MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Làm giàu tuổi 20] Môi giới chứng khoán và những tiết lộ "chưa từng bật mí" khi thị trường sóng gió

16-05-2022 - 16:52 PM | Doanh nghiệp

[Làm giàu tuổi 20] Môi giới chứng khoán và những tiết lộ "chưa từng bật mí" khi thị trường sóng gió

"Trách nhiệm của một môi giới không chỉ là tìm kiếm cơ hội mà còn cùng khách hàng phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro, chia sẻ, lắng nghe và đồng hành cùng khách hàng" - Lê Thành Đạt – Giám đốc kinh doanh – PGD Nguyễn Hữu Cảnh – CTCP Chứng khoán SSI chia sẻ.

Sau hai năm diễn biến tích cực, những biến động thị trường trong 5 tháng đầu năm 2022 với những pha rớt điểm liên tiếp đã vượt xa mọi dự định của giới đầu tư. Như nhiều người vẫn nói, lúc thị trường uptrend thì bất cứ ai cũng có thể trở thành chuyên gia, nhưng khi thị trường biến động thì bản lĩnh sẽ thể hiện ở tâm thế đối mặt với sóng gió.

"Chúng tôi không coi đây là "hứng" cơn giận dữ. Trách nhiệm của một môi giới không chỉ là tìm kiếm cơ hội mà còn cùng khách hàng phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro, chia sẻ, lắng nghe và đồng hành cùng khách hàng" - Lê Thành Đạt – Giám đốc kinh doanh – PGD Nguyễn Hữu Cảnh – CTCP Chứng khoán SSI - một người trẻ nhưng đã có thời gian gắn bó với nghề chứng khoán cũng như có kinh nghiệm đi qua biến động của thị trường chia sẻ khi được hỏi về cách mà bạn đối mặt với những cảm xúc của khách hàng trong thời gian qua.

Với Đạt, khi khách hàng còn "trách" là còn tin, còn đồng hành. Vừa là một môi giới chứng khoán, vừa cũng là một người đầu tư chứng khoán, Đạt hiểu rõ hơn ai hết những gánh nặng tâm lý mà khách hàng của mình đang chịu.

"Đứng ở vị trí của khách hàng, tôi thấu hiểu và đồng cảm với họ. Sau khi đã giải tỏa được áp lực tâm lý, tôi sẽ cùng họ bàn về những kế hoạch hành động tiếp theo, cải thiện tình trạng tài khoản theo tiêu chí an toàn và tốt nhất có thể lúc thị trường rung lắc như hiện nay."

[Làm giàu tuổi 20] Môi giới chứng khoán và những tiết lộ chưa từng bật mí khi thị trường sóng gió - Ảnh 1.

Nghề môi giới chứng khoán thật khó. Có lúc nào bạn muốn chuyển nghề vì áp lực chưa?

Với tôi, không có nghề nào là dễ cả, dù có là chủ tịch tại một tập đoàn lớn hay chỉ là một anh công nhân đi làm đủ ngày lương. Ngày mới vào nghề, tôi được chia sẻ, có hai thứ mà khiến chúng ta khó làm việc nhất, đó là tiền và con người. Nghề môi giới chứng khoán lại liên quan trực tiếp hai yếu tố này.

Vào SSI từ năm 2017, tôi được trải qua một cơn sóng tăng và cũng hưởng trọn một đợt sóng giảm năm 2018. Với một môi giới kinh nghiệm chưa đầy 1 năm, tôi gặp rất nhiều khó khăn: Tài khoản khách hàng, tài khoản cá nhân đều thua lỗ. Trong những đợt giảm mạnh của thị trường, chỉ 3 phiên thôi thị trường có thể "cuốn đi" 15% - 20% tài sản khách hàng – là một chuyên viên tư vấn, tôi rất áp lực. Chúng ta đều biết, số giờ làm việc tiêu chuẩn hằng ngày là 8 tiếng, nhưng môi giới chứng khoán thì không! Những lúc thị trường khó, các bạn phải làm việc gấp đôi thời gian, phải trấn an, chia sẻ và tìm giải pháp cho danh mục của khách hàng… có những lúc NĐT lo lắng,12h đêm, môi giới vẫn nhận được tin nhắn hỏi về thị trường ngày mai… Thời điểm gần như kiệt sức, tôi từng nghĩ, nếu chọn một công việc nhẹ nhàng, mình sẽ đỡ áp lực và có thời gian dành cho gia đình hơn.

Và rồi, khi bình tĩnh hơn, tôi nghĩ về lý do mình bắt đầu với công việc này, về những khách hàng đã tin tưởng mình, về sự chung sức ở SSI nơi tôi đang làm việc, tôi quyết định gắn bó nghề tới giờ.

Có một câu hỏi "kinh điển" khi thị trường giảm điểm, nhà đầu tư cầm cổ phiếu bị thua lỗ đó là có nên cắt lỗ, bao giờ về bờ. Bạn có thường xuyên nhận được những câu hỏi như vậy trong thời điểm này?

Thực sự đây là những câu hỏi tôi thường xuyên gặp phải giai đoạn này. NĐT chủ động hỏi mình như vậy thì đó là khi họ cần mình nhất. Tôi sẽ xem xét mức độ rủi ro của tài khoản để từ đó dựa theo kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn để khuyến nghị nên giữ hay buông.

Khi thị trường khó khăn như hiện tại, tôi nghĩ việc cần thiết nhất đối với một nhà đầu tư là một cái đầu lạnh. Khi bình tĩnh, chúng ta mới có đủ tỉnh táo để rà soát lại tình trạng tài khoản của mình, cân đối tỷ trọng cổ phiếu và tiền mặt cũng như giữ tài khoản an toàn và đợi tín hiệu thị trường tạo đáy để bắt đầu giải ngân trở lại.

Một điều nữa tôi luôn muốn truyền tải đến nhà đầu tư của mình rằng thị trường chứng khoán là sự tổng hòa của những con sóng tăng và những con sóng giảm. Không thể bắt thị trường cứ leo dốc hoài, cũng giống như không thể yêu cầu ông trời cứ mãi cho trời nắng được. Điều chúng ta cần là phải học cách chấp nhận, kỷ luật hành động trước những rủi ro – vì "Kỷ luật là cầu nối giữa mục tiêu và thành tựu".

Vậy quan điểm của bạn về cách lựa chọn cổ phiếu, phương pháp giao dịch giai đoạn này là gì?

Nhớ năm 2018, thị trường downtrend, mỗi sáng mở bảng điện, gặp hiện tượng "múa bên trăng", tôi cũng lo lắng và hoang mang. Tuy nhiên ở SSI không thiếu những anh chị đồng nghiệp dày dặn kinh nghiệm, tích cực chia sẻ giúp tôi được truyền cảm hứng cũng như học hỏi và tiếp cận nhiều phương pháp đầu tư mới. Tôi và team mỗi quý đều lọc cổ phiếu từ kết quả kinh doanh theo phương pháp đầu tư tăng trưởng Canslim, và gửi sản phẩm đầu tư đến khách hàng.

Thị trường vào Uptrend, cổ phiếu nào cũng sẽ tăng, tuy nhiên trong giai đoạn thị trường khó khăn như hiện tại là cơ hội rất lớn để tích lũy cổ phiếu cho giai đoạn trung và dài hạn. Rahm Emanuel - thị trưởng thành phố Chicago bang Illinois từng nói: "Không nên để một cuộc khủng hoảng trầm trọng trôi qua một cách vô nghĩa". Cơ hội chỉ xuất hiện khi chúng ta chán nản nhất!

[Làm giàu tuổi 20] Môi giới chứng khoán và những tiết lộ chưa từng bật mí khi thị trường sóng gió - Ảnh 2.

Có khi nào gặp những khách hàng thích đầu cơ, lướt sóng khiến các bạn tư vấn những mã mà nội tại doanh nghiệp không có gì cả nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng ầm ầm không?

TTCK cũng giống như một xã hội thu nhỏ, trong đó, sẽ tồn tại đa dạng tính cách và khẩu vị đầu tư. Công việc của môi giới là tìm hiểu và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của mỗi khách hàng.

Đối với những nhà đầu tư ưa thích rủi ro, thời gian đầu, tôi sẽ vẫn giới thiệu những cổ phiếu phù hợp với mong muốn của khách hàng. Nhưng đi kèm với đó là phân tích những rủi ro có thể gặp phải cho khách. Song song đó, mình sẽ khuyến khích khách hàng giải ngân tỷ trọng nhỏ vào cổ phiếu có cơ bản tốt hơn để họ làm quen dần.

Tại SSI, không phải mình tôi mà hầu như tất cả các anh chị môi giới, trong mọi hoàn cảnh thị trường đều định hướng khách hàng quản trị rủi ro tài khoản. Mục đích của chúng tôi là hướng nhà đầu tư đến một phương pháp đúng đắn và an toàn hơn, bởi vì đầu tư là một con đường dài hơi, và việc thay đổi góc nhìn đầu tư của một người không chỉ gói gọn trong một sớm một chiều. Trong xuyên suốt quá trình đó, mình phải cùng đồng hành và trao đổi thường xuyên với khách hàng.

Nghe Đạt chia sẻ càng thêm hiểu, những lúc thị trường nhiều biến động, rung lắc như thế này, mới hiểu đâu là tư vấn môi giới "có tâm" và thạo nghề?

Thị trường nhiều biến động, rung lắc cũng là lúc các bạn thể hiện bản lĩnh, dẹp bỏ sự chán nản, áp lực của bản thân để hướng đến sự hỗ trợ khách hàng khác nhau. Vì chỉ những lúc này, khách hàng mới là người cần mình nhất, cùng đồng hành để có cách xử lý phù hợp, sẽ đúng với ý nghĩa của công việc này hơn.

Trong giai đoạn uptrend, nhiều người nói công cụ nghiên cứu sẽ thay thế nghề môi giới, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là những nhận định cá nhân. Chứng khoán vẫn là 1 kênh đầu tư song song với công việc chính của phần lớn các nhà đầu tư, cũng như rất ít nhà đầu tư có thể chia sẻ với người thân của mình. Việc có một người sẵn sàng hỗ trợ khi bận rộn và chia sẻ áp lực khi thị trường khó khăn là điều mà nhà đầu tư nào cũng cần, và không có công cụ hay máy móc nào có thể thay thế được. Chính vì vậy, môi giới chứng khoán sẽ luôn có chỗ đứng quan trọng trên thị trường, cả trong lúc thị trường đi lên hay biến động, đặc biệt là những môi giới có tâm.

[Làm giàu tuổi 20] Môi giới chứng khoán và những tiết lộ chưa từng bật mí khi thị trường sóng gió - Ảnh 3.

Sau 5 năm nỗ lực, Đạt đã ở vị trí Giám đốc kinh doanh ở một công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam, đã từng nhận được danh hiệu TPMG ấn tượng khu vực phía Nam, 28 tuổi với những thành tích trên, bạn có thấy mình có "năng khiếu" với nghề này?

Ở SSI, có rất nhiều anh chị đồng nghiệp xuất sắc và rất giỏi, nên tôi chưa dám nhận đây là thành tích, nhưng với cá nhân tôi, đó cũng là những dấu mốc quan trọng.

Ở vị trí Trưởng phòng môi giới sau 2 năm nỗ lực, và hai năm sau đó nhận danh hiệu TPMG ấn tượng khu vực phía Nam. Nói về điều này có lẽ câu nói "May mắn xảy ra khi cơ hội gặp gỡ một kế hoạch tốt" sẽ phản ánh đúng nhất. Việc của tôi là sẵn sàng và chuẩn bị thật kỹ càng, cơ hội luôn xuất hiện để dành cho mình. Điều này có lẽ cũng đúng cả trong việc đầu tư nhỉ (cười).

Môi giới được ví như "sợi dây" nối nhà đầu tư với thị trường và công ty chứng khoán. Để làm tốt việc này, bạn đào tạo đội ngũ của mình thế nào?

Chúng ta có thể hình dung, nghề môi giới chứng khoán không có "giới hạn trên" - một bạn sinh viên mới ra trường 1 – 2 năm có thể quản lý khối tài sản 10 – 50 tỷ, thậm chí là thăng tiến lên trưởng phòng, giám đốc kinh doanh... Chính vì vậy, cám dỗ là không tránh khỏi. Thực tế thì, bất cứ ngành nghề nào cũng có người này người kia. Tôi không phủ nhận mặt tối trong nghề. Tuy nhiên, "đường dài mới biết ngựa hay", tôi tin những người môi giới đủ yêu nghề, đủ nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình, sẽ có suy nghĩ và hành động đúng mực với tư cách là một chuyên viên tư vấn chứng khoán.

Ở SSI, công ty luôn chú trọng và ưu tiên lợi ích của khách hàng, đặt lợi ích của khách hàng lên trước lợi ích của doanh nghiệp. Tất cả các nhân viên đều được nhắc nhở, không được xung đột giữa lợi ích khách hàng và cá nhân.

[Làm giàu tuổi 20] Môi giới chứng khoán và những tiết lộ chưa từng bật mí khi thị trường sóng gió - Ảnh 4.

Nghề nào cũng cần những người theo nghề có quan điểm, lập trường riêng, để bảo vệ mình trước những cám dỗ và phát triển sự nghiệp. Quan điểm, lập trường của bạn về nghề này thế nào? Lời khuyên của bạn dành cho những bạn trẻ đang muốn làm nghề này?

Suốt 5 năm gắn bó với nghề, tôi luôn lấy sự chân thành làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Mối quan hệ giữa người với người, để đi lâu dài luôn cần sự tin tưởng, là một chuỗi các hoạt động quan tâm nối tiếp nhau. Nên với những lợi ích phát sinh ngắn hạn, hay những xung đột lợi ích không đáng có, các bạn trẻ cần phải đủ tỉnh táo để không mắc phải, cần có người dẫn dắt để cho những lời khuyên khi cần, một góc nhìn nghiêm túc hơn, chủ động hơn trong công việc, và sẵn sàng cho "một hành trình dài hơi" đối với nghề.

Ngoài ra, tại Việt Nam, nghề môi giới chứng khoán vẫn còn nhiều định kiến, các bạn cần phải kiên định cho lựa chọn của mình, hiểu và tin tưởng vào bản thân thì mới làm được tốt công việc này.

Vậy còn với các Nhà đầu tư trẻ? Bạn thấy các bạn trẻ hiện nay có thích đầu tư không? Đặc điểm lớn nhất khi đầu tư của các bạn trẻ là gì?

Giai đoạn vừa rồi, với lượng tài khoản chứng khoán mở mới rất nhiều, trong đó phần lớn là khách hàng trẻ, nên tôi cũng có nhiều khách hàng thuộc phân khúc này. Đặc điểm của các bạn ấy là không những thích đầu tư mà còn ưa mạo hiểm. Một đặc điểm khá phổ biến của các bạn trẻ là không có biện pháp quản trị rủi ro, thích đầu tư vào những cơ hội mạo hiểm và mong muốn có được lợi nhuận nhanh chóng. Nhận thức này rất nguy hiểm trong đầu tư.

[Làm giàu tuổi 20] Môi giới chứng khoán và những tiết lộ chưa từng bật mí khi thị trường sóng gió - Ảnh 5.

Là một người trẻ, đam mê tài chính, bạn có lời khuyên gì cho các bạn trẻ đang còn loay hoay trên hành trình tìm kiếm tự do tài chính thông qua con đường đầu tư? Và với cương vị là một môi giới, bạn có lời khuyên gì cho khách hàng của mình?

Hành trình đi đến tự do tài chính là một con đường dài, nếu xác định đó là đích đến của mình trong tương lai, thì các bạn phải bắt đầu từ sớm và ngay bây giờ. Bước đầu, khi chưa có kiến thức và kinh nghiệm, chắc chắn chúng ta sẽ mất một khoản học phí, và đây là điều mà các bạn phải chấp nhận để đổi lấy một hành trang vững chắc và dài hơi hơn. Đạt tâm đắc 1 câu nói của cựu ngoại trưởng Mỹ Colin Powell: "Không có bí mật để thành công, đó là bí mật của sự chuẩn bị, làm việc chăm chỉ và học hỏi từ thất bại".

Bên cạnh đó, các bạn trẻ cũng có thể lựa chọn việc có một người môi giới cùng đồng hành trong quá trình đầu tư hoặc có thể tham gia vào chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư. SSI – với vị thế là Công ty chứng khoán hàng đầu – có khả năng cung cấp đầy đủ những sản phẩm, dịch vụ mà các bạn cần. Đạt tin rằng điều này sẽ giúp các bạn có được sự bền vững tài chính trước khi đạt đến mục tiêu tự do tài chính.

Xin cám ơn bạn về cuộc trò chuyện thú vị!

https://cafef.vn/lam-giau-tuoi-20-moi-gioi-chung-khoan-va-nhung-tiet-lo-chua-tung-bat-mi-khi-thi-truong-song-gio-20220516162428433.chn

PV

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên