Lạm phát Mỹ tăng cao nhất 40 năm, được dự báo vẫn chưa đạt đỉnh
Trong tháng 2, người tiêu dùng Mỹ đã phải chi trả nhiều tiền hơn cho các loại hàng hoá và dịch vụ so với tháng và năm trước. Giá các loại mặt hàng đã leo thang trên toàn nền kinh tế khi tình trạng mất cân bằng giữa cung và cầu kéo dài.
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, CPI nước này đã tăng 7,9% trong tháng 2 so với năm trước, đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1982. Con số này đã vượt qua mức cao nhất trong 40 năm hồi tháng 1 là 7,5% và tương đương với ước tính của các nhà kinh tế học, theo dữ liệu của Bloomberg.
Tính theo tháng, giá tiêu dùng cũng tăng với tốc độ nhanh. CPI trong tháng 2 cao hơn 0,8% so với tháng 1, trong khi tháng trước là 0,6%.
Giá năng lượng tăng đột biến là một trong những yếu tố khiến lạm phát ở mức cao. Ngay cả trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine và mối lo ngại về tình trạng gián đoạn năng lượng toàn cầu trở nên căng thẳng hơn, giá dầu và khí đốt đã ở mức cao do nhu cầu đối với dầu và nhiên liệu, cùng các sản phẩm năng lượng khác vượt xa nguồn cung toàn cầu. Tháng 2, chỉ số theo dõi giá năng lượng đã tăng 3,5% và ghi nhận mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 10. Năm ngoái, chỉ số này tăng 25,6%.
Tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine cùng giá năng lượng tăng vọt diễn ra sau đó có thể sẽ ảnh hưởng đến số liệu CPI vào tháng 3, do căng thẳng leo thang vào cuối tháng 2. Kể từ đó, giá xăng đã tăng lên mức cao kỷ lục và giá dầu thô cũng chạm đỉnh 14 năm, có thời điểm lên mức 130 USD/thùng.
Robert Schein - CFP của Blanke Schein Wealth Management, cho biết: "Số liệu mới công bố tiếp tục cho thấy lạm phát không phải là nhất thời và vẫn chưa đạt đỉnh. Chúng tôi cho rằng tỷ lệ lạm phát thậm chí còn tăng mạnh hơn trong những tháng tới. Điều này cho thấy Fed cần phải đẩy nhanh kế hoạch nâng lãi suất, ngay cả với những bất ổn mới xuất hiện từ cuộc khủng hoảng ở Nga và Ukraine."
Việc Nga bị cô lập khỏi các nền kinh tế khác đã tạo ra sự biến động đối với các loại hàng hóa nông nghiệp bao gồm lúa mì - khi Nga là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, và càng thúc đẩy giá lương thực tiếp tục tăng vọt.
Trong tháng 2, chỉ số giá lương thực đã tăng 1% so với tháng trước, cao hơn một chút so với mức thăng 0,9% trong tháng 1. Xu hướng này một phần được thúc đẩy bởi giá thực phẩm sử dụng tại nhà tăng 1,4%, đưa mức tăng hàng năm của chỉ số này lên tới 8,6%.
Dù không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi cũng tăng nhanh trong tháng vừa qua. CPI lõi tăng 6,4% trong tháng 2 so với năm trước, cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1982. Giá nhà ở - một trong những yếu tố lớn khiến lạm phát cao hơn, đã tăng trong tháng 2, giá thuê nhà tăng 0,6% so với tháng trước.
Giá vé máy bay tăng 5,2% lên hơn gấp đôi so với tháng 1, do số ca nhiễm Covid-19 đang giảm dần giúp thúc đẩy nhu cầu đi lại. Song, giá ô tô và xe tải đã qua sử dụng - đang được theo dõi sát sao do nguồn cung ô tô thiếu hụt khiến giá xe cũ tăng cao, lần đầu tiên giảm từ tháng 9, giảm 0,2% so với tháng trước.
Tuy nhiên, thị trường lao động thiếu hụt nhân sự ở thời điểm hiện tại và mức lương ngày càng tăng với nhiều người, lạm phát vẫn tăng với tốc độ mà thu nhập có thể bắt kịp. Số liệu của Bộ Lao động tuần trước công bố cho thấy thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 5,1% trong tháng 2.
Greg McBride - giám đốc phân tích tài chính tại Bankrate, cho hay: "Tốc độ tăng lương cao không bắt kịp với chi phí gia tăng mà các hộ gia đình đang phải đối mặt như tiền thuê nhà, thực phẩm, điện, xăng dầu và nhiều loại hàng hoá, dịch vụ. Sức mua của người dân Mỹ cũng ngày càng sụt giảm, có thể được phản ánh thông qua các chỉ báo về tâm lý người tiêu dùng."