MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm gì để ngành logistics sớm gỡ khó, tận dụng tối đa lợi thế

Hiện nay việc vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp Việt còn phụ thuộc khá nhiều vào các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp logistics nội địa cần tăng cường đổi mới, áp dụng công nghệ để tối ưu điều kiện hiện tại, ông David Hia, Tổng Giám đốc JGL logistics Group (Singapore) nói về thực trạng ngành logistics Việt Nam.

Làm gì để ngành logistics sớm gỡ khó, tận dụng tối đa lợi thế - Ảnh 1.

Ngành logistics Việt Nam còn nhiều thách thức. Ảnh: Freepik

Nhiều triển vọng, lắm thách thức

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc triển lãm quốc tế ngành logistics lần đầu tiên tại Việt Nam, diễn ra tại TP.HCM từ ngày 10-12/8, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công thương nhận định, logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

"Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14 - 16% một năm, quy mô 40 - 42 tỷ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đóng góp không nhỏ đưa kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 732,5 tỷ USD trong năm 2022, khẳng định vị trí quan trọng của Việt Nam trên bản đồ thương mại quốc tế", đại diện Cục Xuất nhập khẩu thông tin thêm.

Đây là kết quả của những nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp dịch vụ logistics, của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics nói riêng cũng như nỗ lực cải thiện từ bản thân doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể…

Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), chi phí logistics so sánh với tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam đang ở mức 16,8%, so với bình quân thế giới là 10,7%. Tính trong ASEAN, chi phí logistics Việt Nam cao hơn các nước Singapore (đang ở mức 8,5%), Malaysia (13%) và Thái Lan (15,5%).

Là doanh nghiệp xuất khẩu trái cây hàng đầu của Việt Nam, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc công ty xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, chi phí logistics trong ngành nông sản rất cao, chiếm khoảng 20-25% giá thành sản phẩm. Như vậy, khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế, sản phẩm của doanh nghiệp Việt có giá thành cao hơn, lợi thế cạnh tranh giảm xuống.

Trao đổi với phóng viên Nhadautu.vn, ông David Hia, Tổng Giám đốc JGL logistics Group, một tập đoàn chuyên lĩnh vực logistics của Singapore hiện đang hợp tác với nhiều thị trường trên thế giới nhận định, hiện nay ngành logistics Việt Nam có khá nhiều tiềm năng, nếu biết khai thác tốt sẽ mang lại lợi thế cho doang nghiệp.

"Hiện nay việc vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp Việt còn phụ thuộc khá nhiều vào các doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp logistics nội địa cần tăng cường đổi mới, áp dụng công nghệ để tối ưu điều kiện hiện tại", ông David Hia cho lời khuyên.

Trên thực tế, việc bị phụ thuộc vào đội tàu nước ngoài cũng khiến các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều rào cản khi muốn mở rộng sang các thị trường tiềm năng, doanh nghiệp bị phụ thuộc vào cước phí, lịch trình của hãng tàu nước ngoài, khó có được sự lựa chọn tối ưu. Chưa kể, vào mùa cao điểm, các hãng tàu, container thường đồng loạt tăng mạnh giá cước và các khoản phụ phí nhưng không báo trước.

Lời giải cho bài toán logistics

Làm gì để ngành logistics sớm gỡ khó, tận dụng tối đa lợi thế - Ảnh 2.

Ông Trần Thanh Hải trao đổi với các doanh nghiệp ngành logistics tại Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2023. Ảnh: Vinexad

Nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, giao thương và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến trong khu vực và trên thế giới cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam. Lần đầu tiên, Việt Nam tổ chức Triển lãm chuyên ngành về Logistics tại TP.HCM. Sự kiện diễn ra từ ngày 10-12/8 với sự có mặt của hàng trăm doanh nghiệp lĩnh vực logistics trong và ngoài nước.

Chủ tịch VLA Nguyễn Duy Hiệp nhận định, triển lãm lần này là cơ hội lớn để các doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước và quốc tế cũng như cộng đồng các nhà đầu tư, doanh nghiệp chủ hàng và các bên liên quan khác giao lưu, hợp tác, tư vấn và lựa chọn các giải pháp nhằm tối ưu hoá quy trình logistics của doanh nghiệp; từ đó thúc đẩy ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có, đồng thời tạo tiếng vang kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ vận hành, đào tạo nhân lực, thiết lập hệ sinh thái xanh trong ngành logistics.

"Trước xu hướng số hóa và xanh hóa ngành dịch vụ logistics hướng tới phát triển bền vững, tại Triển lãm lần này sẽ có rất nhiều các sản phẩm, dịch vụ về công nghệ phục vụ cho ngành logistics. VLA tin tưởng rằng, thông qua Triển lãm các doanh nghiệp sẽ góp phần giúp doanh nghiệp định hướng chiến lược kinh doanh trong thời gian tới; tìm ra giải pháp, áp dụng công nghệ số hóa trong việc cải tiến chất lượng dịch vụ, sản phẩm; thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics", ông Hiệp đưa ra lời khuyên cũng như định hướng phát triển ngành logistics trong thời gian tới.

Cần tăng cường thực hiện liên kết các vùng kinh tế, gồm liên kết liên vùng và nội vùng trong xây dựng hệ thống logistics. Hoàn thiện kết nối hạ tầng giao thông và trung tâm logistics phù hợp nhằm phát huy tối đa lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý, bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng, thực thi cơ chế chính sách về hoạt động logistics và các chính sách hỗ trợ khác.

"Để ngành logistics phát triển, cần có sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, giữa các cơ quan Trung ương và địa phương. Qua đó, tạo sự thống nhất, đồng bộ quan điểm quản lý, xây dựng và thực thi chính sách phát triển ngành cũng như xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp một cách nhanh chóng nhất", ông Nguyễn Thanh Hải đề xuất.

Thêm nữa, việc đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, trình độ kỹ thuật cao cũng là việc cấp bách mà ngành logistics cần sớm triển khai đồng bộ và phải có sự phối hợp giữa các đơn vị đào tạo nhân sự như trường học, trường dạy nghề… để việc phát triển ngành được đồng bộ và đáp ứng đủ nguồn nhân lực trong bối cảnh hiện tại.

Theo Thiên Kỳ - Đỗ Lan

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên