MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất rục rịch tăng, doanh nghiệp nhiều tiền ít vay nợ lên ngôi?

Cổ phiếu nhiều tiền ít vay nợ được hưởng lợi từ lãi suất tăng

Cổ phiếu nhiều tiền ít vay nợ được hưởng lợi từ lãi suất tăng

Nhóm bảo hiểm, khu công nghiệp và một vài cổ phiếu như VEA, SCS, DPM, DCM,... được đánh giá có thể hưởng lợi từ xu hướng tăng lãi suất nhờ nắm giữ lượng lớn tiền gửi và không vay nợ nhiều.

Câu chuyện lạm phát đang là chủ đề được quan tâm hàng đầu đối với các nhà đầu tư tài chính trên toàn cầu. Áp lực lạm phát đến từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng, đà leo thang của giá nhiên, nguyên, vật liệu và sự gia tăng đột biến trong tổng cầu. Tỷ lệ lạm phát đã tăng lên mức cao kỷ lục trong vòng 40 năm tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Mỹ, Anh, EU... khi xung đột Nga - Ukraine làm giá năng lượng, thực phẩm tăng mạnh và đè nặng lên tăng trưởng nền kinh tế.

IMF dự báo tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2022 ở mức đáng báo động. Cụ thể, các nước phát triển có CPI khoảng 5,7% và các nước mới nổi là 8,7%. Phản ứng phổ biến của các ngân hàng trung ương khi lạm phát tăng là lãi suất sẽ tăng theo và cung tiền chậm lại. Thực tế, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương đều đã buộc phải nâng lãi suất thời gian qua.

Lãi suất rục rịch tăng, doanh nghiệp nhiều tiền ít vay nợ lên ngôi? - Ảnh 1.

Dự báo lạm phát của IMF

Từ đầu năm đến nay, Fed đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm và hầu hết các nhà hoạch định chính sách đều ủng hộ việc tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm mỗi lần tại hai cuộc họp tiếp theo. Các nhà giao dịch lãi suất tương lai cũng đang đặt cược vào khả năng lãi suất chính sách của Fed sẽ trong khoảng 2,75 - 3% vào cuối năm nay, cao hơn 2 điểm phần trăm so với hiện tại.

Mặc dù lạm phát ở Việt Nam dự báo vẫn được kiểm soát tốt, quanh mốc 4%, nhưng rủi ro này vẫn luôn hiện hữu. Do đó, Việt Nam được dự báo cũng sẽ khó nằm ngoài xu hướng tăng lãi suất đang diễn ra trên toàn cầu. Và thực tế nhiều Ngân hàng đã "rục rịch" tăng lãi suất tiền gửi thời gian gần đây.

Mới nhất, BIDV đã công bố biểu lãi suất huy động áp dụng từ tháng 6 với lãi suất ở các kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên) tăng thêm 0,1 điểm phần trăm lên 5,6%/năm. Trước đó, Vietcombank cũng đã công bố biểu lãi suất huy động cho hình thức gửi trực tuyến trên website, cộng thêm 0,1%/năm so với hình thức gửi tại quầy.

Hầu hết những ngân hàng tư nhân cũng đều đã tăng lãi suất, ngay cả Techcombank - ngân hàng duy trì mức lãi suất thấp nhất thị trường trong năm 2020-2021 cũng vừa tăng mạnh. Theo đó, nhà băng này đã tăng thêm 0,3% lãi suất gửi tại quầy cho những người gửi kỳ hạn 36 tháng, một số kỳ hạn ngắn khác cũng được ngân hàng này tăng thêm từ 0,3-0,45%; và một số sản phẩm tiết kiệm online khác được cộng thêm lãi suất 0,3%.

Tương tự, VPBank cũng tăng thêm 0,3% lãi suất đối với các kỳ hạn 13, 24 và 36 tháng qua đó đưa lãi suất tiền gửi các kỳ hạn này lên 6,4%/năm. Trong trường hợp người gửi tiền trên 300 triệu đồng với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên sẽ được tăng thêm từ 0,3-0,5% lãi suất đối với gửi tại quầy.

KienlongBank cũng vừa điều chỉnh một loạt mức lãi suất các kỳ hạn ngắn đối với cá nhân và doanh nghiệp qua đó tăng lãi suất huy động từ 0,1% - 0,3% đối với các kỳ hạn tiền gửi 1-7 tháng dành cho khách hàng cá nhân và tăng từ 0,1% - 0,4%/năm với các kỳ hạn 1-9 tháng dành cho khách hàng doanh nghiệp. Đối với huy động tiết kiệm trực tuyến, nhà băng này ưu đãi tăng thêm từ 0,2% - 0,3%/năm so với mức huy động tại quầy.

Doanh nghiệp nào sẽ hưởng lợi?

Báo cáo gần đây của Chứng khoán Mirae Asset đánh giá, CPI của Việt Nam sẽ tăng dần và lợi suất trái phiếu cũng như lãi suất ngân hàng sẽ tăng dần lên. Trong bối cảnh đó, Mirae Asset cho rằng khi lạm phát và lãi suất tăng, cổ phiếu của doanh nghiệp có nhiều tiền mặt sẽ được hưởng lợi.

Nhóm cổ phiếu được đánh giá có thể hưởng lợi lớn từ xu hướng tăng lãi suất là ngành bảo hiểm khi lợi nhuận đến từ 2 kênh đầu tư chủ yếu sẽ tăng lên. Bởi thực tế, các công ty bảo hiểm thường chỉ đầu tư chủ yếu vào trái phiếu và gửi ngân hàng lấy lãi ngoài ra cũng có đầu tư cổ phiếu, bất động sản hay góp vốn vào công ty liên kết.... nhưng tỷ trọng không lớn.

Theo thống kê tại thời điểm cuối quý 1/2022, số dư tiền, tương đương tiền, tiền gửi và trái phiếu của các công ty bảo hiểm thường chiếm phần lớn, đâu đó khoảng trên dưới 50% tổng tài sản, thậm chí có thể lên đến trên 70% như trường hợp của BIC, ABI. Nổi bật nhất phải kể đến BVH khi tỷ lệ trên lên đến 88% với tổng lượng tiền và trái phiếu lên đến hơn 162.000 tỷ đồng.

Lãi suất rục rịch tăng, doanh nghiệp nhiều tiền ít vay nợ lên ngôi? - Ảnh 2.

Đặc thù ngành bảo hiểm thường nắm giữ lượng lớn tiền gửi và trái phiếu

Ngoài xu hướng tăng lãi suất, cổ phiếu bảo hiểm còn được kỳ vọng với nhiều câu chuyện hấp dẫn đang chờ đợi như thoái vốn Nhà nước hay nới room ngoại. Bên cạnh đó, SSI Research cho rằng việc mở cửa nền kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối 2022 sẽ giúp các hoạt động bán hàng hồi phục qua đó thúc đẩy doanh thu phí bảo hiểm.

Không có những khoản tiền gửi khổng lồ như các công ty bảo hiểm nhưng nhiều nhóm khu công nghiệp vẫn có những lợi thế riêng nhờ "của để dành" dư dả. Khoản doanh thu chưa thực hiện ngắn và dài hạn hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ giúp các doanh nghiệp KCN có dòng tiền về đều đặn qua đó duy trì lượng tiền và tiền gửi ổn định trong khi không cần phải vay nợ nhiều.

Điển hình như SIP có khoản doanh thu chưa thực hiện ngắn và dài hạn lên đến 10.598 tỷ đồng vào cuối quý 1/2022. Nhờ đó, không khó để công ty duy trì lượng tiền và tiền gửi trên 4.000 tỷ đồng như những quý gần đây. Tương tự, NTC cũng có gần 3.100 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện và số dư tiền và tiền gửi 1.450 tỷ đồng tại thời điểm 31/3/2022. Các khoản lãi tiền gửi có đóng góp đáng kể vào lợi nhuận của NTC cũng như hầu hết các doanh nghiệp BĐS KCN.

Lãi suất rục rịch tăng, doanh nghiệp nhiều tiền ít vay nợ lên ngôi? - Ảnh 3.

Doanh nghiệp BĐS KCN có của để dành dư dả

Bên cạnh việc hưởng lợi từ lãi suất tăng, tiềm năng BĐS KCN của Việt Nam được Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá còn rất lớn với hai phân khúc chính sẽ được khai thác bao gồm cho thuê đất và cho thuê nhà xưởng xây sẵn nhờ tốc độ phát triển của thương mại điện tử và làn sóng FDI vào Việt Nam.

Ngoài 2 nhóm ngành kể trên, một số cổ phiếu đơn lẻ cũng được đánh giá sẽ hưởng lợi từ động thái tăng lãi suất nhờ các khoản tiền gửi khổng lồ, tiêu biểu như VEA của VEAM Corp. Doanh nghiệp này thường xuyên nằm trong top nhiều tiền nhất sàn chứng khoán với hàng chục nghìn tỷ gửi ngân hàng trong khi vay nợ không đáng kể.

Thời điểm cuối quý 1/2022, VEA có hơn 14.000 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi, tăng 2.400 tỷ so với đầu năm. VEAM được biết đến là "đại gia" ngành ô tô Việt khi nắm giữ tới 30% vốn góp tại Công ty Honda Việt Nam, 20% tại Công ty Ô tô Toyota Việt Nam và 25% tại Công ty TNHH Ford Việt Nam – đều là những hãng xe có lượng tiêu thụ hàng đầu tại Việt Nam. Nhờ đó, VEAM chỉ cần "ngồi yên" vẫn có hàng nghìn tỷ đổ về từ cổ tức của các công ty liên kết.

Thị trường ô tô Việt Nam đã và đang bắt đầu ấm dần lên sau thời gian dài giãn cách bởi dịch bệnh, nhu cầu mua xe dần tăng trở lại. Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng toàn thị trường của các đơn vị thành viên trong tháng 4/2022 đạt 42.359 xe, tăng 14% so với tháng trước và tăng 40% so với cùng kỳ. Nghị định số 103/2021/NĐ-CP của Chính phủ tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được đánh giá là yếu tố hỗ trợ tích cực cho nhu cầu ô tô.

Một cổ phiếu khác cũng có lượng tiền mặt chiếm tỷ trọng cao là SCS của Saigon Cargo Service với số dư vào cuối quý 1/2022 đạt 689 tỷ đồng, tương đương 44% tổng tài sản. Thêm nữa, doanh nghiệp dịch vụ hàng không này còn sạch nợ vay qua đó được hưởng lợi trọn vẹn từ xu hướng tăng lãi suất mà không phải chịu áp lực ngược lại đến từ chi phí tài chính.

Bên cạnh đó, triển vọng 2022 của SCS được Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá rất khả quan nhờ sở hữu 15.000 m2 đất chưa sử dụng (tương ứng với 72% công suất tăng thêm) và có thể nhanh chóng đạt 55% thị phần tại Tân Sơn Nhất. Đồng quan điểm, VCSC cho rằng có nhiều yếu tố thúc đẩy cho triển vọng kinh doanh SCS năm 2022 đến từ hoạt động mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế, tăng số lượng chuyến bay chở khách quốc tế có hiệu lực từ quý 1/2022.

Bộ đôi cổ phiếu đầu ngành phân bón DPM của Đạm Phú MỹDCM của Đạm Cà Mau cũng đều nắm giữ một lượng lớn tiền mặt lên đến hàng nghìn tỷ trong khi vay nợ rất ít. Tính đến cuối quý 1/2022, số dư tiền và tiền gửi của DPM lên đến 8.455 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng tài sản trong khi nợ vay tài chính chưa đến 900 tỷ đồng. Tương tự, DCM có 6.607 tỷ đồng tiền và tiền gửi, chiếm 51% tổng tài sản nhưng chỉ vay nợ hơn 500 tỷ đồng thời điểm 31/3/2022.

Lãi suất rục rịch tăng, doanh nghiệp nhiều tiền ít vay nợ lên ngôi? - Ảnh 4.

Bộ đôi DPM và DCM lắm tiền ít nợ vay

Theo Chứng khoán KIS, tỷ suất lợi nhuận gộp toàn ngành phân bón đã đạt đỉnh mới trong quý 1/2022 tại mức 31,7%. Trong trường hợp giá phân bón có xu hướng giảm trong những tháng tiếp theo, cùng với tốc độ tăng phi mã của giá nhiên liệu do căng thẳng chính trị toàn cầu, biên lãi gộp trong các quý tiếp theo có thể giảm. Nếu doanh thu xuất khẩu cũng "hụt hơi", tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có thể giảm dần từ quý 2/2022 mặc dù vẫn khả quan so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế, trên sàn chứng khoán có nhiều "đại gia" tiền mặt quen thuộc với nhà đầu tư có thể kể đến như HPG, ACV, GAS, BSR, FPT,.... Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng đều đang vay nợ rất lớn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Do đó, rất khó đánh giá chính xác tác động của việc lãi suất tăng là tích cực hay tiêu cực đối các doanh nghiệp trên.

https://cafef.vn/lai-suat-ruc-rich-tang-doanh-nghiep-nhieu-tien-it-vay-no-len-ngoi-20220606093101161.chn

Hà Linh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên