MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm gì để ngành cá tra vượt khó?

04-03-2017 - 07:00 AM | Thị trường

Sự đổ vỡ chuỗi liên kết cá tra Tafishco (Cty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thuận An) ở tỉnh An Giang đang đặt ra vấn đề bức xúc:

Vì sao xảy ra như thế và ngành cá tra cần làm gì để vượt khó, phát triển bền vững?

Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Thắng (ảnh), phân tích: Tafishco đang xảy ra sự cố nhưng trước nữa, tính từ năm 2012 đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu bị khủng hoảng tài chính. Trong các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, lâu lâu lại nổ ra một sự kiện. Nguyên nhân chính là đa số doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn lãi suất cao để đầu tư cho dài hạn, khi ngân hàng ngừng cho vay là đổ bệnh.

Tại sao biết nguyên nhân mà nhiều năm rồi vẫn không khắc phục được, thưa ông?
Tại sao biết nguyên nhân mà nhiều năm rồi vẫn không khắc phục được, thưa ông?

Các địa phương hầu như chưa quan tâm xem xét, đánh giá, thống kê số liệu doanh nghiệp mạnh và yếu để có giải pháp khắc phục. Với nhóm doanh nghiệp còn có thể đứng vững trên thị trường thì hỗ trợ phát triển, còn lại thì cần giải pháp xử lý tránh đổ vỡ gây hậu quả dây chuyền.

Chúng ta nhớ lại giai đoạn những năm 2008-2009, Chính phủ có gói tín dụng 1.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp mua cá tra nguyên liệu đang bị thừa trong ao nuôi. Việc cho vay chưa được tính toán kỹ để đến đúng doanh nghiệp có năng lực và thị trường xuất khẩu nên sau đó, nhiều doanh nghiệp mua cá tra chế biến lại bị tồn kho.

Hồi đó nhiều ý kiến cho rằng do thiếu liên kết chuỗi sản phẩm với hai khâu chính là nuôi và chế biến xuất khẩu. Thế rồi thí điểm chuỗi liên kết Tafishco ra đời (một trong hai chuỗi thí điểm ở ĐBSCL, chuỗi còn lại ở tỉnh Đồng Tháp) kỳ vọng đưa ngành sản xuất cá tra đi lên bền vững, nhưng sau hai năm báo cáo thành công, vừa bước sang năm thứ ba đã đổ vỡ, tại sao?

Khi có chủ trương thí điểm xây dựng chuỗi liên kết dọc cá tra, Tafishco là một trong 4 doanh nghiệp còn hoạt động khá hiệu quả của tỉnh An Giang (có 14 doanh nghiệp chế biến cá tra) và phải vận động mãi Tafishco mới chịu tham gia. Nhưng chuỗi liên kết Tafishco cũng chỉ mới giải quyết được việc cho vay vốn sản xuất.

Tình hình vốn cho sản xuất, lúc chưa thực hiện chuỗi liên kết, người nuôi cá tra luôn thiếu vốn. Bởi vì ngân hàng cho vay với tài sản thế chấp là ao nuôi chứ không phải giá trị cá trong ao, vốn tín dụng chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu.

Sản phẩm cá tra chế biến của Tafishco chủ yếu là phi-lê đông lạnh
Sản phẩm cá tra chế biến của Tafishco chủ yếu là phi-lê đông lạnh

Một ao cá tra sản lượng khoảng 400 tấn, giá trị hơn 8 tỷ đồng nhưng người nuôi chỉ được vay vốn tín dụng 700-800 triệu đồng. Khi tham gia chuỗi, người nuôi cá tra được vay vốn bằng số tiền mua thức ăn cho cá, khoảng 70% nhu cầu. Với nhà máy chế biến xuất khẩu cũng được đáp ứng vốn sản xuất tương tự.

Số liệu của Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 1/2017, Trung Quốc và Hồng Kông đã vươn lên trở thành thị trường lớn nhất nhập khẩu cá tra Việt Nam. Thời gian trên, xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch 66.386.817 USD; trong đó, Trung Quốc và Hồng Kông chiếm 21,05%, EU 14,47%, cuối cùng là Mỹ 14,39%. Thứ tự này đã đảo ngược năm 2016, xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch 1 tỷ 714.891.645 USD; trong đó, dẫn đầu là Mỹ chiếm 22,59%, Trung Quốc và Hồng Kông 17,77%, EU 15,23%.

Như thế, chuỗi liên kết thí điểm chưa giải quyết được vấn đề căn bản là nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành cá tra. Chuỗi liên kết Tafishco vẫn cho ra sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là phi-lê đông lạnh. Hai miếng phi-lê cá tra đông lạnh phải gánh hiệu quả kinh tế cho cả con cá nên giảm sức cạnh tranh, gặp khó khăn trong tình hình thị trường cạnh tranh gay gắt.

Quả thật, phi-lê chỉ chiếm khoảng 46% khối lượng con cá, còn lại được gọi là phụ phẩm hay phế phẩm cũng có gia trị lớn nhưng chưa được quan tâm chế biến nên tiềm năng cá tra chưa được khai thác tốt. Tuy nhiên, nói đến chất lượng cá tra thì không thể không nhắc tới Nghị định 36, có hiệu lực từ ngày 20/6/2014, từng được kỳ vọng nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra, bây giờ thế nào thưa ông?

Một tiêu chuẩn quy định trong Nghị định 36 là tỷ lệ hàm ẩm sản phẩm cá tra, tối đa chỉ cho phép 83%. Hàm ẩm là tỷ lệ nước chứa trong miếng thịt cá tra, với cá tra tự nhiên chỉ 80%, chế biến làm tăng lượng nước lên 83% nhưng chưa ảnh hưởng đến chất lượng thịt cá. Có doanh nghiệp dùng máy quay tăng trọng, bơm nước cho tỷ lệ hàm ẩm tăng lên 86%, thậm chí hơn nữa đã làm giảm chất lượng nghiêm trọng, bị người tiêu dùng phản ứng vì sản phẩm cá tra khi đó như cục nước.

Nghị định 36 ra đời, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu phản ứng, cho rằng có thị trường thì không thể ngăn cản đáp ứng. Đến nay, quy định về tỷ lệ hàm ẩm cá tra chưa buộc phải thực hiện và sản phẩm cá tra vì thế cũng chưa thấy rõ xu hướng được nâng cao chất lượng.

Nhưng ý kiến của các doanh nghiệp cũng được dư luận ủng hộ là tiêu chuẩn sản phẩm cụ thể phải do thị trường quyết định?

Lẽ ra quy định buộc sản phẩm cá tra có tỷ lệ hàm ẩm tối đa 83%, chỉ nên áp dụng với thị trường trong nước, để bảo vệ người tiêu dùng nước ta và bảo vệ chất lượng một sản phẩm chiến lược của quốc gia. Sản phẩm cá tra muốn tiêu thụ ở Việt Nam phải đạt tiêu chuẩn đó, để dần đưa chất lượng cá tra trở lại như tự nhiên, tỷ lệ hàm ẩm 80%. Đó cũng chính là tiêu chuẩn chất lượng cá tra Việt Nam. Còn doanh nghiệp nào muốn chế biến cá tra có tỷ lệ hàm ẩm cao hơn, khi có thị trường tiêu thụ thì mặc sức, không cấm, nhưng phải kê khai thị trường rõ ràng để giám sát. Kèm theo là chính sách khuyến khích nâng cao chất lượng sản phẩm cá tra, như thế dần dần sẽ xây dựng được thương hiệu cá tra Việt Nam và ngành cá tra nước ta phát triển bền vững.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Thị trường Trung Quốc đang có mức tăng trưởng khá cao nhưng vẫn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thương mại.

Kỳ vọng vào Nghị định 36 với sự tham gia Hiệp hội Cá tra Việt Nam và các cơ quan hữu quan hình thành cơ chế cung cấp thông tin hữu ích kịp thời cho ngành hàng hiệu quả hơn.

Nhu cầu nâng cao năng lực quản trị hiệu quả trước thử thách ngày càng khắc nghiệt của thị trường nhập khẩu và khó khăn vốn cần có thời gian để tái cấu trúc.

Tình hình cạnh tranh của sản phẩm thay thế: như cá tuyết hay cá rô phi. Sản phẩm cá tra bị cạnh tranh trên thị trường thế giới ngày càng gay gắt (về chủng loại, giá cả và chất lượng sản phẩm).

Sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ yếu là dạng nguyên liệu thô, sản phẩm đông lạnh nguyên con hoặc phi-lê, tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng còn thấp và chưa định hướng được đầu ra cho các sản phẩm này.

(Hiệp hội Cá tra Việt Nam)

Theo Ngọc Duyên

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên