MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi trăm tỷ, tự doanh chứng khoán có gì đặc biệt?

Nhiều đơn vị ghi nhận mảng tự doanh lãi hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng trong quý IV năm ngoái. Điểm đáng chú ý là danh mục của hầu hết các đơn vị này là các tài sản trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi...

Thông thường với mảng tự doanh, các công ty chứng khoán luôn tìm kiếm các danh mục an toàn nhất. Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường suy giảm mạnh (tính chung cả năm 2022, VN-Index giảm 34% và nằm trong top 5 chỉ số chứng khoán giảm mạnh trên thế giới), mảng kinh doanh này gặp khó cũng là điều dễ hiểu.

Thống kê cho thấy tính riêng quý IV năm ngoái có đến 25/57 công ty lỗ tự doanh, trong khi cùng kỳ năm 2021 con số này chỉ là 4/57. Một thống kê từ VietstockFinance cho thấy lãi mảng tự doanh của các công ty chứng khoán chỉ đạt gần 1.905 tỷ đồng, giảm gần 86% so với năm 2021.

Dẫu vậy, vẫn có nhiều đơn vị ghi nhận mảng tự doanh lãi hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng trong quý IV năm ngoái. Điểm đáng chú ý là danh mục của hầu hết các đơn vị này là các tài sản trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi.

Lãi trăm tỷ, tự doanh chứng khoán có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo đó, xét về giá trị tuyệt đối, xếp đầu tiên trong top 10 lãi tự doanh là CTCP Chứng khoán SSI. Số liệu cho thấy, lãi tự doanh của SSI trong quý IV năm qua đạt 329,4 tỷ đồng, giảm 10,5% so với quý IV/2021; tuy nhiên lũy kế cả năm 2022, mảng tự doanh đem về cho SSI 1.058,7 tỷ đồng, tăng nhẹ 7,68%. Lợi nhuận từ mảng tự doanh chứng khoán của SSI trong quý IV năm ngoái nói riêng và cả năm 2022 nói chung đến từ lãi bán các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi và lỗ FVTPL (216,8 tỷ đồng) và cổ tức, tiền phát sinh từ tài sản tài chính FVTPL (268,2 tỷ đồng).

Xét về cơ cấu danh mục đầu tư của SSI, công ty này nắm 545 tỷ đồng cổ phiếu, chiếm tỷ trọng chủ yếu là khoản đầu tư ở mã SGN (407,5 tỷ đồng). Dù vậy, tỷ trọng chính trong cơ cấu danh mục SSI là trái phiếu niêm yết (792,7 tỷ đồng), trái phiếu chưa niêm yết (12.176 tỷ đồng) và chứng chỉ tiền gửi (16.437 tỷ đồng). Ba khoản mục này chiếm đến gần 96% tổng giá trị danh mục FVTPL và AFS của SSI, và chiếm đến 56,3% cơ cấu tài sản công ty.

Xếp sau SSI là CTCP Chứng khoán HD (HDBS) với lãi tự doanh quý IV/2022 đạt 282 tỷ đồng, tăng 155,9% so với cùng kỳ năm 2021; lũy kế năm 2022, mảng này đem về cho HDBS 649,6 tỷ đồng, tăng gấp gần 2 lần so với năm 2021. Tương tự SSI, danh mục của HDBS chủ yếu là trái phiếu chưa niêm yết 998,3 tỷ đồng, chiếm đến 85,4% tổng danh mục công ty.

CTCP Chứng khoán VPBank nằm trong top 3 với lãi tự doanh quý IV/2022 là 185,7 tỷ đồng, tăng gấp gần 60 lần. Lũy kế cả năm 2022, công ty lãi 425,2 tỷ đồng, tăng gấp gần 140 lần so với năm ngoái. Tương tự SSI và HDBS, tài sản trái phiếu chưa niêm yết Chứng khoán VPBank là gần 7.228 tỷ đồng, chiếm gần 97% tổng tài sản công ty chứng khoán này.

Không chỉ 3 cái tên trên, điểm chung có thể thấy là tài sản FVTPL của hầu hết cái tên trong top 10 lãi tự doanh chủ yếu là trái phiếu. Cụ thể, CTCP Chứng khoán TP.HCM tại ngày 31/12/2022 nắm 1.201 tỷ đồng trái phiếu, trong đó chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp mã BIDB2129001C (1.200 tỷ đồng), chiếm 84,2% tổng giá trị danh mục. CTCP Chứng khoán VNDirect cũng ghi nhận danh mục tài sản FVTPL tập trung vào trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ tiền gửi với tổng giá trị 15.366 tỷ đồng, chiếm 39,5% tổng tài sản (38.870 tỷ đồng); SmartInvest và KS Securities nắm lần lượt 674,6 tỷ đồng và 886,7 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết; CTCP Chứng khoán Everest (EVS) cho biết nắm giữ 1.342 tỷ đồng chứng khoán khác.

Riêng CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) có sự đa dạng danh mục với tài sản FVTPL ghi nhận 2.117 tỷ đồng cổ phiếu (gồm: EIB 421 tỷ đồng, GEE 138,7 tỷ đồng, SAF 125,3 tỷ đồng…); và 1.982 tỷ đồng trái phiếu (gồm trái phiếu NHTMCP Bắc Á 203,6 tỷ đồng, trái phiếu Ngân hàng Bưu điện Liên Việt 200,6 tỷ đồng, trái phiếu CTCP Bamboo Capital 358,4 tỷ đồng và 1.220 tỷ đồng trái phiếu không được thuyết minh),

Cái tên duy nhất có tỷ trọng cổ phiếu chiếm chủ yếu là CTCP Chứng khoán Asean (Asean Securities). Tài sản FVTPL đến ngày 31/12/2021 của đơn vị này là gần 586 tỷ đồng, đó là các cổ phiếu TSJ (giá thị trường 134,2 tỷ đồng), HTM (212 tỷ đồng), VNC (55,2 tỷ đồng)….

Trong khi đó, tài sản tài chính HTM của Asean Securities tại ngày 31/12/2022 là các trái phiếu của CTCP Vui chơi giải trí tổng hợp Tam Giang (82,7 tỷ đồng), CTCP Du lịch Thung lũng Nữ Hoàng (550 tỷ đồng) và Công ty TNHH Endo Việt Nam (250 tỷ đồng).

Dù đều là những đơn vị có giá trị tuyệt đối lãi tự doanh cao nhất thị trường trong quý IV/2022, song cần nhấn mạnh rằng 7/10 cái tên trong danh sách này đều ghi nhận mảng tự doanh tăng trưởng âm so với quý IV/2021, gồm SSI (-10,5%), HCM (-33,5%), EVS (-49,6%), SHS (-84,9%), VND (-87%), SmartInvest (-78,8%), KS Securities (-43,2%).

Theo Huy Ngọc

Thời báo Ngân Hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên