MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát quay đầu giảm mạnh, mừng hay lo?

Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 giảm khá mạnh tới 0,53% so với tháng trước. Tốc độ tăng CPI bình quân 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2016 cũng giảm xuống còn 4,47% từ mức 4,8% trong tháng 4.

Nguyên nhân chính kéo CPI tháng 5 giảm khá mạnh là do giá thịt lợn – một trong những mặt hàng thực phẩm được tiêu dùng mạnh nhất rớt thảm, kéo nhóm hàng thực phẩm giảm tới 2,27%, qua đó góp phần kéo nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,43% (lương thực giảm 0,06%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,02%).

Bên cạnh đó, nhóm Giao thông cũng giảm 0,36% do tác động của mấy đợt giảm giá xăng dầu gần đây. Ngoài ra trong tháng nhóm Bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 0,05% và nhóm Nhà ở vật liệu xây dựng giảm 0,02%.

Có thể thấy chính sự giảm mạnh của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ hàng tính CPI - đã xóa nhòa mức tăng nhẹ của 7 nhóm hàng hóa dịch vụ còn lại khi trong tháng 5 các nhóm hàng này chỉ tăng từ 0,02 – 0,15%.

Nhờ đó tính chung 5 tháng đầu năm, CPI mới tăng 0,37%; còn so với cùng kỳ tăng 3,19%.

Xét theo khu vực, CPI tháng 5 của khu vực thành thị giảm 0,3% so với tháng trước; tăng 0,63% so với tháng 12/2016 và tăng 3,46% so với cùng kỳ năm 2016; bình quân 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2016, CPI tại khu vực thành thị tăng 4,59%. Các con số tương ứng của khu vực nông thôn là -0,75%; 0,14%; 2,93% và 4,36%.

Diễn biến giá cả tháng 5 lại thắp lên hy vọng lạm phát cả năm sẽ đạt được mục tiêu. Tuy nhiên đây lại là nỗi lo cho người chăn nuôi khi mà giá thịt lợn rớt thảm trong những tháng đầu năm đã đẩy không ít người chăn nuôi lâm vào cảnh khó khăn; buộc các cơ quan chức năng phải ra tay giải cứu. Sau lợn, gần đây theo phản ánh của nhiều cơ quan báo chí giá trứng gà cũng đang sụt giảm mạnh.

Bởi vậy, theo các chuyên gia, việc lạm phát giảm mạnh trong tháng 5 không phải là điều đáng mừng và không bền vững. Vì vậy các cơ quan chức năng vẫn cần thận trọng với diễn biến lạm phát, khi mà áp lực lạm phát vẫn đang rất lớn.

Hiện giá dầu thế giới lại có xu hướng tăng cao trở lại sau khi OPEC và các nước phi OPEC do Nga dẫn đầu đã đồng thuận kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng cho tới tháng 3/2018. Giá nhiều loại hàng hóa nguyên vật liệu cũng có xu hướng tăng cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới.

Trong nước, quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% cũng tạo áp lực lên lạm phát khi các chính sách sẽ thiên về xu hướng nới lỏng. Bên cạnh đó là lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý.

"Phải rất nỗ lực và có những giải pháp hợp lý mới có thể cùng lúc đạt được 2 mục tiêu: tăng trưởng 6,7% và lạm phát 4%", một chuyên gia cho biết.

Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng năm 2017 của Việt Nam chỉ đạt 6,3% và sẽ tăng lên 6,4% trong năm 2018 và 2019. Trong khi lạm phát, theo WB, dự kiến vẫn ở mức vừa phải (4%) trong giai đoạn 2017-2019 nhờ giá cả hàng hóa và năng lượng giảm.

Trong khi tổ chức nghiên cứu thị trường Market Intello mới đây đã hạ dự báo lạm phát năm 2017 xuống còn 3,8%, song vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng cả năm ở mức 6,1%.

Về diễn biến hai nhóm hàng hóa đặc biệt là vàng và USD, Tỏng cục Thống kê cho biết, trong tháng 5 chỉ số giá vàng giảm 0,10% so với tháng trước; tăng 2,91% so với tháng 12/2016 và tăng 4,12% so với cùng kỳ năm 2016; bình quân bình quân 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2016, chỉ số giá vàng tăng 7,22%.

Các con số tương ứng của chỉ số đồng đôla Mỹ là -0,03%; 2,91%; 4,12% và 1,36%.

Theo Phương Linh

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên