MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát ở Eurozone cao kỷ lục nhưng chưa đạt đỉnh

09-01-2022 - 16:07 PM | Tài chính quốc tế

Lạm phát ở 19 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đạt mức cao kỷ lục, nguyên nhân phần lớn do chi phí thực phẩm và năng lượng tăng cao.

Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) hôm 7-1 công bố số liệu sơ bộ cho thấy tỉ lệ lạm phát ở khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã tăng lên mức cao kỷ lục 5% trong tháng 12-2021.

Đây cũng là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1997 khi các dữ liệu liên quan được thu thập. Giá năng lượng dẫn đầu mức tăng là 26% trong năm qua. Giá thực phẩm trong tháng trước đã tăng lên 3,2% từ mức 2,2% hồi tháng 11-2021, trong khi giá hàng hóa tăng với tốc độ nhanh hơn là 2,9%.

Theo hãng tin AP, tỉ lệ lạm phát trong tháng 12-2021 tiếp đà tăng của tháng trước đó là 4,9%, phản ánh tác động từ việc giá năng lượng tăng vọt. Tỉ lệ lạm phát cao trong tháng 12-2021 cho thấy lạm phát trở thành một trong những vấn đề chính khiến các nhà hoạch định chính sách kinh tế đau đầu.

Báo cáo mới gây áp lực buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải hành động chống lạm phát sau khi đã duy trì lãi suất ở mức cực thấp để kích thích nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Sự xuất hiện của biến thể Omicron đã buộc giới chức trách phải cân nhắc bất kỳ quyết định nào có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và các nhà phân tích không kỳ vọng ECB sẽ tăng lãi suất cho đến năm 2023.

 Lạm phát ở Eurozone cao kỷ lục nhưng chưa đạt đỉnh  - Ảnh 1.

Người dân mua sắm ở trung tâm TP Nijmegen - Hà Lan hồi tháng 12-2021 Ảnh: REUTERS

Lạm phát không chỉ là vấn đề của riêng EU, giá tiêu dùng ở Mỹ đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 39 năm và lạm phát ở Anh cũng tăng cao nhất trong hơn một thập kỷ qua.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Thổ Nhĩ Kỳ tăng 36% trong tháng trước, mức cao nhất trong 19 năm qua và Brazil đã chứng kiến lạm phát hơn 10%, mức tăng nhanh nhất trong 18 năm.

Ông Bert Colijn, nhà kinh tế cấp cao tại Tập đoàn ING (Hà Lan), nhận định lạm phát trong khu vực đồng euro sẽ sớm đạt đỉnh. Nguyên nhân phần lớn gây lạm phát là giá khí đốt tự nhiên đã biến động mạnh trong những tuần gần đây.

Các nhà kinh tế dự báo tỉ lệ lạm phát cơ bản sẽ giảm nhưng vẫn ở mức từ 2% trở lên trong năm nay. Chứng khoán châu Âu cũng giảm điểm trong phiên giao dịch hôm 7-1 sau báo cáo lạm phát cao kỷ lục.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ khép lại tuần giao dịch đầu năm mới ảm đạm sau phiên giao dịch giảm điểm hôm 7-1. Đóng cửa phiên giao dịch cuối của tuần, chỉ số Nasdaq giảm 0,9%, ở mức 14.935,9 điểm; chỉ số S&P 500 giảm 0,4%, còn 4.677,03 điểm; chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 4,81 điểm, ở mức 36.231,6 điểm.

Ông Jay Pestrichelli, đồng sáng lập quỹ ZEGA Financial (Mỹ), nhận xét: "Thị trường chứng khoán đang trải qua giai đoạn chuyển giao sau một năm 2021 tăng điểm mạnh mẽ". Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 1,8% trong phiên hôm 7-1, duy trì xu hướng tăng mạnh khi bước sang năm 2022 từ mức 1,51% vào cuối năm 2021.

Báo cáo cuộc họp tháng 12-2021 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được công bố hôm 5-1 trở thành chất xúc tác cho đà tăng nói trên. Báo cáo cuộc họp cho thấy FED đã sẵn sàng thu hồi các biện pháp kích thích kinh tế nhanh hơn dự kiến.

Báo cáo về việc làm của Bộ Lao động Mỹ hôm 7-1 cũng ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý thị trường. Số lượng việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng thêm 199.000 trong tháng 12-2021, thấp hơn con số dự báo là 422.000 việc làm.

Theo Xuân Mai

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên