MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát đã lùi gần hơn về ngưỡng 4%

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ngày càng có xu hướng giảm dần, về gần hơn với ngưỡng 4%.

Xăng dầu, điện nước “hâm nóng” CPI tháng 7

Tổng cục Thống kê vừa công bố tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2020. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,4% so với tháng trước, chủ yếu do giá xăng dầu trong nước biến động tăng theo giá xăng dầu thế giới và nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao trong thời gian nắng nóng kéo dài. Mặc dù vậy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2020 vẫn giảm 0,19% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 7 tháng năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,07% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức tăng 0,4% của CPI tháng 7/2020 so với tháng trước có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó: Nhóm giao thông tăng nhiều nhất với 3,91% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 27/6/2020 làm chỉ số giá xăng, dầu tăng 9,02% (tác động làm CPI chung tăng 0,37%). Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,47%, chủ yếu do giá điện, nước sinh hoạt tăng lần lượt là 2% và 0,25% khi nhu cầu sử dụng điện, nước tăng mạnh vào thời điểm thời tiết nắng nóng và do giá gas tăng 1,13%, giá dầu hỏa tăng 8,2%. Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,3% do đây là tháng học sinh, sinh viên bước vào kỳ nghỉ hè nên nhu cầu vui chơi giải trí tăng cao. Các nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình; may mặc, mũ nón và giày dép; đồ uống và thuốc lá; thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục và nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng từ 0,02 - 0,17%.

Lạm phát đã lùi gần hơn về ngưỡng 4% - Ảnh 1.

CPI tháng 7 tăng 0,4% so với tháng trước, chủ yếu do giá xăng dầu trong nước biến động tăng theo giá xăng dầu thế giới (Ảnh minh họa: KT)


Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,18% (trong đó: lương thực giảm 0,2% do giá gạo giảm 0,33%; thực phẩm giảm 0,3%); nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%.

Lạm phát cơ bản tháng 7/2020 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 2,31% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm 2020 tăng 2,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/7 tăng 4,31% so với tháng 6/2020, cao nhất trong vòng 9 năm kể từ năm 2012. Trong nước, lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro, dẫn đến nhu cầu mua các loại tài sản an toàn như vàng tăng cao.

“Giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới do tình hình kinh tế thế giới dự báo tiêu cực, dịch Covid-19 tiếp tục lan nhanh, các nước đều đưa ra các gói kích thích kinh tế. Chỉ số giá vàng tháng 7/2020 tăng 3,49% so với tháng trước; tăng 20,89% so với tháng 12/2019 và tăng 28,57% so với cùng kỳ năm trước”, đại diện Tổng cục Thống kê cho hay.

Thách thức mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2020

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân ngày càng có xu hướng giảm dần, về gần hơn với ngưỡng 4%. Đây là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, nhiều nhận định của các chuyên gia đều cho rằng, có nhiều áp lực làm tăng chỉ số này trong những tháng cuối năm. PGS.TS. Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, trong 6 tháng cuối năm 2020, thị trường, giá cả ở Việt Nam có hai nhân tố chính làm tăng CPI.

Cụ thể, giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại khi dịch Covid-19 trên thế giới dần dần được khống chế và các hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục. Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam vẫn còn diễn biến rất phức tạp (đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng và bão lũ cực đoan…) sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung – cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Đặc biệt, một khó khăn lớn trước mắt cho Việt Nam là sau 99 ngày không có ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng, đến nay, đã ghi nhận 27 trường hợp dương tính với Covid-19 trong thời gian ngắn và con số này có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Làn sóng dịch tiếp theo đang diễn biến hết sức phức tạp sẽ khiến các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu tiếp tục gặp khó khăn, đứt gãy.

Lạm phát đã lùi gần hơn về ngưỡng 4% - Ảnh 2.

PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính, để có thể giữ tốc độ tăng CPI bình quân ở mức dưới 4% trong năm 2020 như chỉ tiêu của Quốc hội là một mục tiêu cực kỳ khó khăn. Trước mắt, cần đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và phòng ngừa các dịch bệnh phát sinh vào mùa hè và mùa thu sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng.

“Cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả. Với những mặt hàng có lộ trình tăng giá, cần xác định rõ mức độ, thời điểm thực hiện, tránh trùng các thời điểm có thể gây biến động lớn đến mặt bằng giá cả của nền kinh tế”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị./.

Theo Cẩm Tú

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên