ngân hàng tăng vọt, NHNN bơm gần 29.600 tỷ hỗ trợ hệ thống - Ảnh 2.

Những diễn biến mới nhất trên thị trường liên ngân hàng cho thấy thanh khoản hệ thống đã không còn quá dồi dào.

Trước đó, thanh khoản hệ thống ghi nhận nhiều dấu hiệu dư thừa và lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm sâu trong nửa cuối tháng 3.

Hồi đầu tháng 3, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thanh khoản của hệ thống đã dồi dào trở lại, vượt khoảng 50.000 tỷ đồng so với yêu cầu bắt buộc. Cũng theo NHNN, trong quý I/2023, cơ quan này đã mua 4 tỷ USD đồng nghĩa bơm tiền đồng ra, giúp hệ thống dồi dào thanh khoản. Cùng với đó, tiền gửi tại hệ thống ngân hàng sau Tết tăng khá cao trở lại.

Dù bật tăng mạnh trong những phiên gần đây, song giới phân tích nhận định suất liên ngân hàng sẽ khó có khả năng về lại mức cao như giai đoạn tháng 11/2022, khi NHNN đã phát đi tín hiệu nới lỏng chính sách tiền tệ.

Thực tế, lãi suất liên ngân hàng chỉ tăng mạnh tại các kỳ hạn dưới 1 tháng. Đường cong lãi suất liên ngân hàng gần như phẳng phản ánh thị trường đánh giá những thiếu hụt thanh khoản chỉ mang tính chất tạm thời.

Bên cạnh đó, lượng trúng thầu OMO trong những phiên gần đây đều thấp hơn nhiều so với lượng chào thầu của NHNN, cho thấy nhu cầu vay hỗ trợ thanh khoản vẫn thấp hơn khá nhiều so với hạn mức mà Nhà điều hành đưa ra.

Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng NHNN đã có những động thái đảo chiều chính sách nhanh và rõ hơn sau hai đợt giảm lãi suất điều hành trong tháng 3, và cũng đang có định hướng hỗ trợ thanh khoản một cách nhất quán.

VDSC dẫn số liệu của NHNN cho biết, trong quý I, cơ quan này đã mua vào khoảng 4 tỷ USD, tương đương với phục hồi lại khoảng 15%-17% lượng ngoại tệ bị hụt trong giai đoạn tỷ giá biến động của năm 2022 . Điều này cũng đồng nghĩa với việc NHNN đã bơm ròng khoảng 94 nghìn tỷ đồng thông qua mua ngoại tệ, song song với việc rút ròng một lượng tiền khoảng 110 nghìn tỷ đồng thông qua việc phát hành tín phiếu NHNN kỳ hạn 91 ngày.

Như vậy, dự kiến từ cuối tháng 05/2023, một lượng lớn thanh khoản (xấp xỉ 110 nghìn tỷ đồng) sẽ được bơm ra thị trường do tín phiếu 91 ngày đáo hạn.

Nhìn về lộ trình chính sách tiền tệ sắp tới, VDSC cho rằng có thể NHNN sẽ kiên định với định hướng nới lỏng trong bối cảnh các áp lực về lạm phát, tỷ giá, thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu phần nào đã đi qua.

Quang Hưng

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên