MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Làm nóng" du lịch TP HCM và ĐBSCL

"Làm nóng" du lịch TP HCM và ĐBSCL

Hoạt động kết nối du lịch giữa TP HCM và ĐBSCL được tái khởi động ngay thời điểm Việt Nam vừa chính thức mở cửa thị trường khách quốc tế, đem lại kỳ vọng cho việc phục hồi.

Từ ngày 16 đến 18-3, đoàn công tác về du lịch của TP HCM và một số tỉnh Đông Nam Bộ đã tham gia khảo sát du lịch trong khuôn khổ hội nghị triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2022 tại tỉnh Bạc Liêu.

Nhiều kỳ vọng đón khách trở lại

Ngành du lịch tỉnh Bạc Liêu gần như "đóng băng" suốt thời gian dài do ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Bạc Liêu đã triển khai mở cửa từng bước, hướng đến mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Theo thống kê, toàn tỉnh có 15 điểm du lịch, trong đó TP Bạc Liêu có đến 8/9 điểm du lịch được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm đến tiêu biểu nên ngành du lịch kỳ vọng sẽ sớm nhộn nhịp đón khách trở lại.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL)TP Cần Thơ, cho biết sở đang tham mưu UBND TP kế hoạch triển khai nghị quyết của Thành ủy Cần Thơ về đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới, cụ thể hóa bằng các nhiệm vụ, giải pháp nhằm định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Làm nóng du lịch TP HCM và ĐBSCL - Ảnh 1.

Khách du lịch tham quan chợ nổi Cái Răng ở TP Cần Thơ sau khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát Ảnh: CA LINH

Theo ông Lý Văn Bon, một người dân làm du lịch ở cồn Sơn (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), người dân làm du lịch cộng đồng nơi đây đã trang trí lại nhà cửa để chuẩn bị đón khách.

"Ngoài việc nuôi nhiều loài cá trong bè để khách đến chụp ảnh, tôi đã trồng thêm nhiều hoa, mở rộng thêm chỗ nghỉ chân. Khách nước ngoài khi đến đây thích gian bếp, nơi ăn ngủ trên bè nên tôi cũng sắp xếp lại những nơi này cho sạch sẽ" - ông Bon nói.

Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Cà Mau, cho hay tỉnh đã ban hành chương trình "Cà Mau điểm đến năm 2022" nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đây còn là cơ hội để kết nối du lịch Cà Mau với các tỉnh, thành ĐBSCL và TP HCM. Đến với Cà Mau trong năm 2022, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến những trận đua vỏ lãi trên bãi bồi Đất Mũi, đua xuồng ba lá trên sông Cái Tàu, lễ xác lập kỷ lục đối với tổ ong lớn nhất Việt Nam, thưởng thức các món ăn chế biến từ cua biển ngon nhất miền Tây…

Trong khi đó, ngành du lịch Đồng Tháp đang tích cực chuẩn bị cho hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, làm mới sản phẩm dịch vụ, khôi phục bộ máy nhân sự. Ông Võ Tiến Thành, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, thông tin tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp (DN), hộ dân, cộng đồng thực hiện chuyển đổi số, phát triển mô hình mới, xây dựng nền tảng hệ thống bản đồ số du lịch tỉnh Đồng Tháp.

"Chúng tôi cũng khởi động lại chương trình liên kết kích cầu du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc; tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế - VITM Hà Nội; đón các đoàn khảo sát điểm đến, kết nối tour du lịch mới; tổ chức chương trình quảng bá lễ hội sen, diễn đàn OCOP vùng ĐBSCL và tham gia một số sự kiện quảng bá du lịch của các tỉnh, thành" - ông Võ Tiến Thành nói.

Thay đổi cách làm để du lịch hấp dẫn hơn

Theo báo cáo của Sở Du lịch TP HCM về kết quả thực hiện chương trình liên kết phát triển du lịch TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2019-2022, từ năm 2019, các chương trình liên kết du lịch TP HCM và những vùng trọng điểm trên cả nước được triển khai rộng rãi và hiệu quả, lan tỏa đến cộng đồng và DN du lịch. Trong đó, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP HCM và ĐBSCL luôn được đánh giá cao, là một trong những chương trình trọng điểm phát triển DN, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của TP HCM.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, nhấn mạnh với lợi thế thỏa thuận liên kết, TP HCM và ĐBSCL cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng khách 2 chiều, góp phần tháo gỡ khó khăn trước mắt của DN và xóa bỏ dần tâm lý e ngại du lịch của người dân. TP HCM xác định là cửa ngõ du lịch, cần có những sản phẩm để thu hút dòng khách từ các tỉnh, thành khác đến trải nghiệm những chương trình du lịch liên kết, từ thành phố về đồng bằng.

Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng việc liên kết du lịch giữa các địa phương, trong đó có liên kết giữa TP HCM và ĐBSCL, góp phần thống nhất quy định về phòng chống dịch trong lĩnh vực du lịch, thay vì mỗi địa phương áp dụng một cách như trước đây. Riêng về tour tuyến, sản phẩm du lịch của từng địa phương ở ĐBSCL dù có sự cải thiện nhưng vẫn chưa tạo ra nhiều khác biệt.

"Sau khi liên kết, ĐBSCL đã cho thấy sự phân vai rõ hơn, chia thành các cụm miền Đông, cụm phía Tây và từng tỉnh đều tìm kiếm nét khác biệt cho sản phẩm du lịch của địa phương mình, như không phải nơi nào cũng đờn ca tài tử hoặc miệt vườn sông nước… Đây là điều tích cực bởi khách đi tour không cảm thấy trùng lắp nhưng trong xây dựng sản phẩm cần làm rõ hơn sự đặc sắc của từng nơi đi qua" - ông Trần Đoàn Thế Duy nói.

Nhiều DN tham gia đoàn khảo sát du lịch trong khuôn khổ hội nghị triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP HCM và ĐBSCL cho biết lần khảo sát này giúp DN cập nhật chất lượng dịch vụ du lịch ở các điểm đến, cần thiết cho việc xây dựng sản phẩm du lịch, tour tuyến trở lại để phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế.

Trao 20.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân Bạc Liêu

Tại hội nghị triển khai kế hoạch năm 2022, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP HCM với 13 tỉnh, thành ĐBSCL và phát động mở cửa lại du lịch trong điều kiện bình thường mới diễn ra tại tỉnh Bạc Liêu vào sáng 18-3, chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" của Báo Người Lao Động sẽ trao tặng 20.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân Bạc Liêu.

Trước đó, ngày 1-6-2019, chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" đã được khởi động tại Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam do Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức ở Bạc Liêu. Nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường và Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân cùng trao tặng 5.000 lá cờ, 4 tấm lưới đánh cá làm từ nguyên liệu vi sinh thân thiện với môi trường (do Tập đoàn An Phát sản xuất thử nghiệm) và những phần quà chăm sóc sức khỏe cho đại diện ngư dân tỉnh Bạc Liêu.

C.Tuấn

Du lịch Việt Nam không cần hộ chiếu vắc-xin

Bộ VH-TT-DL ngày 16-3 đã ban hành phương án mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Chính sách thị thực được khôi phục như trước đại dịch Covid-19 với việc miễn thị thực đơn phương cho 13 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Âu, Đông Bắc Á và miễn thị thực song phương cho 88 nước, gỡ bỏ mọi hạn chế xuất nhập cảnh đã áp dụng trong 2 năm chống dịch.

Khách nhập cảnh Việt Nam không cần phải có chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin nhưng cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh. Khách nhập cảnh qua đường bộ, đường sắt, đường biển phải có xét nghiệm như đối với khách nhập cảnh qua đường hàng không.

Theo bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc tiếp thị và truyền thông Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, DN đã làm việc với hơn 400 đối tác trên toàn cầu để trao đổi, phối hợp xây dựng sản phẩm phù hợp với tình hình thực tế, lên phương án về lịch bán sản phẩm du lịch Việt Nam theo khách đoàn cho khách quốc tế.

"Quyết định mở cửa toàn bộ hoạt động du lịch từ ngày 15-3 giúp DN có thêm cơ sở quan trọng để triển khai chính thức các phương án phục vụ khách quốc tế cho mùa 2022-2023. Tuy nhiên, tại thời điểm tháng 3 này, thị trường khách quốc tế chưa phải mùa cao điểm. DN kỳ vọng mùa khách quốc tế sắp tới, từ tháng 9-2022, sẽ khai thác tối đa và hiệu quả nhất các thị trường tiềm năng" - bà Thanh Trà nói.

Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, cũng nhận định chưa thể có khách quốc tế đến ngay vì du lịch quốc tế có độ trễ và khách thường đặt tour, dịch vụ trước nhiều tháng. Nhiều DN khác cũng cho biết đang xúc tiến làm việc với đối tác. Không chỉ đón khách quốc tế tới Việt Nam (inbound), thị trường outbound (đưa khách Việt ra nước ngoài) cũng được kỳ vọng sẽ nhộn nhịp trong thời gian tới. Hiện một số DN đang triển khai các đoàn khảo sát du lịch tới Dubai, Thái Lan... để đẩy mạnh đưa khách Việt đi tour nước ngoài.

L.Anh - T.Phương

Theo Nhóm PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên