MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát Mỹ quá nóng có thể châm ngòi cho sự bùng nổ lãi suất

12-02-2022 - 06:29 AM | Thị trường

Lạm phát Mỹ quá nóng có thể châm ngòi cho sự bùng nổ lãi suất

Ngân hàng Trung ương Mỹ đang chịu áp lực lớn buộc phải có lập trường mạnh mẽ hơn trong việc chống lại lạm phát sau khi giá tiêu dùng của nước này bất ngờ tăng vọt, bất chấp kỳ vọng chính sách tiền tệ sắp bị thắt chặt và chuẩn bị bước vào đường cong lãi suất.

Lạm phát đã thực sự trở thành vấn đề "nhức nhối" tại Mỹ. Dữ liệu từ Bộ Lao động nước này cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tiếp tục tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2021, là mức cao nhất trong vòng tròn 40 năm, đè nặng lên cuộc sống của người tiêu dùng Mỹ khi giá nhà ở, giá thực phẩm và năng lượng đều tăng cao chưa từng có, trong đó giá năng lượng tăng 27% và giá thực phẩm tăng 7%.

Chỉ vài giờ sau những dữ liệu trên, các nhà giao dịch đã lập tức đặt cược vào kịch bản không thể ngờ trước đây rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu đợt tăng lãi suất sắp tới với mức tăng 50 điểm cơ bản.

Sự thay đổi lớn đó của thị trường và việc Chủ tịch ngân hàng dự trữ thành phố St. Louis, James Bullard, tăng sự ‘hiếu chiến’ khi dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất thêm tổng cộng 100 điểm phần trăm trong 4 tháng liên tiếp kể từ tháng 3 cho thấy một cuộc tranh luận trong nội bộ Fed về việc lãi suất cần tăng nhanh và mạnh như thế nào. Điều này sẽ trở nên rõ ràng sau cuộc họp của Fed, sẽ diễn ra trong 2 ngày 15-16/3/2022.

Ngày 11/2, các nhà kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs Group Inc. công bố dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất tổng cộng… 7 lần trong năm nay để kiềm chế lạm phát, tăng mạnh so với mức dự đoán trước đây là tăng 5 lân.

Các nhà kinh tế của Goldman do ông Jan Hatzius phụ trách cho rằng Fed sẽ nâng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp sắp tới, và 6 lần tiếp theo mỗi lần cũng nâng chừng đó.

Mặc dù có một số dự đoán rằng mức tăng lãi suất cơ bản lần 1 sẽ là 50 điểm phần trăm do sự kết hợp của các yếu tố lạm phát quá cao và lương tăng nóng, song các nhà phân tích của Goldman cho biết: "Hầu hết các quan chức Fed đã có phát ngôn đều phản đối việc tăng 50 điểm cơ bản vào tháng 3. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng khả năng cao hơn là một chuỗi những lần tăng kéo dài, mỗi lần thêm 25 điểm cơ b ản".

Sự thay đổi quan điểm của Goldman phản ánh nhận xét của cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Lawrence Summers, người tuần trước nói với Bloomberg Television rằng các nhà đầu tư nên chuẩn bị cho kịch bản Fed có khả năng tăng lãi suất tại tất cả bảy cuộc họp chính sách còn lại trong năm nay và thậm chí tăng hơn một một 1/4 điểm mỗi lần.

Thực tế là cho đến thời điểm này, phần lớn các nhà hoạch định chính sách của Fed đều chống lại ý tưởng tăng 0,5 điểm mỗi lần – điều mà họ chưa từng làm kể từ tháng 5 năm 2000 và cũng không làm ở mỗi điểm đầu chu kỳ tăng lãi suất kể từ những năm 1980.

Lạm phát Mỹ quá nóng có thể châm ngòi cho sự bùng nổ lãi suất - Ảnh 1.

Lãi suất tham chiếu của Mỹ qua các năm.

Tăng lãi suất là điều Fed không mong muốn, tăng mạnh lại càng không mong muốn, bởi đó sẽ là những "bài kiểm tra" sức khỏe của nền kinh tế Mỹ khi mà môi trường cả bên trong và bên ngoài còn rất nhiều yếu tố rủi ro.

Fed lo ngại rằng lãi suất tăng sẽ khiến giá bất động sản thương mại sụt giảm mạnh khoảng 40%, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các tài sản khác biến động mạnh theo hướng mất giá, thậm chí tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng vọt lên 10% trong hai năm tới, và trong tình huống xấu hơn thì Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể giảm hơn 3,5% trong khoảng thời gian hơn một năm.

Tham khảo: Reuters

https://cafef.vn/lam-phat-my-qua-nong-co-the-cham-ngoi-cho-su-bung-no-lai-suat-2022021201071658.chn

Thu Ngân

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên