MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát khủng khiếp nhìn từ chiếc áo ngực phụ nữ: Từ nút cài đến vải ren đều tăng giá, mua loại có gọng hay không gọng là cả một vấn đề

26-04-2022 - 10:27 AM | Tài chính quốc tế

Lạm phát khủng khiếp nhìn từ chiếc áo ngực phụ nữ: Từ nút cài đến vải ren đều tăng giá, mua loại có gọng hay không gọng là cả một vấn đề

Cánh đàn ông chắc chắn sẽ phải cận trọng hơn khi đụng đến áo ngực phụ nữ.

Dòng áo ngực "The Natalia Underwire Bra" của hãng Journelle đã bán với giá 68 USD từ năm 2016. Thế nhưng họ đã phải nâng giá lên 98 USD và khiến nhiều hãng bán lẻ ngừng nhập hàng vì quá đắt.

"Họ biết là chẳng thể bán với giá cao hơn để lấy lãi được", chủ doanh nghiệp Guido Campello của Journelle ngậm ngùi khi cho biết mình buộc phải tăng giá do chi phí đã lên gấp đôi kể từ năm 2019.

Lạm phát khủng khiếp nhìn từ chiếc áo ngực phụ nữ: Từ nút cài đến vải ren đều tăng giá, mua loại có gọng hay không gọng là cả một vấn đề - Ảnh 1.

Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), việc tăng giá đang lan tràn trên diện rộng chứ chẳng riêng gì áo ngực. Trong khi Journelle vất vả vì hàng loạt nguyên liệu làm áo ngực đi lên khiến họ phải tăng giá thì vô số ngành nghề kinh doanh khác cũng đối mặt áp lực nâng giá thành phẩm nếu không muốn đóng cửa.

Lạm phát tại Mỹ trong tháng 3 đã đạt tới 8,5%, cao nhất trong 40 năm qua và dù nhiều chuyên gia kinh tế nhận định có thể chúng đã lên đỉnh nhưng sẽ rất khó và tốn thời gian dài để hạ giá các sản phẩm.

Tất cả vì giá dầu

Không riêng gì áo ngực, hàng loạt các phụ kiện làm đẹp của phụ nữ cũng lên giá. Tuy nhiên đà tăng giá của các mặt hàng này thường không được chú ý bằng các nhu yếu phẩm như lương thực hay nhiên liệu.

"Đã quá lâu rồi tôi chưa mua áo ngực và không chắc mình có nên mua không nữa. Dù sao thì tôi sẽ phải trả mức giá cao cho loại áo ngực mình mong muốn", chuyên gia marketing Marcia Hunt tại Oak Park-Mỹ cho biết khi mua 3 chiếc áo ngực với giá 45 USD/chiếc.

Theo tờ WSJ, việc tăng giá xăng là một trong những nguyên nhân chính nữa khiến giá áo ngực đi lên, nhất là sau khi xung đột Ukraine diễn ra khiến Nga khó bán dầu.

Ông Campello của Journelle cho biết chi phí nhiên liệu đã tăng 4 lần kể từ năm 2019, đó là chưa kể giá dầu tăng khiến nhiều nguyên liệu cũng lên theo. Ví dụ ren áo ngực đã tăng giá ít nhất 40% so với 3 năm trước đây. Giá quai áo cũng tăng giá hơn 40% trong cùng kỳ.

Lạm phát khủng khiếp nhìn từ chiếc áo ngực phụ nữ: Từ nút cài đến vải ren đều tăng giá, mua loại có gọng hay không gọng là cả một vấn đề - Ảnh 2.

Lạm phát cao nhất 40 năm tại Mỹ


Tiếp đó, chi phí nhuộm màu vải đã tăng 4 lần kể từ tháng 1/2020. Công đoạn này cần nhiều năng lượng để giữ màu, qua đó tốn nhiên liệu hơn. Thậm chí một số xưởng nhuộm đã phải đóng cửa vì không chịu nổi đà tăng giá xăng dầu, trong khi nâng giá quá cao thì mất khách.

Thế rồi gọng giữ dáng ngực thì tăng giá 20% so với năm 2020, còn phần khung cứng bao gồm móc cài áo và vòng sắt cũng tăng 25% trong cùng kỳ.

Chưa dừng lại đó, hộp giấy hay túi đựng cũng tăng giá đáng kể khi tăng giá khoảng 30% mỗi 3 tháng.

"Chẳng nhà cung ứng nào đảm bảo giá sản phẩm đúng như đã thông báo cho đến khi họ giao hàng bởi lạm phát lên quá nhanh", ông Campello than vãn.

Thậm chí các nhà máy của Journelle tại Peru đã phải vận chuyển nguyên liệu bông trong các bao tải vì thiếu hộp giấy, qua đó làm tăng rủi ro giảm chất lượng.

Đà tăng giá này đã khiến Journelle từ bỏ hợp đồng với những nhà máy ở Châu Á để tập trung lấy hàng từ xưởng Châu Âu, qua đó giảm chi phí vận chuyển vốn đang tăng phi mã vì giá dầu. Dù chi phí sản xuất tại Châu Âu cao hơn nhưng tính tổng chung vẫn rẻ hơn so với đặt hàng từ Châu Á.

Bình quân nếu vận chuyển đường hàng không 1 cặp lót ngực từ Châu Á sang Châu Âu tốn khoảng 0,1 Euro năm 2019 thì hiện nay chúng đã lên đến 0,7 Euro.

Lạm phát khủng khiếp nhìn từ chiếc áo ngực phụ nữ: Từ nút cài đến vải ren đều tăng giá, mua loại có gọng hay không gọng là cả một vấn đề - Ảnh 3.

Khi phụ nữ ra đường cần áo ngực

Chủ tịch Sharon Leighton của hãng áo ngực PVH cho biết trong mùa đại dịch, phụ nữ thường ở nhà nhiều nên họ chuộng những dòng "Wirefree" và "Bralette", vốn không có gọng nâng ngực hoặc hỗ trợ nâng ngực, qua đó giảm bớt các bộ phận thiết kế và khiến chi phí rẻ hơn.

Thế nhưng khi nền kinh tế mở cửa trở lại, phụ nữ phải ra ngoài nhiều hơn nên họ chuộng các dòng áo ngực nâng ngực hoặc tạo dáng ngực, qua đó đòi hỏi nhiều bộ phận thiết kế cũng như tốn chi phí hơn. Đây là nguyên nhân chính khiến các hãng áo ngực như Lively buộc phải nâng giá từ 35 USD lên 45 USD vào năm 2021, đợt tăng giá đầu tiên kể từ năm 2016.

Một tên tuổi lớn khác trong ngành là Victoria Secret & Co cũng cho biết chi phí 110 triệu USD đang khiến lợi nhuận của hãng chịu ảnh hưởng nặng, buộc công ty phải nâng giá nhiều dòng sản phẩm. Ví dụ áo ngực dòng "Wear Everywhere" của hãng đã tăng giá từ 52 USD cho 2 chiếc lên 54 USD.

"Sự thật là cả thế giới đang phải đối mặt với lạm phát, từ giá nguyên liệu, vận chuyển, nhân lực cho đến logistic", CEO martin Waters của Victoria Secret ngán ngẩm.

Việc nâng giá này là thông tin xấu với cả chị em phụ nữ lẫn các ông chồng khi doanh số mặt hàng này tăng mạnh trở lại sau dịch. Số liệu của hãng nghiên cứu NPD Group cho thấy tổng doanh số bán áo ngực năm 2021 đã đạt tới 10,2 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2020 và 24% so với năm 2019.

Rõ ràng các chị em muốn một chiếc áo ngực tử tế đi ra ngoài đường chứ không phải dạng thoải mái như trước kia nữa. Trớ trêu thay, giá áo ngực có gọng (Underwire Bra) tại Mỹ hiện có giá bình quân 17 USD, tăng 13% so với năm 2020.

*Nguồn: WSJ



https://cafebiz.vn/lam-phat-khung-khiep-nhin-tu-chiec-ao-nguc-phu-nu-tu-nut-cai-den-vai-ren-deu-tang-gia-mua-loai-co-gong-hay-khong-gong-la-ca-mot-van-de-20220425165209701.chn

Theo Huyền Băng

Nhịp Sống Kinh Tế

Trở lên trên