MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất tăng cao, nhà đầu tư có nên rút tiền từ chứng khoán để gửi ngân hàng?

Lãi suất tăng cao, nhà đầu tư có nên rút tiền từ chứng khoán để gửi ngân hàng?

Về tác động đối với thị trường chứng khoán, chuyên gia HSC cho rằng mức tăng 1% cao hơn dự báo 0,5% của các chuyên gia trước đó nên thị trường có thể ít nhiều bất ngờ và cần thời gian để phản ánh.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đã quyết định tăng một loạt lãi suất điều hành thêm 1%, có hiệu lực từ ngày 23/9. Theo đó, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng từ 4% lên 5%/năm; lãi suất tái cấp vốn cũng tăng từ 4% lên 5%....

Động thái này diễn ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lần thứ 3 liên tiếp nâng lãi suất thêm 0,75%, đồng thời phát tín hiệu sẽ tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất đến năm 2024 để tiêt diệt lạm phát.

Vậy lãi suất tăng mạnh sẽ tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán? Nhà đầu tư nên hành động như thế nào trong thời điểm này?

Đánh giá về việc tăng lãi suất của NHNN, ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Môi giới Chứng khoán HSC cho rằng hành động này phù hợp với xu thế USD tăng và các ngân hàng trung ương trên thế giới đều phải tiến hành tăng lãi suất theo Fed. Trên thực tế, lãi suất điều hành không tác động quá nhiều đến lãi suất thị trường. Lãi suất cho vay, lãi suất huy động đều đã tăng trước đó, lãi suất trái phiếu chính phủ cũng đã tăng mạnh vào ngày 22/9. Do đó, việc tăng lãi suất điều hành mang tính hợp thức hoá chuyển động trước đó của thị trường.

Tuy vậy, chuyên gia cho rằng vẫn có tác động và thông điệp quan trọng sau việc tăng lãi suất này. Trước tiên, điều này thể hiện áp lực từ chính sách tiền tệ của các Ngân hàng trung ương lớn trong giai đoạn hiện tại và nâng lãi suất là động thái thừa nhận áp lực đó. Ông Huy cho rằng đây chưa phải đợt tăng lãi suất cuối cùng của Việt Nam nếu Fed còn tiếp tục chính sách “diều hâu” của mình.

Chứng khoán kém hấp dẫn khi lãi suất tăng cao?

Về tác động đối với thị trường chứng khoán, chuyên gia HSC cho rằng mức tăng 1% cao hơn dự báo 0,5% của các chuyên gia trước đó nên thị trường có thể ít nhiều bất ngờ và cần thời gian để phản ánh. Các ngân hàng sẽ công bố tăng lãi suất huy động chính thức, USD còn xu hướng tăng nên sẽ có hiệu ứng thu hút dòng tiền nhất định từ các kênh đầu tư khác như cổ phiếu.

Định giá cổ phiếu ngược chiều với lãi suất risk free rate (ở đây là lãi suất trái phiếu chính phủ 10 năm), do đó khi lãi suất tăng, định giá cổ phiếu sẽ giảm đi. Tuy phải chờ xem các đợt tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng thế nào, song chuyên gia cho rằng ảnh hưởng của lần tăng lãi suất này là tiêu cực. Cụ thể, lãi suất tăng khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến chứng khoán theo một số hướng.

(1) lãi suất tăng khiến chi phí sử dụng vốn của doanh nghiệp tăng lên, ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận. Điều này cũng đặt trong bối cảnh việc lãi suất tăng có thể khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. (2) Thứ hai, lãi suất tăng làm lãi suất chiết khấu trong các mô hình định giá tăng lên, khi lãi suất tăng, định giá cổ phiếu sẽ giảm đi. (3) Thứ ba, lãi suất tăng khiến chi phí vay margin cao lên, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Bùi Nguyên Khoa – Trưởng nhóm Phân tích Thị trường CTCK Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) cũng đánh giá thị trường rẻ so với quá khứ, nhưng chưa chắc đã rẻ so với tương lai. Bởi chuyên gia cho rằng chứng khoán chỉ rẻ thực sự khi vĩ mô tốt, lãi suất duy trì ổn định. Trong trường hợp lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận doanh nghiệp, định giá cổ phiếu cũng kém hấp dẫn hơn. Do đó, định giá hiện tại rẻ đối với quá khứ, nhưng để đầu tư cần nhìn về tương lai.

Còn theo Dragon Capital, trong môi trường lãi suất tăng, lợi nhuận kỳ vọng đối với thị trường chứng khoán sẽ khó vượt trội. Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có nhiều biến động phụ thuộc vào diễn biến trên thế giới. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài đối với Việt Nam có mức độ thấp hơn nhiều so với các nước mới nổi và không mang tính hệ thống. Việt Nam cũng không thuộc nhóm quốc gia bị tác động bởi hậu quả của những chính sách không đúng đắn và Dragon Capital tin rằng thị trường sẽ giữ vững mốc 1.200 điểm.

Về mặt định giá, ước tính P/E của VN-Index sẽ về mức 12.1x sau khi phản ánh KQKD quý 3, so với mức đáy Covid tháng 3/2020 là 10.4x. Mức định giá này thấp hơn 2 lần độ lệch chuẩn của hệ số P/E trong 5 năm qua. Mặc dù tăng trưởng có khả năng giảm tốc vào năm sau, tuy nhiên sẽ chỉ là chậm lại không phải tăng trưởng âm. Thị trường Việt Nam có triển vọng về lợi nhuận vượt trội trong nhóm các thị trường mới nổi trong khi rủi ro ở mức độ thấp hơn nhờ nội tại vĩ mô ổn định.

Nhà đầu tư nên phân bổ bổ tài sản ra sao?

Trong bối cảnh lãi suất tăng cao, ông Bùi Văn Huy cho rằng nhà đầu tư nên phân bổ lại nguồn vốn. Bởi lãi suất tăng sẽ khiến các kênh đầu tư hưởng tỷ suất cố định như tiền gửi, tiết kiệm… cạnh tranh với kênh cổ phiếu.

Bởi chứng khoán chỉ là một kênh đầu tư, việc phân bổ nhiều hay ít tài sản vào chứng khoán còn phụ thuộc vào bối cảnh vĩ mô và chu kỳ kinh tế. Trong bối cảnh chính sách tiền tệ dần chuyển qua hướng thắt chặt và chu kỳ kinh tế có dấu hiệu tạo đỉnh sau quãng phục hồi hậu Covid, việc phân bổ vào kênh cổ phiếu có thể nên được giảm bớt so với thời điểm thuận lợi. Thị trường chứng khoán dù có thể xuất hiện những “con sóng” ngắn, nhưng cần xác định giai đoạn không thuận lợi của thị trường có thể kéo dài.

Theo thống kê từ năm 1950 đến nay đối với thị trường chứng khoán Mỹ, trong những thời điểm nền kinh tế suy thoái hoặc tăng trưởng chậm lại, phân bổ vào các loại tài sản có thu nhập cố định như tiền gửi, trái phiếu cũng là sự lựa chọn phù hợp. Còn nếu tiếp tục đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư nên ưu tiên những nhóm cổ phiếu phòng thủ, ít mang tính chu kỳ và có lợi suất cổ tức nhất định.

Lãi suất tăng cao, nhà đầu tư có nên rút tiền từ chứng khoán để gửi ngân hàng? - Ảnh 1.

Đối với nhà đầu tư dài hạn, thì hoàn toàn có thể tích sản cổ phiếu để chờ đợi đến chu kỳ kinh tế tiếp theo khi nhiều nhóm ngành đã có định giá hấp dẫn. Bởi chuyên gia đánh giá vĩ mô Việt Nam vẫn ổn định và là ngôi sao sáng trong khu vực.

Minh Châu

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên