Làm mới nông nghiệp ĐBSCL
Cần có các giải pháp thiết thực nhằm đổi mới công nghệ, tạo ra chuỗi giá trị bền vững cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong điều kiện biến đổi khí hậu ở ĐBSCL
- 14-07-2016Thủ tướng đồng ý chuyển đổi hơn 1.477 ha đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp
- 06-07-2016Nông nghiệp thiệt hại 17.000 tỷ đồng, sốt ruột nhiều mối đe dọa tăng trưởng
- 29-06-2016Bloomberg: Bức tranh kinh tế Việt Nam không vì nông nghiệp mà u ám
Ngày 14-7, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) 2016 diễn ra tại tỉnh Hậu Giang, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức hội thảo “Hỗ trợ và thúc đẩy ứng dụng đổi mới công nghệ cho DN theo chuỗi giá trị”.
Tốc độ tăng năng suất giảm
Lúa là cây trồng quan trọng nhất tại ĐBSCL. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của vùng này là diện tích đất sản xuất nông nghiệp manh mún, nông dân tự chọn giống lúa và kỹ thuật áp dụng dẫn đến chất lượng kém, không đồng nhất, giá bán thấp.
TS Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, cho rằng năng suất lúa ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đạt bình quân 5,8 tấn/ha. Đây là mức khá cao so với các nước xuất khẩu chính như Ấn Độ, Thái Lan và Pakistan. Thế nhưng, tốc độ tăng năng suất có xu hướng giảm dần qua các thời kỳ. Trong giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng năng suất đạt thấp nhất, bình quân chỉ 1,04%.
Trong khi đó, tốc độ tăng năng suất giai đoạn 1990-1995 đạt cao nhất là 3,05%. Quy mô sản xuất theo hộ thì nhỏ lẻ, khoảng 85% số hộ có diện tích trồng lúa dưới 0,5 ha. Xuất khẩu lúa gạo ở Việt Nam đứng thứ ba thế giới nhưng chúng ta chưa có gạo thương hiệu để xuất khẩu. Số lượng giống không nhiều, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến chất lượng gạo xuất khẩu .
Ngoài ra, năng lực cơ giới hóa sản xuất lúa của chúng ta còn thấp, đạt 2,2 mã lực (HP)/ha canh tác; trong khi đó, Thái Lan là 4 HP/ha và Trung Quốc là 8 HP/ha.
Theo PGS-TS Nguyễn Minh Châu (Viện Cây ăn quả và Cây macca Nữ Hoàng), ở Thái Lan và Đài Loan, nông dân trồng bưởi đều theo hướng bền vững chứ không theo hướng thâm canh năng suất cao như Việt Nam. Họ rất chú ý việc thoát thủy cho vườn, trồng thưa... Nông dân Việt Nam thì ngược lại, trồng rất dày, không bón phân hữu cơ, nếu có cũng rất ít. Điều này dẫn đến cây bưởi sẽ không khỏe mạnh như ở các mô hình trồng bưởi tại Đài Loan và Thái Lan bởi trồng dày dẫn đến rất nhiều sâu bệnh, phải phun thuốc trừ sâu hằng tuần khiến môi trường sản xuất không an toàn cho nông dân và ảnh hưởng cả người tiêu dùng.
Đặt chất lượng lên hàng đầu
GS-TS Nguyễn Thị Lang, Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng để gia tăng sản xuất và chất lượng lúa gạo, nhu cầu cấp thiết là những giống lúa mới phải kháng với nhiều loại sâu bệnh và điều kiện bất lợi. Vì vậy, cách thức tiếp cận khả thi nhất là thanh lọc nguồn vật liệu di truyền và đột biến trong ngân hàng gien, phát hiện và nhận dạng gien, phân tích nhiều gien khác nhau. “Sản xuất lúa gạo bây giờ không chỉ đặt mục tiêu về sản lượng mà phải quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, sự thích ứng với điều kiện môi trường khác nhau để bảo đảm sinh kế cho nông dân” - bà Lang nói.
Là một trong số ít DN thực hiện khá thành công mô hình “cánh đồng mẫu lớn” ở ĐBSCL, ông Dương Văn Chín, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành thuộc Tập đoàn Lộc Trời (tiền thân là Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang), cho biết từ năm 2010 trở về trước, một số mô hình liên kết trong trồng lúa mang tính tự phát đã hình thành ở vùng ĐBSCL.
Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động thực hiện “cánh đồng mẫu lớn” vào cuối tháng 3-2011, Tập đoàn Lộc Trời bắt đầu tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, cung cấp dịch vụ trọn gói và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân tham gia vùng nguyên liệu của tập đoàn.
Theo đó, nông dân được ứng trước giống lúa cấp xác nhận, phân bón, được cán bộ kỹ thuật của tập đoàn làm lực lượng “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nhà nông. Vì thế, số hộ nông dân và diện tích gieo trồng hằng năm trên “cánh đồng mẫu lớn” của tập đoàn liên tục gia tăng: từ 1.023 ha trong vụ đông xuân 2010-2011 lên 92.000 ha trong cả năm 2015.
Đối với lĩnh vực cây ăn quả, PGS-TS Nguyễn Minh Châu cho rằng nên khuyến khích hỗ trợ các DN nào làm dự án xây dựng mô hình sản xuất vài chục hecta trở lên theo hướng bền vững như kiểu nông dân Thái Lan, Đài Loan... đang làm. Ngoài ra, nhà nước nên hỗ trợ xây dựng mô hình đóng gói trái cây kiểu mới để DN làm theo. Điều này không những làm tăng giá trị trái cây mà còn giúp việc tồn trữ được lâu hơn, đủ sức cạnh tranh với trái cây các nước ở những thị trường xuất khẩu khác.\
Người Lao động