MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Lạm phát bữa trưa” đốt cháy ví người lao động: Khi đồng lương không tăng kịp sinh hoạt phí đắt đỏ

26-05-2022 - 20:27 PM | Tài chính quốc tế

“Lạm phát bữa trưa” đốt cháy ví người lao động: Khi đồng lương không tăng kịp sinh hoạt phí đắt đỏ

Ăn uống, đi lại, gửi trẻ khiến việc trở lại văn phòng trở nên đắt đỏ hơn trước. Điều đó đang ăn sâu vào thu nhập của người lao động, đặc biệt là nếu lương không tăng kịp theo thời thế.

Hàng triệu nhân viên bắt đầu làm việc từ xa khi đại dịch bùng phát vào năm 2020. Nhưng hiện nay, nhiều người đang quay trở lại văn phòng và họ đang phải chi trả nhiều hơn cho mọi thứ.

Ăn uống, đi lại, gửi trẻ. Giá xăng và lạm phát tăng cao đã khiến việc trở lại văn phòng trở nên đắt đỏ. Điều đó đang ăn sâu vào thu nhập của người lao động, đặc biệt là nếu lương không tăng kịp theo thời thế.

Dưới đây là một số sinh hoạt phí đang ngày một gia tăng khiến hoạt động làm việc trực tiếp trở nên tốn kém hơn.

“Lạm phát bữa trưa” đốt cháy ví người lao động: Khi đồng lương không tăng kịp sinh hoạt phí đắt đỏ - Ảnh 1.

Ăn trưa và nhâm nhi ly café cùng đồng nghiệp là một trong những "đặc quyền" đáng mong đợi khi trở lại văn phòng. Nhưng mọi người đang phải trả nhiều tiền hơn cho niềm vui nho nhỏ này.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ hồi đầu tháng 5, chỉ số đồ ăn hàng quán đã tăng 7,2% so với năm ngoái. Giá lương thực trong tháng 4 đã tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 4 năm 1981, Cục Thống kê Lao động cho biết.

Nhân viên văn phòng thấy mọi thứ đều tăng giá, từ ly café sáng cho đến đĩa salad trưa. Ở Mỹ, Starbucks đã liên tục tăng giá vào tháng 10/2021 và đầu năm 2022. Hãng cho biết giá có thể sẽ tiếp tục tăng. Chuỗi salad Sweetgreen đã tăng giá thực đơn lên 10% kể từ đầu năm 2021, công ty cho biết trong báo cáo thu nhập gần đây nhất.

Kelly Yau McClay, sống ở Potomac, Maryland, cho biết: "Lạm phát bữa trưa là có thật 100%, mọi thứ đều đắt hơn. Trước đây, bạn có thể ăn trưa với giá từ 7 đến 12 USD. Bây giờ, bạn khó có thể ăn một bữa trưa tươm tất với giá dưới 15 USD".

Yau McClay mới bắt đầu công việc xây dựng thương hiệu và tiếp thị cho một công ty bất động sản thì đại dịch ập đến khiến mọi việc ngưng trệ hồi tháng 4/2020. Cô đã làm việc online toàn thời gian cho đến tháng 10/2021.

Nhưng hiện tại, cô có lịch làm việc kết hợp. Yau McClay đến văn phòng 3 ngày trong tuần. Mỗi ngày đi làm như vậy, cô ước tính chi khoảng 30-35 USD cho các chi phí liên quan đến công việc như bữa trưa, café, đồ ăn nhanh và phí gửi xe.

“Lạm phát bữa trưa” đốt cháy ví người lao động: Khi đồng lương không tăng kịp sinh hoạt phí đắt đỏ - Ảnh 2.

Tại Canada, các chủ nhà hàng, quán bar và quán café đã chờ đợi ngày mở cửa trở lại từ lâu. Tuy nhiên, những nhân viên văn phòng có thể ngạc nhiên khi họ xem qua thực đơn của các quán ăn trưa ngay trung tâm thành phố.

Đó là bởi vì hoá đơn bữa trưa tăng còn nhanh hơn tỷ lệ lạm phát. Nhiều mặt hàng mua mang về hoặc ăn tối cũng đã tăng mạnh, ví dụ như bánh mì kẹp tăng 26%, salad tăng 25%, bánh mì sandwich tăng 20%...

Mặt khác, một số người lao động lại cảm thấy nhẹ nhõm khi trở lại văn phòng, ít nhất là ở một vài phương diện. Người tiêu dùng đã thay đổi thói quen chi tiêu trong thời kỳ đại dịch. Các chi phí ăn uống ở nhà hàng được thay thế bằng hoá đơn hàng tạp hoá và những bữa ăn tại nhà.

Sara Hill, người làm việc trong ngành bảo hiểm ở Buffalo, New York, đã chứng kiến khoản tiền chi cho thực phẩm của mình tăng lên, khi cô và 4 đứa con ở nhà toàn thời gian. Cô nói: "Tôi ăn nhiều thức ăn hơn vì ở gần bếp hơn… chi tiêu cho thực phẩm vẫn tăng lên vì cả nhà đều ở nhà".

Sau khi làm việc từ xa toàn thời gian trong đợt cao điểm của đại dịch, Sara Hill hiện đang đến văn phòng 2 ngày một tuần. Trước đại dịch, cô chi khoảng 25-30 USD mỗi ngày cho bữa sáng và trưa. Nhưng giờ đây, khi nhiều quán ăn gần văn phòng đóng cửa, cô thường xuyên phải mang cơm nhà theo.

“Lạm phát bữa trưa” đốt cháy ví người lao động: Khi đồng lương không tăng kịp sinh hoạt phí đắt đỏ - Ảnh 3.

Việc quay trở lại văn phòng cũng đồng nghĩa với việc tiêu thụ nhiều năng lượng hơn.

Khi giá xăng tại Mỹ gần đây đạt mức cao kỷ lục, việc đổ xăng thường xuyên ở thời điểm này rất tốn kém. Theo AAA, mức giá trung bình cho 1 gallon xăng thông thường là 4,6 USD. Vào tháng 2/2020, mức giá đó chỉ bằng một nửa là 2,44 USD.

Tại Orlando, Florida, anh Mike Tobin đã nâng cấp xe lên một chiếc minivan vào tháng 8 năm 2020. Vào thời điểm đó, anh cho biết chi phí đổ đầy bình khoảng 40 USD, nhưng giờ đã lên gần tới 75 USD.

Tobin, người làm việc cho công ty phân phối điện, cho biết đoạn đường tiêu tốn nhiều xăng nhất là đường đến văn phòng. Mọi nhu cầu khác đều gần với nơi ở của anh.

“Lạm phát bữa trưa” đốt cháy ví người lao động: Khi đồng lương không tăng kịp sinh hoạt phí đắt đỏ - Ảnh 4.

Đối với Sara Hill, giá xăng cao đã khiến cô phải thay đổi lịch trình để cố gắng chỉ tốn một bình xăng mỗi tuần. Chiếc xe của cô tiêu tốn khoảng từ 110 USD đến 120 USD một bình.

Hill nói: "Tôi cố gắng sắp xếp những ngày tôi đến văn phòng. Tôi thu xếp làm mọi việc có thể sau giờ tan tầm hoặc giờ nghỉ trưa, vì đó là ngày cô sử dụng xe ô tô". Trong những ngày còn lại làm việc tại nhà, cô cố gắng hạn chế ra khỏi nhà hết mức có thể.

Đối với Yau McClay, bất kỳ ngày nào cô đi làm, cô đều phải trả phí gửi xe. Trước đây, một giờ gửi xe có giá 1 USD, nhưng mức giá đã tăng thêm 50 cent vào đầu năm 2022. Mỗi ngày, Yau McClay trả 12 USD phí gửi xe, tăng 8 USD so với trước đây.

Việc mua những bộ quần áo công sở cũng rất tốn kém. Giá quần áo trong tháng 4 đã tăng 5,4%  so với cùng kỳ năm trước.

Yau McClay cho biết những thứ từng phải thường xuyên chi tiêu như cắt tóc, trang điểm, làm móng tay móng chân và mua quần áo mới gần như đã tạm gác lại trong 2 năm. "Bây giờ tôi đang đến văn phòng, tôi phải đi mua bộ trang điểm mới, vì vậy tôi đang tiêu tiền vào những thứ trước đây không có", cô nói. Và mọi thứ đều đắt hơn so với trước đây.

“Lạm phát bữa trưa” đốt cháy ví người lao động: Khi đồng lương không tăng kịp sinh hoạt phí đắt đỏ - Ảnh 5.

Chi phí chăm sóc con cái thường là một trong những khoản chi tiêu lớn nhất mà các bậc làm cha mẹ phải bỏ ra. Với một số người, chi phí đó cũng đang đắt đỏ hơn.

Theo Child Care Aware of America, vào năm 2020, chi phí chăm sóc trẻ em trung bình hàng năm trên toàn nước Mỹ là 10.174 USD.

Tháng 9/2020, Yau McClay gửi con gái 3 tuổi của mình ở một trung tâm trông giữ trẻ toàn thời gian với giá 2.150 USD một tháng. Cô cho biết mặc dù trẻ càng nhỏ thì dịch vụ càng rẻ, nhưng một loạt chi phí khác lại tăng lên.

Mỗi khi con cô lên lớp, trung tâm lại thông báo tăng học phí. So với lúc đầu gửi con, chi phí không giảm mà còn tăng gần 200 USD mỗi tháng.

Theo CNN, City News

https://cafef.vn/lam-phat-bua-trua-dot-chay-vi-nguoi-lao-dong-khi-dong-luong-khong-tang-kip-sinh-hoat-phi-dat-do-2022052616463973.chn

Khánh Ly

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên