Lãi suất tiết kiệm tiếp tục tăng, cao nhất lên đến 7,4%/năm
Lãi suất tiết kiệm tăng ở một số ngân hàng nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư để có thể đảm bảo hoạt động cho vay cũng như nhu cầu khác của ngân hàng trong giai đoạn cuối năm. Hiện mức lãi suất cao nhất trên thị trường là 7,4%/năm, không yêu cầu số tiền gửi lớn.
- 20-12-2021Kỳ vọng lãi suất
- 20-12-2021Lãi suất của các công ty tài chính hiện thế nào, pháp luật quy định ra sao?
- 16-12-2021Lãi suất thấp, người dân "chê" gửi tiết kiệm nhưng ngân hàng vẫn "thừa tiền"
Theo thống kê của chúng tôi, lãi suất huy động trong 2 tuần gần đây đã tăng mạnh tại nhiều ngân hàng. Hiện lãi suất tiết kiệm cao nhất là 7,4%/năm thay vì mức 7,1%/năm hồi đầu tháng.
Cụ thể, NamABank áp dụng biểu lãi suất mới từ 15/12/2021, theo đó lãi suất cao nhất là 7,4%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 16 tháng trở lên và không yêu cầu số tiền gửi tối thiểu, tăng 0,3%/năm so với trước đó. Tương tự các kỳ hạn 12 tháng -15 tháng, lãi suất cũng tăng 0,3 điểm phần trăm lên 7,2%/năm. Các kỳ hạn còn lại tăng từ 0,1-0,2 điểm phần trăm.
Lãi suất trên 7%/năm còn được niêm yết tại một số ngân hàng khác. Ví dụ, SCB mới đây cũng cập nhật biểu lãi suất mới đối với hình thức gửi online, theo đó lãi suất cao nhất là 7,15%/năm, kỳ hạn từ 18 tháng trở lên và không yêu cầu số tiền gửi lớn. Trong khi đó, một số ngân hàng có lãi suất cao nhất 7%/năm như Techcombank, MSB nhưng yêu cầu số tiền gửi hàng trăm tỷ đồng. Ở mức 6,7-6,9%/năm thì có nhiều ngân hàng áp dụng mà không yêu cầu số tiền tối thiểu như CBBank, Kienlongbank, VietBank...
Trong khi đó, đa số các ngân hàng lớn niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng - 36 tháng từ 6,0-6,2%/năm, thậm chí nhiều ngân hàng top đầu thì chỉ từ 5,5-5,6%/năm.
Ở nhóm Big4, hiện Agribank, BIDV, Vietcombank có mức lãi suất cao nhất là 5,5%/năm, VietinBank là 5,6%/năm (đối với gửi tại quầy. Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-op Bank) cũng có mức lãi suất tương đương. Trong đó, lãi suất cao nhất là 5,5%/năm khi gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Theo Chứng khoán SSI, bước vào giai đoạn cao điểm thanh toán và tín dụng cuối năm, một số ngân hàng thương mại đã có bước điều chỉnh tăng nhẹ biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân, trong khi mặt bằng lãi suất huy động dành cho các tổ chức kinh tế không có nhiều biến động lớn.
Cụ thể, mức tăng ghi nhận từ 10 – 30 điểm cơ bản, chủ yếu xảy ra ở các NHTM nhỏ nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi từ dân cư để có thể đảm bảo hoạt động cho vay cũng như nhu cầu khác của NH trong giai đoạn cuối năm. Lãi suất tiết kiệm nhích tăng chủ yếu chỉ mang tính cục bộ, đặc biệt trong bối cảnh sức hấp dẫn của kênh tiền gửi giảm sút trước các kênh đầu tư khác.
Số liệu cập nhật từ NHNN cho thấy tăng trưởng tiền gửi từ khu vực dân cư có xu hướng giảm mạnh. Tăng trưởng huy động khu vực này chỉ tăng trung bình khoảng 4% trong năm 2021, giảm từ mức 7,5% vào năm 2020.
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang được duy trì ở mức nền thấp, dao động từ 3 - 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 - 5% đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,2 - 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng.
Trước đó, Bộ phận phân tích của chứng khoán VCBS cũng nhận định lãi suất huy động tăng thời gian gần đây là do nhiều ngân hàng được nới room tín dụng và chỉ còn 1 tháng cuối năm để giải ngân đã tạo áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn. Mức tăng đáng kể hiện được ghi nhận ở các ngân hàng quy mô nhỏ. Dự báo về năm 2022, VCBS cho rằng áp lực tăng lãi suất năm 2022 là không lớn.
Nguyên nhân, theo VCBS là vì thanh khoản của hệ thống ngân hàng được hỗ trợ mạnh mẽ từ hoạt động mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua, lượng tiền VND được bổ sung vào hệ thống ngân hàng ở nửa cuối năm theo kênh này ước tính vào khoảng 200-300 nghìn tỷ đồng. Thứ hai, các chỉ số liên quan như tỷ lệ cấp dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR), tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn vẫn ở mức an toàn nên các ngân hàng chưa có áp lực tăng mạnh tiền gửi để đáp ứng các chỉ số này. Thứ ba, một số ngân hàng có thể sử dụng vốn vay từ các tổ chức tín dụng quốc tế để thay thế cho việc huy động trong nước.