Lãi suất vay ở Bình Dương chưa giảm, vì sao?
Các doanh nghiệp phản ánh lãi suất vay ở các chi nhánh ngân hàng thương mại tại Bình Dương vẫn còn duy trì ở mức cao, khó tiếp cận được.
- 22-03-2023Lãi suất ngày 22/3: Gửi tiền kỳ hạn 6 tháng ở đâu cao nhất?
- 21-03-2023Vì sao lãi suất cho vay chưa giảm kịp lãi suất huy động?
- 21-03-2023Các ngân hàng hưởng lợi gì khi lãi suất điều hành giảm?
Ngày 22-3 UBND tỉnh Bình Dương và Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chủ trì hội nghị
Ông Lê Như Thạch nêu khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng
Tại hội nghị, ông Lê Như Thạch, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Bình Dương, cho biết việc tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng gặp phải nhiều khó khăn, vì tính thanh khoản, hạn chế rủi ro, các ngân hàng buộc các doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp, trong khi tài sản có được hầu hết đã đem đi bảo đảm cho các khoản vay trước. Còn để vay tín chấp, đòi hỏi phải có phương án tốt nhưng trong hoàn cảnh sản xuất- kinh doanh gặp nhiều khó khăn, rất khó để doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí cho vay của các ngân hàng.
Một vấn đề nữa là gói hỗ trợ 2% lãi suất đã được triển khai từ lâu, song hiện nay các doanh nghiệp rất khó tiếp cận. Bên cạnh đó, gói cho vay 120.000 tỉ đồng để hỗ trợ lĩnh vực bất động sản, cụ thể là cho vay nhà ở xã hội, cũng đã được 4 ngân hàng thương mại nhà nước đồng ý dành nguồn vốn, song đến nay vẫn chưa triển khai.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành hai quyết định về điều chỉnh mức lãi suất điều hành có hiệu lực kể từ ngày 15-3 giảm từ 0,5 đến 1%, điều này sẽ góp phần giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phản ánh lãi suất vay ở các ngân hàng thương mại vẫn còn duy trì ở mức cao.
Về lãi suất, ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước- Chi nhánh tỉnh Bình Dương, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và cho biết sẽ chỉ đạo trực tiếp các ngân hàng thương mại; còn những vấn đề lớn sẽ đề xuất với Nhân hàng Nhà nước Việt Nam. "Thông tin từ các ngân hàng trên địa bàn, thống nhất cuối tháng 3 này sẽ giảm lãi suất 0,5% so với lãi suất hiện tại"- ông Phong nói.
Ông Võ Đình Phong cho biết cuối tháng 3 các ngân hàng sẽ giảm lãi suất 0,5%
Theo ông Phong, các ngân hàng đã cố gắng tiết giảm tối đa mọi chi phí để giảm lãi suất tối đa cho doanh nghiệp nhưng phải có lộ trình không thể nói giảm là giảm ngay được. Kỳ vọng trong quý II, lãi suất sẽ giảm từ 1,0-1,5% trên địa bàn.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện đúng, đủ các nhiệm vụ của mình, tiếp tục tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong việc huy động và cho vay vốn, các ngân hàng thương mại phải coi khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của chính mình. Các ngân hàng cần nghiên cứu giải pháp giãn nợ để doanh nghiệp cơ cấu dòng tiền.
Ngoài nỗ lực hỗ trợ của UBND tỉnh, ông Dành đề nghị các doanh nghiệp cũng phải tự tìm cách cứu mình. "Nỗ lực này đến từ việc cơ cấu lại tài chính, khoản nợ, cho đến phương án kinh doanh, thậm chí chấp nhận chuyển đổi ngành nghề kinh doanh để tồn tại" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.
Người lao động