MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát quy hoạch nhìn từ chuyện mở bàn bida và vụ kiện đòi bồi thường 3 tỷ USD

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện quy hoạch của các bộ, ngành và địa phương rất nhiều. Giai đoạn 2011 - 2014, nếu chia trung bình, mỗi tháng cả nước có 358 quy hoạch được lập. Vấn đề là các quy hoạch này phần nhiều chưa có tính liên kết, chồng chéo, "giẫm đạp" lên nhau gây khó khăn cho quá trình thực hiện.

Bàn bida, 3 tỷ USD, những chuyện bi hài về quy hoạch

Tháng 9 năm ngoái, tại Hội nghị ngành Công thương 28 tỉnh phía Bắc tổ chức tại Nam Định, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chia sẻ một câu chuyện thật như đùa.

Đó là khi về quê, một vị lãnh đạo được người cháu nhờ giúp để anh này có thể mở được một cái quán kinh doanh dịch vụ bida ngay tại xóm. Vị này nghe xong quá đỗi ngạc nhiên bởi “xin mở cái quán bida sao cũng phải nhờ?”. Người cháu lúc này mới trần tình lại là anh ta đã lên xã xin phép nhưng Chủ tịch UBND xã “lắc đầu” vì lý do theo “quy hoạch mỗi xóm trong xã chỉ được đặt một bàn bida” trong khi trước đó trong xóm đã có người kinh doanh dịch vụ này rồi.

Câu chuyện đấy có thể mang màu sắc bi hài, nhưng câu chuyện được Thứ trưởng Đặng Huy Đông kể trước đó 2 tháng thì thì lại không đùa được chút nào. "Chúng ta đã từng bị kiện ra toà án quốc tế vì những vấn đề liên quan đến quy hoạch”, Thứ trưởng tiết lộ.

Theo đó, có trường hợp địa phương cấp phép đầu tư cho một doanh nghiệp nước ngoài nhưng sau đó xảy ra tranh chấp, vì lãnh đạo địa phương trước căn cứ theo quy hoạch về du lịch, còn lãnh đạo sau lại căn cứ theo quy hoạch khoáng sản, khiến dự án của doanh nghiệp bị tổn thất.

"Hệ quả là, doanh nghiệp kiện chúng ta ra toà án quốc tế. Vốn ban đầu doanh nghiệp bỏ ra chỉ có 70 nghìn USD nhưng họ đòi chúng ta đền bù tới 3 tỷ USD. Vì đó là con số lợi nhuận kỳ vọng họ có được từ dự án", ông Đông kể.

Tuy nhiên, ông Đông cho biết nhờ vào luật sư giỏi và may mắn, phía Việt Nam đã thắng kiện và không phải bồi thường.

Dù vậy, hai câu chuỵện trên cũng chỉ là những ví dụ rất nhỏ nếu như soi kỹ vào cả một bức tranh quy hoạch của Việt Nam.

Khi con số lên tiếng…

Theo số liệu mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, đến hết năm 2014, số lượng quy hoạch do các Bộ, ngành, địa phương tổ chức lập là 12.860 quy hoạch. Trong đó số lượng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 11.206 (đạt 87 %).

Năm 2015, các Bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục triển khai 907 quy hoạch, đưa tổng số quy hoạch dự kiến lập cho thời kỳ 2011-2020 là 13.767 quy hoạch các loại.

Trong đó, cơ cấu số lượng quy hoạch các loại như sau: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội là 800/13.767 quy hoạch (chiếm 5,8%); quy hoạch xây dựng là 7.180/13.767 quy hoạch (chiếm 52,1%); quy hoạch sử dụng đất là 2.249/13.767 quy hoạch (chiếm 16,3%); quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm là 3.538/13.767 quy hoạch (chiếm 25,8%).

Có thể thấy số lượng quy hoạch xây dựng là cao nhất (chiếm trên 1/2 trong tổng số quy hoạch thời kỳ 2011-2020), tiếp đó là quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chiếm tỷ lệ thấp nhất.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thời kỳ 2011 - 2020, số lượng quy hoạch phải lập là 19.285 quy hoạch nhưng đến hết năm 2014 các cấp, các ngành mới triển khai được 12.860 quy hoạch (chiếm 67% dự kiến). Nghĩa là sau 3 năm, số quy hoạch được lập trên cả nước là gần 4.300 quy hoạch/năm và gần 358 quy hoạch/tháng.

Dù vậy, trên thực tế, do nhu cầu quản lý, nhiều quy hoạch không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng vẫn được lập hoặc lập nhiều hơn mức quy định như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội cấp xã lập 20 quy hoạch; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu cấp vùng lập thêm 65 quy hoạch; quy hoạch sử dụng đất cấp vùng lập 3 quy hoạch.

Số lượng quy hoạch còn lại là 6.425 quy hoạch sẽ được thực hiện vào năm 2015 và các năm tiếp theo, trong đó chủ yếu tập trung vào nhóm quy hoạch xây dựng ở cấp huyện, cấp xã.

Quy hoạch “đạp” lên quy hoạch

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quy hoạch trên thế giới thông thường phải nhất quán từ trên xuống dưới mới đạt được hiệu quả. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, các quy hoạch được lập riêng rẽ và không theo trật tự nào.

“Chưa có quy hoạch cả nước, quy hoạch vùng mới dừng lại chủ yếu ở nội dung dự báo phát triển, trong khi đó yếu tố tổ chức không gian các hoạt động kinh tế, xã hội và môi trường đóng vai trò quan trọng nhất trong một bản quy hoạch lại thiếu”, Bộ này chỉ ra.

Điều này đã khiến cho hệ thống quy hoạch hiện nay không thống nhất về đối tượng quy hoạch và không tương thích về thời kỳ, phạm vi, trình tự, phương pháp lập quy hoạch, gây khó khăn trong chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý quy hoạch.

Về sự chồng chéo quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết mâu thuẫn này bắt nguồn từ việc các văn bản QPPL điều chỉnh về quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất quy định khác nhau về nội dung của từng loại quy hoạch đã dẫn đến chồng chéo giữa quy hoạch cấp vùng với quy hoạch cấp tỉnh, giữa quy hoạch cùng cấp với nhau.

Mâu thuẫn giữa các quy hoạch thể hiện dưới nhiều hình thức, nhiều mức độ khác nhau. Cùng một đơn vị hành chính, cùng một ngành nhưng có nhiều quy hoạch được lập, mỗi quy hoạch lại đề ra một chỉ tiêu khác nhau gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

“Riêng ngành Dược đã có hai Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa dược đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 và Quy hoạch phát triển ngành dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Như vậy, trong lĩnh vực sản xuất dược liệu có 2 quy hoạch cùng đề cập đến phát triển vùng nguyên liệu, cơ sở chế biến, chiết xuất của ngành dược dẫn đến phát triển không thống nhất vì phân bố sản xuất không thống nhất, từ đó đầu tư trùng lặp về vốn, gây khó khăn cho thực hiện”, Bộ này nêu ví dụ về sự chồng chéo quản lý nhà nước đối với cùng một ngành, lĩnh vực.

Đình Phương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên