Lãi suất vẫn sẽ tiếp tục ổn định ở mặt bằng thấp
Theo TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, mặc dù so với hồi đầu năm, có thể mức tăng lãi suất liên ngân hàng cao, nhưng so với giai đoạn trước đây thì mặt bằng lãi suất vẫn ở mức thấp. Mà đặt trong bối cảnh kinh tế có dấu hiệu phục hồi thì việc lãi suất có tăng cũng là điều bình thường.
- 13-05-2021Lãi suất gửi thấp, tiền nhàn rỗi vẫn trở lại ngân hàng
- 13-05-2021Giao dịch liên ngân hàng đột biến gấp đôi cùng kỳ, lãi suất lập mặt bằng cao mới
- 12-05-2021Lãi suất liên ngân hàng bất ngờ tăng mạnh, lãi suất huy động thì sao?
Thống kê từ các công ty chứng khoán từ cuối tháng 4/2021 đến nay cho thấy, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục có diễn biến tăng ở tất cả các kỳ hạn. Theo số liệu từ Trung tâm Nghiên cứu kinh tế MSB, đến ngày 12/5, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tiếp tục tăng 0,01 – 0,05% ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó. Cụ thể, lãi suất qua đêm giao dịch ở mức 1,22%; 1 tuần là 1,28%; 2 tuần 1,38% và lãi suất kỳ hạn 1 tháng ở mức 1,47%.
Như vậy, lãi suất liên ngân hàng của các kỳ hạn này đã vượt lên trên mức trung bình tính từ đầu năm tới nay và cao hơn mức trung bình trong năm 2020 (dưới 1,15%/năm). Đây cũng là mức cao nhất kể từ nửa cuối tháng 2/2021 tới nay.
Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, lãi suất liên ngân hàng tăng có thể liên quan tới việc tín dụng có tăng tương đối mạnh trong thời gian vừa qua. Tính tới ngày 16/4, dư nợ tín dụng đã đạt mức tăng 3,34% so với cuối năm 2020, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 1,41% vào cuối tháng 4/2020. Trong khi huy động vốn lại đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm hơn tín dụng. Đơn cử như tại TP. Hồ Chí Minh, tăng trưởng tín dụng của các TCTD trên địa bàn trong 4 tháng đầu năm 2021 tăng 3%, vượt xa tốc độ tăng trưởng huy động (tăng 0,65%)... Cầu vốn tăng mạnh trong khi mức tăng cung vốn lại thấp hơn, không đáp ứng nhu cầu, nhiều khả năng đã tạo áp lực lên diễn biến của lãi suất liên ngân hàng.
Các ngân hàng vẫn đang triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp để hỗ trợ khách hàng
Tuy nhiên dù lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, song theo quan sát của phóng viên, lãi suất huy động của các ngân hàng gần như đi ngang. Cụ thể lãi suấ́t huy động trung bình chỉ tăng nhẹ 0,02-0,03%/năm đối với cả 2 kỳ hạn 6 và 12 tháng. Diễn biến tăng chủ yếu tới từ nhóm ngân hàng có vốn hóa nhỏ (vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng), với mức tăng 0,06%/năm ở cả 2 loại kỳ hạn. Trong khi nhóm ngân hàng Big 4 tiếp tục duy trì mức lãi suất huy động của tháng trước đó. Nhóm ngân hàng vốn hóa lớn (vốn điều lệ trên 5.000 tỷ đồng) cũng gần như không thay đổi, khi tăng 0,01% với kỳ hạn 12 tháng và giảm 0,005% với kỳ hạn 6 tháng.
Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, mặc dù so với hồi đầu năm, có thể mức tăng lãi suất liên ngân hàng cao, nhưng so với giai đoạn trước đây thì mặt bằng lãi suất vẫn ở mức thấp. Mà đặt trong bối cảnh kinh tế có dấu hiệu phục hồi thì việc lãi suất có tăng cũng là điều bình thường.
Các chuyên gia phân tích của BVSC cũng nhận định, diễn biến phức tạp trở lại của dịch Covid-19 với làn sóng thứ 4 diễn ra ở nhiều địa phương, nhiều khả năng lãi suất liên ngân hàng sẽ sớm có diễn biến ổn định trở lại.
Trước khi dịch bệnh Covid quay trở lại, nhiều nhận định cho rằng, xu hướng tăng nhẹ lãi suất huy động tiền gửi để đáp ứng nhu cầu vốn đang gia tăng có thể tiếp tục diễn ra vào các quý tiếp theo khi cầu vốn tăng mạnh hơn. Sau đó mặt bằng lãi suất cho vay cũng sẽ được điều chỉnh theo. Tuy nhiên, hiện tại, dịch bệnh Covid quay trở lại vào cuối tháng 4 và đang diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương. Trong bối cảnh còn nhiều yếu tố bất định liên quan đến dịch bệnh, tổng cầu của nền kinh tế dù có cải thiện, nhưng khó có khả năng phục hồi mạnh trở lại như giai đoạn trước dịch. Đặc biệt tình hình kinh doanh một số lĩnh vực như lưu trú, du lịch, giải trí, hàng không... dự báo gặp nhiều khó khăn. Theo đó, cầu tín dụng cũng khó tăng mạnh. Theo đánh giá giới chuyên môn, ít nhất là trong quý II, xu hướng lãi suất vẫn chưa có sự thay đổi và tiếp tục duy trì ổn định.
Có thể thấy để dự báo mặt bằng lãi suất 7 tháng còn lại năm 2021 phụ thuộc rất lớn vào tình hình kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam như thế nào. Nếu kiểm soát dịch bệnh tốt ngay trong tháng 5 này, đà phục hồi kinh tế khả quan hơn, chuyên gia cho rằng, mặt bằng lãi suất có tăng nhẹ trở lại trong giai đoạn tới cũng là điều bình thường. Trường hợp tăng trưởng kinh tế chưa được như ý muốn dưới tác động của dịch Covid thì khả năng cao là từ giờ đến cuối năm, NHNN điều hành các công cụ chính sách tiền tệ đảm bảo mặt bằng lãi suất ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng chứ khó có thể đòi hỏi giảm thêm lãi suất. "Hiện chính sách tiền tệ đang ở trạng thái nới lỏng, không thể nới thêm nữa vì sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Do đó, thời gian này, NHNN tiếp tục duy trì ổn định chính sách. Còn muốn bình thường hoá chính sách tiền tệ phải phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế và lạm phát", một chuyên gia ngân hàng nhận định
Có chung quan điểm về lãi suất, TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, rủi ro tài chính đang hiện hữu nên dư địa giảm lãi suất gần như là không còn. "Việc NHNN không đảo ngược chính sách từ đầu năm đến nay đã là một thành công", ông Thành khẳng định.
Theo ông, tinh thần điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất vẫn là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng trước ẩn số khó lường dịch bệnh, nguy cơ rủi ro hệ thống, vĩ mô, tài chính, lạm phát vẫn cần rất thận trọng. Riêng về lạm phát, mặc dù nhiều dự báo lạm phát trong năm 2021 vẫn sẽ trong tầm kiểm soát ở mức dưới 4%, tuy nhiên, vẫn không thể lơ là, chủ quan.
Năm 2021, Nghị quyết Quốc hội đặt mục tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%. Nhưng hiện có một số yếu tố có thể đẩy áp lực lạm phát lên đáng kể trong năm nay. Trước tiên là khả năng phục hồi mạnh của kinh tế toàn cầu nói chung, của Việt Nam nói riêng trên nền tăng trưởng thấp của năm 2020. Khi kinh tế phục hồi thì nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng, từ đó sẽ đẩy mặt bằng giá cả lên. Bên cạnh đó chính sách siêu nới lỏng tiền tệ của các nước để ứng phó với đại dịch Covid-19 thời gian qua sẽ có tác động mạnh hơn tới lạm phát toàn cầu trong năm nay và năm tới. Ngoài ra, các dự báo đều cho thấy giá các hàng hóa cơ bản, trong đó có giá dầu vẫn tiếp tục xu hướng tăng trở lại, dù mức tăng không lớn nhưng cũng tạo thêm sức ép lên lạm phát.
"Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định vì rủi ro do đại dịch Covid-19, trong khi áp lực lạm phát đang có xu hướng tăng cao trở lại, chính sách tiền tệ cần phải được điều hành hết sức thận trọng và linh hoạt để ứng phó. Riêng với lãi suất, việc mặt bằng lãi suất giảm quá thấp có thể khiến dòng tiền đảo chiều chảy vào các kênh đầu cơ như bất động sản, chứng khoán… thì còn rủi ro hơn", vị chuyên gia ngân hàng trên nhấn mạnh.
Có chung quan điểm về lãi suất, TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, rủi ro tài chính đang hiện hữu nên dư địa giảm lãi suất gần như là không còn. "Việc NHNN không đảo ngược chính sách từ đầu năm đến nay đã là một thành công", ông Thành khẳng định. |
Thời báo ngân hàng