Lạm phát có "nổi loạn"?
Lạm phát 9 tháng đã lên mức cao nhất trong 5 năm khiến cho mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 4% bị thử thách.
- 08-10-2018“Dồn nén lạm phát năm 2018 sẽ tạo áp lực lớn cho năm sau“
- 01-10-2018Thủ tướng: Sức ép lạm phát còn rất lớn!
- 31-08-2018Mục tiêu kiểm soát lạm phát đang "đè nặng" lên 4 tháng cuối năm
Báo cáo của công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết tính chung 9 tháng, CPI đã tăng 3,2% so với cuối năm 2017 và trung bình tăng 3,57% so với cùng kỳ.
Chỉ xét CPI so với cuối năm trước, con số 3,2% là cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nguyên nhân chính được đưa ra là giá lương thực, thực phẩm và giá dầu.
Sâu xa hơn, phía nghiên cứu SSI cho rằng là do mất cân bằng trong cung cầu ngắn hạn.
Theo SSI, việc ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia, Hàn Quốc, Philippines … là một tin vui cho sản xuất nông nghiệp. Được mùa nhưng không mất giá giúp tăng trưởng ngành nông nghiệp 9 tháng đạt 2,78% trong khi cùng kỳ 2017 chỉ tăng 1,96%.
Dù vậy, lạm phát lương thực cũng tăng theo với CPI lương thực tăng 1,42% so với cuối năm trước, cùng kỳ tăng 0,84%. Hiện tại xuất khẩu gạo của Việt Nam đang chậm lại, kéo theo giá gạo trong nước xuống thấp so với vùng đỉnh tháng 5. Tuy nhiên nhiều khả năng giá gạo sẽ tăng trong quý 4 bởi nhu cầu đối với gạo xuất khẩu vẫn lớn.
Không giống với giá gạo, giá thịt lợn được SSI dự báo là có khả năng sớm bình ổn. Giá thịt lợn hơi hiện đang giao động trên 50.000 đồng/kg, tương đương vùng đỉnh vào tháng 5/2016, thời điểm trước khi lao dốc khiến ngành chăn nuôi lợn lao đao. Giá tốt đã kích thích người nuôi tái đàn.
Ẩn số khó đoán nhất là với lạm phát giá dầu. Xuất phát từ cuộc cấm vận của Mỹ với Iran, giá dầu thô thế giới đã tăng 32% so với đầu năm. Từ khi lệnh cấm vận giai đoạn 1 có hiệu lực (7/8/2018), sản lượng dầu của Iran đã giảm 380 nghìn thùng/ngày, tương đương khoảng 10% sản lượng sản xuất của Iran trước khi cấm vận. Cũng trong thời gian này, giá dầu thô thế giới tăng 12%.
SSI cho rằng việc dự đoán giá dầu trong những tháng cuối năm không dễ bởi các nước sản xuất dầu mỏ lớn không đưa ra các con số đáng tin cậy về sản lượng dầu mỏ. Thống kê của Bloomberg cho thấy trong tháng 8 và 9, OPEC đã tăng sản lượng thêm 510 nghìn thùng/ngày còn Mỹ tăng sản lượng dầu đá phiến thêm 104 nghìn thùng/ngày.
Về công suất dự trữ, riêng OPEC (trừ Iran) đã có khoảng 1.5 triệu thùng/ngày, đủ để bù đắp phần hụt đi từ Iran. Với các số liệu này, rất khó để giải thích nguyên nhân đằng sau sự tăng giá mạnh và liên tục của dầu thô trong năm nay.
Điểm tích cực trong ổn định lạm phát trong năm 2018 là chính sách tiền tệ đang được thực thi tương đối hiệu quả. Áp lực tỷ giá trong năm 2018 là khá lớn và nếu như không có các biện pháp kiểm soát tốt, đà giảm giá của VND trong 9 tháng vừa qua có thể chưa dừng lại ở 2,8%. Với tín dụng, khả năng cao là tăng trưởng tín dụng trong năm 2018 sẽ thấp hơn so với mục tiêu 17%, giúp giảm bớt áp lực lạm phát cầu kéo.
Như vậy, phía SSI cho rằng các tác nhân này có thể làm lạm phát tăng cao trong quý IV khiến cho thách thức kiềm chế lạm phát năm 2018 cao hơn hẳn các năm trước đó.
Phía Viện Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý chính sách (VEPR) cũng đặc biệt lưu ý đến vấn đề lạm phát trong báo cáo vĩ mô vừa công bố.
Với đà tăng cao của lạm phát, đặc biệt trong quý cuối cùng của năm 2018, khi không còn các yếu tố thuận lợi hỗ trợ như năm 2017, lạm phát các tháng được VEPR dự đoán là có khả năng vượt mốc 4%.
Chính vì vậy, viện nghiên cứu này đã đưa ra cảnh báo lạm phát năm 2018 khó đạt được mục tiêu 4% và bày tỏ lo ngại lạm phát năm 2019 vượt xa mức 4% này.
Lạm phát không phải là nỗi lo của riêng Việt Nam, theo TS. Phạm Thế Anh (ĐH Kinh tế quốc dân).
"Lạm phát toàn cầu đang là xu hướng hiện nay cho đến 1 – 2 năm tiếp theo", ông nói và cho biết vấn đề này đang nổi lên, lấn át câu chuyện về tăng trưởng. Thậm chí, như Nhật Bản, lạm phát từ mức âm đã tăng dương trong thời gian trở lại đây.
Lạm phát toàn cầu xuất phát từ nhiều lý do như sự phục hồi mạnh mẽ của Mỹ và các quốc gia lớn khác, từ việc tăng quá lương thực, nguyên liệu và phục hồi giá dầu.
Đối với các nước đang phát triển, ông Thế Anh cho biết khi đồng USD mạnh lên, đồng tiền các nước này bị mất giá dẫn đến hiện tượng "nhập khẩu lạm phát từ thế giới", bên cạnh sự phục hồi giá của xăng dầu.
Đối với Việt Nam, điều này lại đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Chính phủ áp kịch trần Thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Vị chuyên gia này cho rằng đây là một chính sách tăng thu gây tác động đến cả tiêu dùng hộ gia đình và doanh nghiệp.
Tính toán của VEPR cho biết khi đánh thuế thêm 1.000 đồng trên 1 lít xăng dầu có thể làm tỷ lệ lạm phát trong vòng 1 năm tới tăng 1,6 điểm phần trăm. Trong khi đó, Bộ Tài chính chỉ đưa ra mức 0,07 – 0,09% và được nhiều chuyên gia, trong đó có ông Thế Anh nhận định là "quá thấp, thiếu chính xác".