MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát Mỹ tăng mạnh nhất 5 tháng, báo hiệu khả năng Fed tiếp tục cứng rắn và tăng mạnh lãi suất

14-03-2023 - 20:36 PM | Tài chính quốc tế

Lạm phát Mỹ tăng mạnh nhất 5 tháng, báo hiệu khả năng Fed tiếp tục cứng rắn và tăng mạnh lãi suất

CPI Mỹ tăng 0,4% trong tháng 2 và cao hơn 6% so với 1 năm trước.

Lạm phát của Mỹ vừa ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong 5 tháng vào tháng 2. Diễn biến này buộc các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đứng trước lựa chọn khó khăn khi cân nhắc giữa tình trạng lạm phát tăng nhanh và những bất ổn ở các ngân hàng khi sắp đưa ra quyết định điều chỉnh lãi suất tiếp theo.

Theo số liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, CPI lõi tăng 0,5% trong tháng trước và cao hơn 5,5% so với 1 năm trước đó. Các nhà kinh tế Mỹ coi CPI lõi là một chỉ báo hiệu quả hơn so với lạm phát cơ bản.

CPI cơ bản tăng 0,4% trong tháng 2 - trong đó 70% đến từ chi phí nhà ở, và tăng 6% so với 1 năm trước đó. Trong khi đó, ước tính trung bình của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg với CPI cơ bản và CPI lõi là mức tăng 0,4%.

Lạm phát Mỹ tăng mạnh nhất 5 tháng, báo hiệu khả năng Fed tiếp tục cứng rắn và tăng mạnh lãi suất - Ảnh 1.

CPI lõi của Mỹ tăng mạnh nhất 5 tháng trong tháng 2/2023.

Những con số này một lần nữa khẳng định rằng nhiệm vụ kiềm chế lạm phát của Fed sẽ rất khó khăn, vì phần lớn nền kinh tế vẫn thể hiện đà tăng trưởng ổn định bất chấp những đợt tăng lãi suất mạnh tay trong 1 năm trở lại đây. Thách thức với Fed hiện tại là làm thế nào để ưu tiên kìm cương lạm phát đang ở mức quá cao, trong khi vụ ngân hàng SVB sụp đổ đang ảnh hưởng sự ổn định của thị trường tài chính.

Ngay trước khi cuộc khủng hoảng ở SVB xảy ra vào tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã để ngỏ khả năng NHTW đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế hiện cho rằng Fed sẽ duy trì mức nâng nhỏ hơn hoặc tạm dừng hoàn toàn vào cuộc họp trong tuần tới. Một số còn dự đoán về khả năng Fed sẽ hạ lãi suất.

Ethan Harris - trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu tại Bank of America, cho hay: “Chúng ta đang chứng kiến sự hỗn độn này vì rất nhiều NHTW và nhà kinh tế, kể cả Fed tin rằng lạm phát gần như đã được kiểm soát. Song, đà tăng vẫn đang diễn ra.”

Ngoài chi phí nhà ở, thì hoạt động giải trí, đồ nội thất và vé máy bay cũng đóng góp vào mức tăng của CPI lõi vào tháng trước. Giá hàng tạp hoá tăng với tốc độ chậm nhất kể từ tháng 5/2021, trong đó giá trứng hạ mạnh nhất kể từ những tháng đầu tiên của đại dịch.

Việc giá hàng hoá giảm mạnh đã giúp CPI cơ bản hạ nhiệt trong những tháng gần đây. Không tính đến giá thực phẩm và năng lượng, thì giá hàng không thay đổi trong tháng 2. Trong khi đó, giá ô tô cũ - yếu tố chính giúp giá cả tăng chậm hơn trong những tháng gần đây, giảm mạnh nhất trong gần 1 năm, thấp hơn 13,6% so với mức cao nhất kể từ năm 1960.

Giá năng lượng hạ nhiệt nhờ giá khí đốt tự nhiên và dầu nhiên liệu giảm mạnh. Giá điện tại Mỹ thì leo thang trong tháng trước.

Chi phí nhà ở - chiếm tỷ trọng lớn nhất trong mảng dịch vụ và đóng góp khoảng 1/3 trong CPI cơ bản, tăng 0,8% vào tháng trước. Giá thuê nhà và các giá thuê nhà theo ước tính của chủ sở hữu (OER) tăng ở mức kỷ lục ít nhất là 8%.

Giá phòng khách sạn góp phần khiến lạm phát tăng cao hơn, khi ghi nhận mức tăng theo tháng mạnh nhất kể từ tháng 10.

Không bao gồm giá năng lượng và nhà ở, giá dịch vụ tăng 0,4% mạnh nhất kể từ tháng 9, theo tính toán của Bloomberg. Ông Powell và các quan chức Fed đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi số liệu này khi đánh giá xu hướng lạm phát của Mỹ.

Tham khảo Bloomberg 

Vu Lam

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên