MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát tăng cao nhưng vẫn tiếp tục nới lỏng tiền tệ trong năm 2022?

04-01-2022 - 14:26 PM | Tài chính - ngân hàng

Hình ảnh minh họa

Hình ảnh minh họa

Nhiều quốc gia vẫn đang loay hoay với dịch bệnh thế nhưng một mối lo mới là lạm phát lại đang dần thành hình và đè nặng lên các quốc gia, đặt họ trong trạng thái tiến thoái lưỡng nan.

Đồng loạt nới lỏng tiền tệ trên diện rộng nhằm cứu vãn nền kinh tế trước tác động của Covid-19

Trong suốt giai đoạn 2020-2021, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các ngân hàng trung ương buộc phải thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo các thống kê từ Bloomberg, kể từ tháng 3/2020 đến cuối tháng  8/2021 các ngân hàng trung ương lớn bao gồm FED, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ), Ngân hàng Châu Âu (ECB) đã bơm ra thị trường một lượng thanh khoản lớn nhất từ trước đến nay thông qua các chương trình nới lỏng định lượng nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Điều này đã góp phần đẩy khổi tài sản của các ngân hàng này lên mức kỷ lục 24 nghìn tỷ USD.

Lạm phát tăng cao nhưng vẫn tiếp tục nới lỏng tiền tệ trong năm 2022? - Ảnh 1.

(Khối tài sản khổng lồ của 3 ngân hàng trung ương là FED, BOJ, ECB phình to kỷ lục lên mức 24 nghìn tỷ USD từ việc bơm tiền cấp cứu nền kinh tế trước dịch bệnh tính đến tháng 8/2021, nguồn: Bloomberg)

Về lãi suất, sau hơn 207 lần cắt giảm lãi suất từ 2020, sang năm 2021 các ngân hàng trung ương ở các nước phát triển  vẫn tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp so với mức trước đại dịch. FED duy trì ở mức 0,13% cho đến hết năm 2021 (tháng 12/2019 con số này là 1,63%), BOE là 0,1% (12/2019 là 0,75%), BOJ vẫn duy trì mức -0,1%. 

Lạm phát tăng cao khiến các ngân hàng phải tính lại

Đến nay, khi dịch bệnh đã được kiểm soát nhờ vaccine, minh chứng bởi việc sự tương quan ngược chiều giữa việc gia tăng số ca nhiễm và số ca tử vong. Cộng với đó là lạm phát tăng cao thì các ngân hàng trung ương cũng đã có ít lí do hơn cho việc tiếp tục duy trì việc nới lỏng chính sách tiền tệ ở mức cao, thay vào đó họ có xu hướng chuyển dần sang việc thu hẹp các chính sách tiền tệ của mình.

Lạm phát tăng cao nhưng vẫn tiếp tục nới lỏng tiền tệ trong năm 2022? - Ảnh 2.

(Tương quan số ca nhiễm Omicron và số ca tử vong, nguồn: Dữ liệu Covid-19 Đại học John Hopkins)

Chẳng hạn, ở các nước phát triển đã đồng loạt hoặc có kế hoạch thu hẹp các gói nới lỏng định lượng (QE), giảm việc mua lại trái phiếu của các doanh nghiệp.

Trong đó FED dự kiến sẽ rút lại các biện pháp hỗ trợ sớm hơn vào khoảng cuối tháng 3/2022 và tăng lãi suất từ tháng 5/2022. Ngân hàng trung ương Anh (BOE) tăng lãi suất từ tháng 12/2021 - trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên tăng lãi suất.

Lạm phát tăng cao nhưng vẫn tiếp tục nới lỏng tiền tệ trong năm 2022? - Ảnh 3.

(Nguồn: BVSC)

Ở các nước mới nổi, Brazil gần đây ghi nhận lạm phát tăng phi mã vào cuối quý 3/2021 và tình hình đang diễn biến xấu đi khi mà lạm phát tháng 12 nước này lên đến 10,74% so với cùng kỳ. Brazil cũng là nước có mức tăng lãi suất lớn nhất trong khối các nước mới nổi cũng như trong số các nền kinh tế lớn của toàn thế giới khi trong năm nay khi đã tăng tổng cộng 7,25%.

Nga còn cách mức lạm phát kỷ lục không quá xa khi mà trong tháng 12/2021 vừa qua mức lạm phát ở nước này lên đến 8,39%. Trong tình thế đó Nga đã phải tăng lãi suất đến 425 điểm cơ bản.

Thổ Nhĩ Kỳ tuy là nước mạnh tay nhất nới lỏng tiền tệ trong năm qua nhưng mức lạm phát phi mã vượt 21,31% vào tháng 12/2021 cũng đang đặt ngân hàng trung ương nước này trong trạng thái sớm phải có những hành động nhằm ổn định giá cả trong năm nay.

Lạm phát tăng cao nhưng vẫn tiếp tục nới lỏng tiền tệ trong năm 2022? - Ảnh 4.

(Bản đồ lãi suất các nước mới nổi 2021, nguồn: Bloomberg)

Việt Nam thì sao?

Theo các chuyên gia, năm 2021 lạm phát chịu áp lực lớn nhưng Việt Nam vẫn kiểm soát tốt dưới 4%. Tuy nhiên trong năm 2022 sẽ không còn dễ dàng như vậy, đặc biệt với nền kinh tế mở như Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét Dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, một trong những nội dung được đề cập trong Dự thảo là nỗ lực cắt giảm lãi suất cho vay, do đó, theo chuyên gia, việc thắt chặt chính sách tiền tệ ở Việt Nam sẽ chưa xảy ra trong thời gian ngắn trước mắt, mà sẽ tiếp tục duy trì nới lỏng để hỗ trợ khôi phục nền kinh tế.


Hà Kim Thành

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên