Làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Các chuyên gia lên tiếng
Với 2 phương án mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giao thông Vận tải đưa ra về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, các chuyên gia đã có cái nhìn khác nhau.
- 29-06-2019Dự án đường cao tốc Bắc - Nam: Cuộc đua nhà đầu tư nội - ngoại
- 18-05-20197.669 tỷ làm cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn cuối tháng 07/2019
- 02-05-2019Khởi động xây dựng cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm, đã chọn được tư vấn khảo sát, thiết kế
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã có văn bản báo cáo phương án thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam gửi tới Thủ tướng Chính phủ với tổng mức đầu tư chỉ khoảng 26 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với tổng mức đầu tư 58,71 tỷ USD mà Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra.
Theo đó, dựa trên các phân tích của các chuyên gia Đức và Hà Lan, Bộ KH&ĐT đưa ra phương án xây dựng tuyến đường sắt Bắc - Nam với tổng mức đầu tư dự án khoảng 26 tỷ USD, giảm hơn 32 tỷ USD so với đề xuất của Bộ GTVT.
Trao đổi với báo chí tại buổi Công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Quý II/2019 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong 2 phương án mà Bộ KH&ĐT và Bộ GTVT thì phương án của Bộ KHĐT với 2 giai đoạn xây dựng hợp lý hơn.
Theo ông Phong: "Đường sắt cao tốc là cần làm, nhưng khi nào làm và cách làm ra sao là vấn đề cần bàn cãi. Về cách làm, tôi cho rằng nên làm đường sắt với tốc độ vừa phải, đoạn nào đông khách nhất nên làm trước để giảm bớt chi phí cơ hội".
Phân tích về tốc độ của đường sắt cao tốc, ông Phong tiếp: "Với tốc độ tối đa lên tới 350km/h, đường sắt cao tốc Bắc – Nam sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ về thời tiết, địa hình nên một chi tiết nhỏ với tốc độ cực cao là rất nguy hiểm, ngành đường sắt Trung Quốc và nhiều nước khác cũng từng chứng kiến rất nhiều tai nạn”.
Từ phân tích trên, TS. Phong nhận định: “Vì vậy, tốc độ tối đa khoảng 200 km/h như Bộ KH&ĐT đưa ra là phù hợp. Về thời gian từ Bắc vào Nam mất khoảng 8 tiếng, bằng một giấc ngủ ban đêm là rất hợp lý. Đặc biệt, việc làm 2 đoạn đông khách nhất giúp giảm chi phí nên phương án của Bộ KH&ĐT là khả thi hơn vì nếu tổng số vốn làm dự này tới hơn 50 tỷ USD sẽ vượt cả thu ngân sách một năm”.
Cùng luận bàn, chuyên gia kinh tế, tài chính Cấn Văn Lực lại cho rằng, 2 lý do quan trọng dẫn tới sự chênh lệch vốn đầu tư Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam do hai Bộ đưa có sự chênh lệch lớn đến vậy là do tốc độ tối đa khác nhau: 200km/h và 350km/h và lộ trình xây dựng dẫn tới vấn đề về nhân công, vận hành dẫn tới chi phí hai Bộ đưa ra khác hẳn nhau.
"Chúng ta phải dung hoà giữa 2 phương án và chắc chắn chi phí sẽ đội lên so với con số 26 tỷ USD do muốn ứng dụng công nghệ hiện đại, phải đầu tư rất nhiều tiền, chưa kể chi phí nhân công, chi phí vận hành đều đang có xu hướng tăng lên”, TS. Cấn Văn Lực phân tích.
TS. Võ Trí Thành – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý trung ương lại có quan điểm, phải làm rõ 3 điểm, thứ nhất, mục tiêu là gì, thứ hai làm đường sắt cao tốc Bắc-Nam để chở khách hay chở hàng và khi làm có cần cải cách toàn bộ hệ thống đường sắt hay không?
"Ngoài ra, bài toán chi phí lợi ích tài chính, chi phí tác động kinh tế, môi trường, xã hội, hiệu quả. Điều quan trọng khi so sánh hai phương án đầu tư là rủi ro nằm ở đâu, biện pháp tối thiểu hoá rủi ro. Tôi chưa thấy hai Bộ đưa ra", TS. Thành nhận định.
BizLive