MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm gì để kìm đà tăng giá xăng?

Theo Bộ Công Thương, giá xăng trong nước tăng liên tiếp là do biến động thị trường xăng dầu và kinh tế thế giới.

Kỳ điều hành xăng dầu ngày 21/9 vừa qua, giá xăng dầu đã tiếp tục tăng mạnh, đưa giá xăng lên gần 26.000 đồng/lít. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có tổng cộng 16 lần tăng, với mức tăng 3.500 đồng/lít. Nhiều chuyên gia dự báo, giá xăng có thể tiếp tục tăng về cuối năm do siết chặt nguồn cung, để kìm đà tăng giá, cần thiết có giải pháp điều hành, sử dụng quỹ bình ổn một cách hợp lý.

Giá xăng có thể tiếp tục tăng

Theo Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), hiện sản lượng dầu của Nga lớn thứ ba thế giới, chiếm khoảng 13% thị phần toàn cầu, sau Mỹ chiếm 16% và 13,5% của Saudi Arabia. trong bối cảnh hiện nay, lệnh cấm của Nga tiếp tục hạn chế nguồn cung.

Điều này khiến cho các quốc gia nhập khẩu nhiều nhiên liệu từ Nga phải tìm kiếm các thị trường khác, khiến nguồn cung dầu thế giới cạnh tranh hơn. Các nhà máy lọc dầu trên thế giới cần gia tăng công suất, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu, kéo giá xăng dầu thế giới tăng cao.

Theo ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm thông tin - MXV, trong 4 tháng cuối năm, vấn đề siết chặt nguồn cung vẫn sẽ khiến giá dầu thế giới ở mức nền cao hơn nhiều so với nửa đầu năm nay. Dự báo, giá dầu Brent sẽ còn dư địa tăng trên vùng 90-95 USD/thùng. Việc có vượt lên vùng giá 100 USD/thùng sẽ phụ thuộc phần lớn vào bối cảnh kinh tế, đặc biệt là tăng trưởng của Mỹ và Trung Quốc. Như vậy, nhiều khả năng giá dầu sẽ duy trì ở mức cao, bên cạnh sức ép vĩ mô vẫn tạo sức cản với giá dầu.

"Việc giá nhiên liệu tiếp tục đi lên có thể là nguyên nhân chính dẫn đến chỉ số CPI tăng. Do đó, giải pháp ổn định giá xăng dầu trong thời gian tới là điều cần thiết", ông Phạm Quang Anh nói.

Cũng theo Bộ Công Thương, giá xăng trong nước tăng liên tiếp là do biến động thị trường xăng dầu và kinh tế thế giới. Nguyên nhân là do lo ngại về nguồn cung xăng dầu thắt chặt sau khi Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung; Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) sẽ tiếp tục thắt chặt thị trường trong mùa đông; triển vọng nhu cầu ở Trung Quốc không như mong đợi do tốc độ phục hồi kinh tế chậm chạp; tình hình lạm phát của nền kinh tế thế giới… Trong khi đó, xăng dầu chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí sản xuất của các ngành kinh tế.

Sử dụng Quỹ sao cho hiệu quả?

Theo thông tin điều chỉnh giá xăng kỳ 21/9 vừa qua, liên bộ Công Thương - Tài chính chi sử dụng quỹ đối với 2 mặt hàng xăng, dầu diezel, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít. Mức chi quỹ kỳ này được cho là thấp so với mức trích lập nhiều kỳ qua và so với số dư của quỹ còn tới hơn 7.400 tỷ đồng.

Theo giải thích của Bộ Công Thương, việc không trích quỹ bình ổn thời gian qua là thực hiện theo quy định của Thông tư 103/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về hướng dẫn phương thức trích lập, chi sử dụng, quản lý quỹ bình ổn xăng dầu.

Cụ thể, quỹ này chỉ được sử dụng khi chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố với giá cơ sở kỳ trước liền kề kỳ điều hành tăng từ 7% trở lên. Do vậy, dù giá xăng dầu tăng liên tục trong 7 kỳ điều hành gần đây nhưng mức tăng giá cơ sở của hầu hết các kỳ đều dưới 7%, nên không thể trích quỹ bình ổn để kìm giá xăng dầu.

Theo chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, để kìm đà tăng giá và sử dụng Quỹ BOG hoạt động hiệu quả, các quy định về trích lập và chi quỹ cần được sửa đổi để bảo đảm tính phối hợp liên thông, hợp lý.

Cụ thể, nên quy định, chỉ áp dụng mức trích quỹ khi giá cơ sở của kỳ thông báo thấp hơn giá cơ sở kỳ trước liền kề; không trích lập quỹ khi giá cơ sở kỳ thông báo cao hơn giá cơ sở kỳ trước liền kề để tránh giá xăng dầu đã tăng lại bị tăng hơn do trích lập quỹ. Khi giá xăng dầu kỳ thông báo cao hơn kỳ trước liền kề cần phải áp dụng biện pháp chi sử dụng Quỹ BOG.

Lúc đó, cơ quan quản lý phải ban hành thông báo công khai, rộng rãi là: Nhà nước áp dụng các biện pháp chi Quỹ BOG. Áp dụng có thời hạn cho đến khi giá cơ sở xăng dầu về mức bình thường, hoặc giảm. Khi đó, cơ quan quản lý sẽ phải ban hành thông báo bãi bỏ các biện pháp bình ổn xăng dầu.

Theo chia sẻ của chuyên gia Vũ Vinh Phú, hiện các loại thuế phí, chi phí kinh doanh xăng dầu của Việt Nam vẫn ở mức cao, khiến cho giá bán lẻ xăng dầu trong nước tăng cao, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, kinh tế của người dân. Để kìm đà tăng giá xăng dầu, cần phải giảm giá thành nhập khẩu cũng như các loại thuế phí, chi phí liên quan. Ngoài ra, có sự phối hợp và điều tiết giá giữa khu vực thế giới và nội địa sẽ giúp thị trường xăng dầu vận hành tự động và minh bạch; từ đó, hài hòa hơn giữa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Bộ Công Thương cho biết, để kiềm đà tăng của giá xăng dầu, Bộ đã đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp phù hợp, sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu nhằm làm giảm mức độ ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.

Theo PV

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên