MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm 2 đồng lãi 1 đồng, gần như không CTCK nào có thể so bì lợi nhuận với HoSE, HNX và VSD

Thống kê cho thấy, lợi nhuận mà VSD, HoSE, HNX đạt được trong năm 2015 vượt trội hơn đa phần các CTCK và chỉ đứng sau một vài tên tuổi như SSI, Techcombank Securities (TCBS), Bản Việt (VCSC) hay HSC.

Để TTCK có thể vận hành trơn tru không thể thiếu những mắt xích quan trọng bao gồm Sở GDCK TP.HCM (HoSE), Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD).

Trên thế giới, hầu hết các Sở GDCK đều được tư nhân hóa và niêm yết như những doanh nghiệp bình thường. Tuy nhiên, tại Việt Nam thì cả 3 đơn vị này đều hoạt động dưới mô hình Công ty TNHH và thuộc sở hữu 100% của nhà nước.

Sau nhiều năm hoạt động, mới đây, cả 3 cơ quan này lần đầu tiên đã công bố kết quả kinh doanh và những số liệu cho thấy các doanh nghiệp “đầu não” của ngành chứng khoán đang làm ăn hết sức hiệu quả.

Theo số liệu được công bố, trong năm 2015, VSD đạt doanh thu 367,7 tỷ đồng và lãi trước thuế 233,9 tỷ đồng – tức cứ thu về 10 đồng thì VSD lãi hơn 6 đồng, một hiệu suất mà rất nhiều doanh nghiệp mơ ước.

Trong khi đó, HoSE đạt doanh thu 381 tỷ đồng trong năm 2015. Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 196,3 tỷ và 153,3 tỷ đồng. So với năm 2014, doanh thu của HoSE giảm 7% còn lợi nhuận giảm 19%, chủ yếu do giá trị giao dịch giảm và tăng trích khấu hao tòa nhà văn phòng.

Còn với HNX, doanh thu Sở giao dịch này đạt 366 tỷ đồng, LNTT đạt 188 tỷ đồng, LNST đạt 146 tỷ đồng. Cũng như HoSE, so với năm trước đó, doanh thu HNX giảm 15%, lợi nhuận giảm 25% chủ yếu do giá trị giao dịch giảm mạnh.

Như vậy, có thể thấy dù trải qua năm 2015 không thực sự thành công nhưng HoSE, HNX cũng chẳng kém là bao so với VSD khi họ tạo ra 2 đồng doanh thu thì thu lãi gần 1 đồng.

Thống kê cho thấy, lợi nhuận mà VSD, HoSE, HNX đạt được trong năm 2015 vượt trội hơn đa phần các CTCK và chỉ đứng sau một vài tên tuổi như SSI, Techcombank Securities (TCBS), Bản Việt (VCSC) hay HSC.

Lợi nhuận HoSE, HNX, VSD không hề thua kém các CTCK top đầu

Lợi nhuận HoSE, HNX, VSD không hề thua kém các CTCK top đầu

Thanh khoản tỷ lệ thuận với doanh thu HoSE, HNX

Nguồn thu từ các Sở GDCK và Trung tâm lưu ký nhìn chung khá đa dạng với rất nhiều khoản thu phí trên TTCK. Đối với HoSE, HNX, nguồn thu của các cơ quan này đến từ phí quản lý thành viên giao dịch, phí đăng ký và quản lý niêm yết, phí giao dịch, phí kết nối trực tuyến, phí đấu thầu, đấu giá…. Trong đó, phí giao dịch cổ phiếu đang mang lại nguồn thu lớn nhất cho các sở giao dịch.

Theo quy định, nhà đầu tư khi giao dịch sẽ chịu mức phí tối thiểu 0,15% và trong đó, HoSE, HNX sẽ thu về 0,03% tổng giá trị giao dịch cổ phiếu niêm yết. Còn với cổ phiếu Upcom, HNX sẽ thu 0,02% tổng giá trị giao dịch.

Năm 2015, tổng giá trị giao dịch chứng khoán trên Hose đạt hơn 487 nghìn tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng hoạt động giao dịch chứng khoán đã giúp Hose thu về 146 tỷ đồng, tương ứng gần 40% tổng doanh thu và đây cũng là nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Tương tự, hoạt động giao dịch chứng khoán cũng đem về cho HNX 224 tỷ đồng, tương đương 61% tổng doanh thu. Ngoài ra, hoạt động thu phí đấu thầu trái phiếu cũng đem về 91,25 tỷ đồng, chiếm 25% tổng doanh thu HNX.

Với đặc tính thu phí giao dịch cổ phiếu, rõ ràng nguồn thu của các Sở GDCK sẽ phụ thuộc nhiều vào thanh khoản trên thị trường. Khi TTCK giao dịch sôi động, doanh thu Hose, HNX sẽ được cải thiện và trường hợp ngược lại, doanh thu Hose, HNX sẽ bị tác động theo hướng tiêu cực. Điều này đã được minh chứng trong năm 2015 khi thanh khoản thị trường sụt giảm đã kéo theo kết quả kinh doanh các Sở GDCK có phần giảm sút.

Cụ thể, tính bình quân mỗi ngày trong năm 2015 có gần 114 triệu chứng khoán được giao dịch trên HoSE, tương đương 1.965 tỷ đồng, giảm 7,87% về khối lượng và giảm 9,51% về giá trị so với bình quân năm 2014.

Cũng như HoSE, khối lượng giao dịch bình quân trong năm 2015 trên HNX đạt 46,59 triệu cổ phiếu, tương đương 545 tỷ đồng, giảm 33% so với năm trước.

Phí GDCK là nguồn thu lớn nhất của HoSE và HNX

Phí GDCK là nguồn thu lớn nhất của HoSE và HNX

Còn với VSD, cơ quan này thu phí từ thành viên lưu ký 40 triệu đồng/năm; thu phí lưu ký cổ phiếu, chứng chỉ quỹ với mức phí 0,4 đồng/cổ phiếu, chứng chỉ quỹ/tháng; thu phí lưu ký trái phiếu 0,2 đồng/trái phiếu/tháng; phí đăng ký chứng khoán bổ sung 5 triệu đồng/lần và còn nhiều nghiệp vụ khác như thu phí chuyển khoản chứng khoán, phí thực hiện quyền, phí sửa lỗi giao dịch….

Có thể thấy, hoạt động thu phí của VSD nhìn chung không phụ thuộc vào giá trị giao dịch trên thị trường mà phụ thuộc vào số lượng thành viên tham gia thị trường. Điều này có nghĩa càng nhiều tổ chức lưu ký, đăng ký chứng khoán bổ sung (phát hành tăng vốn, chia cổ tức) càng có lợi cho VSD.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên