Lạm phát Mỹ có dấu hiệu đã hạ nhiệt, giới chức Fed sắp cân nhắc ngừng tăng lãi suất?
Số liệu lạm phát mới có thể sẽ khiến cuộc thảo luận của Fed về việc giảm quy mô tăng lãi suất trở nên căng thẳng hơn. Giới chức sẽ bàn về việc tăng lãi suất ở mức 0,25% trong cuộc họp tiếp theo từ ngày 31/1 đến 1/2.
Cuộc thảo luận về kế hoạch giảm tốc độ tăng lãi suất sôi nổi hơn
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự đoán vẫn tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm sau cuộc họp ngày 14/12 nhằm kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, khi CPI 2 tháng liên tiếp đều hạ nhiệt, thì nội dung cuộc thảo luận của các nhà hoạch định chính sách về mức tăng lãi suất vào đầu năm tới có thể sẽ thay đổi.
Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, CPI tháng 11 tăng 0,1% so với tháng trước và cao hơn 7,1% so với 1 năm trước. 2 con số đều cho thấy mức giảm đáng kể so với những lần tăng nóng trước đó.
Fed từ trước đến nay vẫn chú ý đến lạm phát lõi để dự đoán lạm phát trong tương lai hiệu quả hơn so với chỉ số cơ bản. Trong 3 tháng qua, CPI lõi tăng với tốc độ hàng năm là 4,3%, mức thấp nhất trong hơn 1 năm.
Fed bắt đầu cuộc họp kéo dài 2 ngày vào ngày 13/12 tại Washington và đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ về ý định tăng lãi suất thêm 0,5% trong tuần này, sau khi thực hiện 4 lần nâng 0,75% trong các cuộc họp trước đây. Theo đó, lãi suất chuẩn của Fed sẽ dao động từ 4,25% đến 4,5%, mức cao nhất trong 15 năm.
Số liệu lạm phát công bố hôm 13/12 có thể sẽ khiến cuộc thảo luận của các quan chức về việc giảm quy mô tăng lãi suất trở nên căng thẳng hơn. Giới chức sẽ bàn về việc tăng lãi suất ở mức 0,25% trong cuộc họp tiếp theo từ ngày 31/1 đến 1/2. Fed đã tăng lãi suất với tốc độ nhanh kỷ lục trong năm nay kể từ những năm 1980.
Sự đồng thuận về lãi suất sẽ tăng bao nhiêu và duy trì lãi suất cao ở mức như thế nào, trong bối cảnh nền kinh tế đối diện nhiều rủi ro từ triển vọng lạm phát và tiền lương, đang trở nên bất ổn hơn.
Một nhóm những nhà hoạch định chính sách có quan điểm ôn hòa cho rằng lạm phát có thể sẽ tiếp tục hạ nhiệt và muốn giảm thiểu rủi ro sụt giảm số việc làm do lãi suất tăng cao, gây kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, “phe diều hâu” lại sẵn sàng áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn để chống lại lạm phát, vì họ cho rằng CPI cao hơn mục tiêu 2% trong một thời gian dài là điều không thể chấp nhận được.
Aneta Markowska – nhà kinh tế trưởng tại Jefferies, từng dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm. Sau khi số liệu lạm phát mới được công bố, bà tiếp tục cho rằng Fed sẽ không thay đổi quyết định với diễn biến lãi suất trong cuộc họp sắp tới. Bà nói: “Tôi chắc chắn rằng phe ôn hòa đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn về kế hoạch giảm tốc độ tăng lãi suất xuống 25 điểm cơ bản càng nhanh càng tốt.”
Xác suất Fed tăng lãi suất thêm 0,5% ở cuộc họp tuần này và mức tăng 0,25% trong tháng 2 đã tăng từ 35% vào hôm thứ Hai lên 56% vào cuối ngày 13/12, theo dữ liệu theo dõi thị trường hợp đồng tương lai lãi suất của CME Group.
Các nhà đầu tư đang kỳ vọng rằng với số liệu lạm phát mới hoặc những bình luận của ông Powell sẽ báo hiệu giới chức Fed có thể giảm tốc độ tăng lãi suất thêm nữa vào năm tới. Trong các dự đoán của giới chức được công bố hồi tháng 9, hầu hết đều đề xuất mức tăng lãi suất chuẩn lên 4,6% vào năm tới.
Những yếu tố then chốt với lạm phát vẫn "chưa ổn"
Trong những tuần gần đây, giới chức Fed đã đưa ra những tín hiệu cho thấy lãi suất có thể sẽ ở mức cao hơn một chút so với dự đoán cho cuộc họp ngày 13/12. Các nhà phân tích cũng đang có quan điểm chia rẽ về việc liệu hầu hết sẽ đồng tình với việc đưa lãi suất lên cao hơn hay chỉ ở mức dưới 5% vào năm tới.
Matthew Luzzetti, nhà kinh tế trưởng của Mỹ tại Deutsche Bank, cho biết số liệu lạm phát hôm 13/12 “giúp Chủ tịch Powell cùng các quan chức NHTW tự tin hơn một chút rằng lạm phát đang giảm tốc như họ dự đoán cho năm nay”. Tuy nhiên, ông nhận định thời điểm này vẫn là quá sớm để “tuyên bố chiến thắng” với lạm phát, vì lo ngại thu nhập ngày càng tăng sẽ thúc đẩy hoạt động chi tiêu tiêu dùng, từ đó khiến lạm phát vẫn cao hơn 2%.
Luzzetti nói thêm, CPI tháng 10 và tháng 11 cho thấy lạm phát tăng chậm hơn “vẫn chưa đủ thuyết phục cho thấy Fed đã hành động đủ để đạt được mục tiêu lạm phát, đặc biệt là khi thị trường lao động và người tiêu dùng vẫn nhận được động lực đáng kể.”
Hồi tháng trước, ông Powell cho biết Fed đang xem xét xu hướng lạm phát theo 3 tiêu chí. Thứ nhất là giá hàng hóa như ô tô đã qua sử dụng, vốn tăng trong 2 năm qua nay đang giảm mạnh. Thứ 2 là tiền thuê nhà và các thước đo khác về chi phí nhà ở vẫn tăng nhanh, nhưng dự kiến sẽ chậm hơn trong năm tới. Thứ 3 là giá dịch vụ (không bao gồm giá nhà), phần lớn phản ánh chi phí lao động.
Ông Powell chỉ ra giá dịch vụ là yếu tố quan trọng để phản ánh áp lực giá cơ bản. Ông nói: “Thị trường lao động nắm giữ chìa khóa để hiểu rõ vấn đề về lạm phát trong ‘hạng mục’ này.”
Trong khi đó, tăng trưởng tiền lương vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại, đặc biệt là khi các doanh nghiệp đưa ra mức lương cao hơn để thu hút người lao động. Một số quan chức Fed và các nhà kinh tế trong khu vực tư nhân lo ngại rằng 1 năm chứng kiến lạm phát tăng cao thêm nữa có thể khiến người lao động tìm kiếm và nhận được công việc với mức lương hấp dẫn hơn vào đầu năm tới. Và điều này lại càng đẩy lạm phát leo thang.
Markowska dự đoán rằng lạm phát sẽ giảm xuống khoảng 3,5% đến 4% và sau đó sẽ ổn định ở mức này. Theo bà, con số này có thể sẽ là điều “không thể chấp nhận” với nhiều quan chức Fed. Dù điều này không hẳn sẽ thôi thúc NHTW tăng lãi suất mạnh hơn vào năm tới, nhưng có thể sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn so với dự đoán của nhiều nhà đầu tư.
Một vấn đề khó khăn nữa với Fed là việc báo hiệu về đợt giảm tốc độ tăng lãi suất hoặc khả năng kết thúc lộ trình thắt chặt chính sách sẽ là khiến thị trường hồi phục. Theo đó, hoạt động đi vay lại được nới lỏng và khó có thể hạ nhiệt nền kinh tế.
Sonal Desai – CIO của Franklin Templeton Fixed Income, cho biết bằng một cách nào đó, thị trường đã hồi phục sau khi Fed phát tín hiệu về việc nới lỏng điều kiện tài chính. Bà nói: “Thị trường đã rơi vào trạng thái FOMO, điều này có thể dẫn đến đợt tăng giá quá mạnh.”
Tham khảo WSJ
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: Chuyển động thị trường
Xem tất cả >>- Đồng rúp Nga chạm đáy 2 năm so với đồng USD: Chuyện gì đang xảy ra?
- Dow Jones tăng dựng đứng 1.500 điểm, S&P 500 phá đỉnh mọi thời đại khi ông Trump đánh bại bà Harris
- Chứng khoán Mỹ tiếp tục phá đỉnh mọi thời đại, Dow Jones lần đầu tiên chọc thủng mốc 43.000: Tâm lý nhà đầu tư vẫn căng thẳng vì hàng loạt vấn đề nóng
- Chứng khoán Mỹ lập đỉnh chưa từng có trong lịch sử sau khi biên bản họp Fed được công bố, áp lực đè nén tâm lý nhà đầu tư dần được tháo gỡ
- Thị trường toàn cầu giật thót khi căng thẳng Trung Đông leo thang: Chứng khoán chìm trong sắc đỏ, giá dầu bật tăng