MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát nhiên liệu của Việt Nam cao hay thấp so với các nước trong khu vực?

Lạm phát nhiên liệu của Việt Nam cao hay thấp so với các nước trong khu vực?

Lạm phát ở khối ASEAN chưa phải vấn đề đáng lo ngại trong vòng một năm qua. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, lạm phát tại khu vực này có chiều hướng tăng. Theo Báo cáo Rủi ro lạm phát lớn tới đâu của HSBC, nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng là năng lượng.

Theo báo cáo của HSBC, trừ Malaysia và Indonesia, các nền kinh tế còn lại trong khối ASEAN-6 đều là những quốc gia nhập khẩu ròng năng lượng.

Tỷ trọng nhiên liệu trong rổ CPI của Việt Nam và Singapore chỉ ở mức gần 10%. Trong khi đó, tỷ trọng nhiên liệu trong rổ CPI của Malaysia lên đến hơn 16%. Tuy nhiên, mức độ tác động của năng lượng lại không đồng đều, tùy thuộc vào sự điều chỉnh giá của mỗi nước và mức thuế áp lên nhiên liệu.

Theo HSBC, Thái Lan là nước phải đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng mạnh nhất, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát nhiên liệu của Việt Nam cao hay thấp so với các nước trong khu vực? - Ảnh 1.

Báo cáo của HSBC ghi nhận lạm phát năng lượng ở Indonesia đã tăng đều từ tháng 1/2022, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Quốc hội Indonesia đã thông qua đề nghị về việc nâng mức trợ cấp và bù giá năng lượng năm 2022 lên 349,9 nghìn tỷ IDR (tương đương với 23,8 tỷ USD).

HSBC đánh giá Malaysia kiểm soát lạm phát năng lượng tốt hơn nhờ hiểu ứng cơ sở thuận lợi và kiểm soát giá. Trong năm 2022, chính phủ nước này có kế hoạch chi 28 tỷ MYR (tương đương khoảng 6,7 tỷ USD) chỉ dành riêng cho trợ cấp nhiên liệu, gấp đôi năm 2021. Ngoài ra, đây cũng là nước xuất khẩu ròng dầu mỏ và khí đốt duy nhất trong khối ASEAN nên nguồn thu từ xuất khẩu giúp chính sách trợ cấp năng lượng ổn định hơn.

Ở Philippines, lạm phát đã tăng lên 20% trong 4 tháng đầu năm 2022. Nhằm giúp người dân đối phó với tình hình đó, chính phủ của Tổng thống Duterte trợ cấp nhiên liệu cho lái xe phương tiện công cộng 6.500 PHP/người (tương đương khoảng 120 USD). Bộ Năng lượng nước này cũng hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp dầu mỏ tư nhân để đàm phán giảm giá cho ngành vận tải công cộng từ 1-4 PHP/lít xăng.

Thái Lan bị ảnh hưởng trực tiếp do giá dầu tăng lên. Chi phí vận tải khiến giá cả tăng cao, làm lạm phát tại quốc gia này trong tháng 3/2022 đạt đỉnh kỷ lục trong vòng 13 năm qua. Áp lực tiếp tục gia tăng khi Quỹ xăng dầu tại quốc gia này cạn kiệt nghiêm trọng. Do đó, Chính phủ Thái Lan đưa ra chính sách hỗ trợ, trợ cấp tiền mặt cho hộ nghèo mua khí đốt nấu nướng, giảm tiền điện và giảm thêm thuế tiêu thụ dầu diesel.

Theo HSBC, lạm phát ở Singapore chịu áp lực nhiều từ nhu cầu tăng lương và thị trường lao động gia tăng. Cùng với lạm phát do nhu cầu, giá năng lượng tăng cao cũng đang đẩy giá các mặt hàng cơ bản lên. Chỉ số CPI cơ bản của Cơ quan Tiền tệ Singapore bao gồm các tiện ích điện và khí đốt, phản ánh những thay đổi trong giá dầu khá chậm chạp.

Còn tại Việt Nam, lạm phát năng lượng đã kéo dài được một thời gian. Giá dầu thế giới tăng và nguồn cung xăng dầu trong nước thiếu hụt càng khiến tình trạng khan hiếm năng lượng của Việt Nam nghiêm trọng hơn. Từ tháng 1/2022, nhà máy lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam - Lọc hoá dầu Nghi Sơn đã giảm công suất và gần như không hoạt động vào tháng 2, trước khi nâng công suất lên khoảng 80% vào tháng 3.

Kể từ 1/4, chính phủ cũng đã cắt giảm thuế bảo vệ môi trường, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại thuế phí đánh vào nhiên liệu, xuống 2.000 đồng đối với xăng và 700 - 1.000 đồng đối với các loại nhiên liệu khác. Bất chấp giá năng lượng tăng lên, lạm phát thực phẩm ở mức vừa phải, vốn chiếm tỷ trọng lớn hơn trong rổ CPI, đã giúp kiểm soát mức tăng chung của lạm phát toàn phần tính tới thời điểm này.

Lạm phát nhiên liệu của Việt Nam cao hay thấp so với các nước trong khu vực? - Ảnh 2.

Theo báo cáo của HSBC, tính đến tháng 1/2022, lạm phát nhiên liệu ở Thái Lan tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong các nước ASEAN-6. Mức tăng lạm phát nhiên liệu của Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực với mức khoảng 15%. Indonesia và Malaysia là 2 quốc gia có mức lạm phát nhiên liệu thấp nhất.

Tuy nhiên, tỷ trọng nhiên liệu trong rổ CPI của Việt Nam không cao đã giúp kiểm soát mức tăng chung của lạm phát toàn phần tính tới thời điểm này. Báo cáo HSBC nhận định: "Trong khi lạm phát hiện tại vẫn ở dưới mục tiêu 4%, chúng tôi dự báo tình trạng giá năng lượng cao còn kéo dài sẽ tiếp tục đẩy giá cả nói chung lên. Nhiều khả năng lạm phát sẽ có lúc vượt qua trần 4% của Ngân hàng Nhà nước trong nửa sau của năm 2022 nhưng chỉ là tạm thời".

Cũng trong báo cáo này, HSBC đã hạ mức dự báo lạm phát của Việt Nam từ 3,7% xuống 3,5%, thấp thứ 2 trong khu vực.

Lạm phát nhiên liệu của Việt Nam cao hay thấp so với các nước trong khu vực? - Ảnh 3.

Dự báo lạm phát tại các nước ASEAN-6 năm 2022 của HSBC. Nguồn: HSBC

https://cafef.vn/lam-phat-nhien-lieu-cua-viet-nam-cao-hay-thap-so-voi-cac-nuoc-trong-khu-vuc-20220615074340448.chn

Anh Ngọc

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên