Lãi suất "nóng hầm hập"
Lãi suất nóng hầm hập khi các ngân hàng khởi động cuộc đua hút vốn huy động mới. (Ảnh minh họa: Quốc Tuấn)
Sau quyết định nâng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các Ngân hàng thương mại (NHTM) đã “bung nóc” khởi động cuộc đua tăng lãi suất huy động mới.
- 01-10-2022ACBS: NHNN tăng lãi suất điều hành để đối phó với tỷ giá, chứ không phải lạm phát
- 01-10-2022Lãi suất tăng cao, người mua nhà và doanh nghiệp địa ốc 'méo mặt'
- 01-10-2022Lãnh đạo NHNN nói gì về việc "bình ổn" lãi suất cho vay sau khi tăng trần lãi suất huy động?
Tăng lãi suất huy động ở hầu hết kỳ hạn
Hàng loạt Ngân hàng Thương mại (NHTM) đã “bung nóc” đưa lãi suất huy động lên một mặt bằng mới vượt 8%.
Cao nhất hiện vẫn là lãi suất huy động mức 8,8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng được niêm yết tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank).
Ngân hàng số Cake by VPBank thuộc Ngân hàng TMCP VPBank và Be Group cũng đã tăng lãi suất bậc thang lên mức cao nhất là 8,2%/năm đối với các khoản tiền gửi của khách hàng trên 300 triệu đồng và kỳ hạn gửi 36 tháng.
Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) thì có mức lãi suất tối đa lên tới 8,1%/năm kèm điều kiện khách hàng cá nhân gửi từ 500 tỷ đồng trở lên trong thời hạn 13 tháng. Hay Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng vừa điều chỉnh lên mức cao nhất 8%/năm dành cho tiền gửi trực tuyến tại kỳ hạn 24 và 36 tháng...
Ở kỳ hạn 15 tháng, Ngân hàng TMCP Việt Á (Viet A Bank) đã “thả ga” lãi suất tới 8%/ năm cho hình thức trả lãi cuối kỳ. Kỳ hạn 7 tháng gửi tại ngân hàng này có lãi suất dao động 7,55% -7,7%.
Nhìn chung với kỳ hạn cao trên 12 tháng, các ngân hàng ưu đãi lãi suất cao hơn. Nhưng ngay cả kỳ hạn 12 tháng và dưới 12 tháng (6 hoặc trên 6 tháng), hàng loạt ngân hàng cũng điều chỉnh lãi suất dao động trên 7%, thậm chí sát gần mức 8%.
Tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), lãi suất huy động cao nhất đang là 7,85%/năm, dành cho Chứng chỉ tiền gửi dài hạn bằng VND với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng kỳ hạn 36 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn 24 tháng…
Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) cũng huy động tiền gửi kỳ hạn 12 tháng lãi suất từ 6,8 - 7,6%/năm. Kỳ hạn 6 tháng cũng có lãi suất 7%/ năm.
Trong top ngân hàng luôn niêm yết biểu lãi suất cao, hiện lãi suất tiết kiệm của Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) là từ 7 - 7,3%/năm tùy kỳ hạn; Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng niêm yết 7,3%/năm dành cho tiết kiệm thông thường, còn với gửi tiền trực tuyến lãi suất có thể lên tới 7,55%/ năm. Lãi suất huy động của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) niêm yết từ 6,7 - 7,3%/năm, với chính sách luôn ưu đãi khuyến khích tiết kiệm trực tuyến ...
Cuộc đua tăng tốc lãi suất huy động cũng đang được “tăng nhiệt” bởi sự gia nhập điều chỉnh lãi suất của cả 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước vào những ngày cuối tháng 9. Theo đó, Vietcombank, Agribank, VietinBank đều đã điều chỉnh lãi suất tăng thêm 1% ở nhiều kỳ hạn trong ngày 27/9. Muộn hơn 1 ngày, BIDV gia nhập cuộc đua hút vốn khi ngân hàng này cũng nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng thêm mức 1 điểm %...
Đáng chú ý, ngoài chương trình lãi suất tiền gửi niêm yết theo biểu đã được điều chỉnh ở hầu hết các kỳ hạn, các ngân hàng cũng có những chương trình khác nhau với lãi suất cộng thêm, qua đó càng tăng thêm sức hút của kênh tiết kiệm trong bối cảnh các kênh đầu tư khác biến động.
Ngân hàng tăng hút vốn đáp ứng yêu cầu mới
Tuy nhiên, tăng lãi suất huy động để đẩy mạnh hút vốn đối với phía ngân hàng trong mặt khác của bối cảnh là lãi vay chưa thể được mạnh dạn tăng tương ứng, cũng đang tạo ra rất nhiều áp lực cho chính ngân hàng. Căng nhất vẫn là tăng chi phí vốn, ảnh hưởng trực tiếp đến biên lợi nhuận thuần, đến kết quả kinh doanh cuối năm và cả xu hướng giá vốn trong năm 2023...
Theo VCBS, tính trung bình, lãi suất huy động đã tăng 90 – 110 điểm cơ bản, phần nào thể hiện nhu cầu thanh khoản của các NHTM đã có thay đổi đáng kể so với giai đoạn dịch bệnh. (Nguồn biểu đồ: VCBS)
Dù vậy, việc đua hút vốn của ngân hàng hiện tại cũng được nhận định là xu hướng không thể cưỡng lại.
Theo chuyên gia Tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, từ ngày 1/10/2022, ngân hàng đã bị đặt trước yêu cầu phải đáp ứng quy định của Thông tư 22 và Thông tư 08. Đây là các Thông tư quy định các ngân hàng phải tuân thủ đưa tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn phải tiếp tục giảm từ 37% (được áp dụng cho đến 30/9/2022), xuống 34%.
"Chính vì vậy, các ngân hàng sẽ rất ưu tiên cho người gửi tiền càng kỳ hạn dài giá trị càng lớn càng tốt, qua đó nhằm giãn bớt độ căng của tỷ lệ quy định khi trên thực tế, nhiều khoản tiền gửi huy động từ dân cư đa phần là ngắn hạn, và phần vốn tiết kiệm nhàn rỗi không kỳ hạn ở nhiều ngân hàng thời gian qua đã tăng lên qua kênh số cũng không tham dự, nâng đỡ giúp giãn được độ căng này”, ông Hoàn đánh giá.
Ngoài ra, còn có một số các yếu tố tác động từ phía thị trường vốn khi các doanh nghiệp đã phải mua lại một khối lượng trái phiếu trước hạn, doanh nghiệp khó khăn hơn về thanh khoản và do thị trường, dù tăng trưởng dư nợ mảng bất động sản tăng lên nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đình trệ dòng tiền, vòng quay vốn tín dụng đối với một số nhóm đối tượng, lĩnh vực thấp. “Khi Nghị định sửa đổi Nghị định 153 đã được ban hành, các ngân hàng cũng sẽ có cơ hội cải thiện bù đắp thu nhập hụt do không thể tăng trưởng tín dụng cao và NIM bị giảm qua kênh đầu tư trái phiếu, và ngay cả thực thi điều này cũng cần nguồn vốn. Do đó, cuộc đua huy động không chỉ đáp ứng hiện tại, với các quy định mới, còn có thể hướng tới tương lai".
“Trước mắt, do độ trễ nên việc đua tăng hút vốn huy động chưa tạo ngay áp lực lên lãi vay và các ngân hàng cũng sẽ phải xem xét để cân đối thực thi theo chủ trương, chính sách. Song với mức độ tăng lãi suất rất nóng và có khả năng sẽ còn tiếp tục dao động nâng thêm, thì áp lực đối với lãi vay càng về cuối năm càng mạnh”, chuyên gia nhấn mạnh.
Theo dự báo của CTCK SSI, lãi suất huy động sẽ tăng thêm từ 1 - 1,5%/năm từ cuối năm nay và đầu năm tới. Với chi phí vốn đang ngày một gia tăng như vậy, áp lực tăng lãi suất cho vay đã hiện hữu.
Diễn đàn doanh nghiệp