MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi trăm tỷ mỗi năm, một công ty chuyên bán dây thừng chào sàn với mức định giá gần 1.000 tỷ đồng

15-05-2017 - 10:08 AM | Doanh nghiệp

Ngày 16/5, cổ phiếu SBV của CTCP Siam Brothers Việt Nam sẽ chính thức giao dịch trên HoSE với mức giá khởi điểm 40.000 đồng.

Với số lượng chứng khoán giao dịch là 20,54 triệu cổ phiếu, vốn hóa thị trường của Siam Brothers Việt Nam (SBV) tương ứng 821,6 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, SBV được thành lập năm 1995 và là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Thái Lan với hoạt động kinh doanh chính là sản xuất dây, các loại ngư lưới cụ.

Siam Brothers Việt Nam đang hoạt động ra sao?

Sau hơn 20 năm hoạt động, SBV hiện là nhà sản xuất và cung cấp dây thừng đánh bắt cá hàng đầu tại Việt Nam. Mỗi năm Công ty sản xuất khoảng 6.500 – 8.000 tấn các loại sản phẩm như dây thừng, chỉ cào PE, lưới PP, sợi đơn PE, lưới bùng nhùng, lưới giữ cá, lưới nuôi trồng thủy sản,...

Hiện tại, doanh thu của Công ty đến từ hai mảng chính là dây thừng và các sản phẩm khác. Trong đó, dây thừng là sản phẩm chủ lực khi chiếm khoảng 94% tổng doanh thu của công ty. Số liệu thống kê cho biết, SBV chiếm 24% thị phần các loại dây (theo số liệu tính toán năm 2014), tính riêng trong lĩnh vực nông ngư nghiệp là khoảng 40%. Riêng về thị phần dây thừng, thị phần của SBV chiếm khoảng 90%.

Sản phẩm của công ty được tiêu thụ trong nước khoảng 90% và xuất khẩu chiếm 10% tổng doanh thu. Thị trường xuất khẩu của SBV gồm có Nhật Bản, Indonesia, Malaysia và Na Uy.

Trong những năm qua, KQKD SBV tăng trưởng khá tích cực. Riêng trong năm 2016, SBV đạt doanh thu thuần 508 tỷ đồng – tăng 10%; LNST đạt 114 tỷ đồng – tăng 49% so với năm trước đó. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 6.111 đồng. Tại mức giá khởi điểm chào sàn (40.000 đồng) thì P/E SBV tương ứng 6,55 lần.

Việc KQKD SBV tăng trưởng mạnh trong những năm qua ngoài nguyên nhân từ việc đẩy mạnh lượng tiêu thụ, kênh phân phối, lãi suất giảm còn có nguyên nhân quan trọng từ việc giá nguyên liệu đầu vào (hạt PE, PP) giảm mạnh. Nếu như năm 2013, tỷ lệ giá vốn hàng bán/doanh thu của SBV ở mức 71,3% thì đến năm 2016 vừa qua con số này chỉ còn 57,5%.

So với các công ty cùng ngành như Garware Wall Ropp (Ấn Độ), Nitto Simo (Nhật Bản), King Chou Marine (Đài Loan), Lưới Sài Gòn (Mã CK: SFN) thì có thể thấy hiệu quả hoạt động của SBV vượt trội hơn hẳn, từ biên lợi nhuận thuần cho tới ROE, ROA.

Cổ phiếu SBV có gì hấp dẫn để đầu tư?

Điểm nhấn đầu tiên về cổ phiếu SBV là tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp bởi thị trường các sản phẩm nghề cá được hưởng lợi từ chính sách giảm đội tàu nhưng tăng công suất mỗi tàu. Điều này đòi hỏi các tàu cần nhiều hơn những sản phẩm dây lưới đánh cá chất lượng cao để có thể “vươn khơi bám biển”.

Theo đó, Chính phủ đang khuyến khích việc hiện đại hóa máy móc vật tư ngư lưới, chủ trương phát triển việc khai thác xa bờ và giảm tỷ trọng khai thác ven bờ. Phấn đấu đến năm 2020, tỉ lệ số tàu cá nhỏ dưới 20 mã lực sẽ giảm từ gần 50% hiện nay xuống còn 34,5%, còn lại sẽ là các tàu trọng tải trung và lớn. Đối với dụng cụ đan lưới, Chính phủ hạn chế các loại lưới gây hại đến môi trường như lưới rê, lưới kéo, nhưng khuyến khích các loại lưới khác như lưới câu, lưới vây… và đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp như SBV.

Điểm nhấn thứ 2 là chính sách chi trả cổ tức cao, ổn định của công ty. Trong những năm 2012, 2013, tỷ lệ chi trả cổ tức SBV ở mức trên 50%. Theo kế hoạch, tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2016 ở mức tối thiểu 25% và đây cũng là yếu tố khá hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Điểm nhấn cuối cùng của SBV là cơ cấu cổ đông khá cô đặc. Hiện tại, nhóm cổ đông sáng lập Thái Lan nắm giữ 75%, còn lại là các cổ đông cá nhân và tổ chức nổi bật là Vietnam Holding Ltd nắm giữ gần 10%. Như vậy, lượng cổ phiếu lưu hành tự do bên ngoài là khá ít, chỉ khoảng 3 triệu cổ phiếu. Theo đánh giá của một số nhà đầu tư lâu năm trên thị trường thì với lượng cổ phiếu trôi nổi thấp như SBV thì việc tăng mạnh sau khi chào sàn là điều không quá bất ngờ.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên