Lãi suất ngày 15/3: Big4 giảm lãi kỳ hạn 12 tháng xuống còn 7,2%
Phần lớn các ngân hàng đều đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng xuống dưới 9%/năm.
- 14-03-2023Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành từ ngày 15/3
- 14-03-2023Lãi suất ngày 14/3: Thêm 2 ngân hàng giảm sâu, mức 9%/năm ngày càng hiếm
- 13-03-2023Lãi suất ngày 13/3: Thêm ngân hàng giảm lãi suất cho vay, gửi tiền kỳ hạn 6 tháng tại HDBank lãi cao nhất thị trường
Khảo sát biểu lãi suất niêm yết của 35 ngân hàng đầu giờ sáng ngày 15/3 cho thấy, chỉ còn 2 ngân hàng áp dụng mức lãi suất huy động trên 9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng là VietBank (9,2%) và ABBank (9,1%). Ngoài ra, cũng còn 4 ngân hàng niêm yết mức lãi suất 9% là Bao Viet Bank, OceanBank, VietABank và SCB.
Trong khi đó, có khá nhiều ngân hàng áp dụng mức lãi suất 8,8 – 8,9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Đây hầu hết là các ngân hàng nhỏ như Kienlongbank, Saigonbank, Bac A Bank,…ngoại trừ HDBank và VPBank với lãi suất niêm yết ở mức 8,8%/năm ở kỳ hạn này.
Các ngân hàng có lãi suất kỳ hạn 12 tháng cao tiếp theo có thể kể đến ACB (8,6%), SHB (8,5%), MSB (8,4%),…
Nhóm Big 4 (VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank) có lãi suất huy động 12 tháng thấp nhất thị trường, áp dụng dưới mức 7,2%/năm. Như vậy, nhóm các ngân hàng có vốn nhà nước đã giảm 0,2 điểm % so với mức niêm yết trước đó là 7,4%/năm.
Nguồn: Quốc Thụy tổng hợp
Chiều hôm qua 14/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát đi thông báo điều chỉnh giảm 1 điểm % nhiều loại lãi suất điều hành và giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Các quyết định giảm lãi suất có hiệu lực từ ngày 15/3.
Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trước đó, các ngân hàng đã đạt được sự đồng thuận giảm lãi suất huy động 0,5 điểm % trước ngày 6/3. Riêng nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, do mức lãi suất đã thấp nên sẽ chỉ giảm khoảng 0,2%/năm so với hiện hành.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi sẽ giúp các NHTM giảm chi phí, qua đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Trong báo cáo mới phát hành, Chứng khoán VnDirect dự báo xu hướng giảm của lãi suất huy động này có thể tiếp tục trong vài tháng tới do những yếu tố chính sau đây: 1) một lượng lớn tiền gửi đã quay lại hệ thống ngân hàng trong quý IV/2022, 2) chỉ đạo của chính phủ/NHNN trong việc giảm lãi suất huy động/cho vay, 3) chính phủ đẩy mạnh đầu tư công qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế, 4) thay đổi về cách tính tỷ lệ LDR có lợi cho các ngân hàng quốc doanh.
Nhóm phân tích kỳ vọng lãi suất huy động sẽ đạt đỉnh trong quý I và sau đó giảm dần kể từ quý II dựa trên những lập luận sau: (1) FED ngừng tăng lãi suất điều hành sau quý II, theo đó áp lực lên tỷ giá VND có thể hạ nhiệt đáng kể trong nửa sau của năm 2023, (2) NHNN tích cực hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua các kênh thị trường mở, mua dự trữ ngoại hối, (3) nhu cầu tín dụng chậm lại trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm.
“Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng sẽ giảm dần về mức 6,7% và 7,5% vào cuối năm 2023”, VnDirect cho biết.
Nhịp sống thị trường