MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát và ẩn số điện, xăng

Rõ ràng, áp lực lạm phát là rất lớn cùng với việc tăng giá điện và xăng dầu; trong đó nếu như việc tăng giá điện đã được lượng hóa thì giá xăng dầu vẫn đang là một ẩn số...




Giá xăng tiếp tục tăng thêm 1.100 – 1.200 đồng/lít kể từ chiều 17/4; trong khi giá các mặt hàng dầu cũng tăng thêm 300 – 400 đồng/lít,kg. So với thời điểm cuối năm 2018, giá xăng RON 95 đã tăng tới 3.090 đồng/lít, tương đương tăng 17%; xăng E5 tăng 2.920 đồng/lít, tương đương tăng 17,4%; giá các mặt hàng dầu cũng tăng tới 8,5%.
Lạm phát và ẩn số điện, xăng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa


Giá xăng dầu tăng mạnh, vượt qua dự báo của nhiều tổ chức càng cho thấy không thể xem thường áp lực lạm phát năm 2019, đặc biệt là ẩn số giá xăng dầu. Còn nhớ tại Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2019 vừa được công bố mới đây, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (VEPR) đã cảnh báo lạm phát hiện là biến số đáng quan tâm nhất trong năm 2019.

Quả vậy, mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2019 chỉ tăng 2,63% - mức tăng thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, lạm phát tính theo năm có xu hướng tăng dần trong 3 tháng đầu năm, lần lượt đạt 2,56%, 2,64% và 2,7%.

Đáng quan ngại hơn là CPI quý I chưa hề phản ánh việc giá điện tăng mạnh tới 8,36% từ ngày 20/3. Bởi vậy, VEPR cảnh báo, nền kinh tế trong quý II/2019 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do giá điện tăng 8,36% vào ngày 20/3 có thể làm CPI tăng khoảng 3,3%;và theo kịch bản mà tổ chức đưa ra, lạm phát của năm 2019 trong quý II là 2,78%, quý III 3,26%, quý IV 4,2%. Với các con số dự kiến trên, lạm phát cả năm 2019 khoảng 3,2%.

Tuy nhiên, kịch bản lạm phát trên của VEPR có thể chưa lường tới việc giá xăng dầu trong nước liên tục tăng mạnh theo thế giới. Trên thực tế, Bộ Tài chính cũng đã tính tới 3 kịch bản CPI năm 2019 với các giả thiết diễn biến giá xăng dầu thế giới ở các mức độ tăng khác nhau. Thế nhưng mức độ tăng giá dầu thế giới mà cơ quan này tính tới cao nhất cũng chỉ là 15%.

Cụ thể, theo kịch bản 1 với giả thiết giá dầu bình quân thế giới tăng 5%, tác động tớiCPI năm 2019 có thể tăng 3,4% so với năm 2018. Còn tại kịch bản 2, giả thiết nếu xăng dầu thế giới tăng 10%,CPI tăng khoảng 3,7%. Với kịch bản 3, nếu xăng dầu thế giới tăng 15% sẽ khiến CPI tăng ở mức 3,8 - 3,9%.

Thế nhưng, không chỉ phụ thuộc vào diễn biến giá trên thế giới, giá bán lẻ xăng dầu trong nước năm 2019 còn bị đẩy tăng do thuế bảo vệ môi trường, và sẽ tác động đến lạm phát và tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo một nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế quốc dân, việc tăng thuế môi trường thêm 1000 đồng/lít kể từ ngày 1/1/2019 đẩy giá xăng dầu bình quân chung năm 2019 tăng khoảng 5% so với năm 2018. CPI tăng ngay ở tháng đầu sau khi giá xăng dầu tăng khoảng 0,18%, tháng thứ 2 tăng 0,21%. Ảnh hưởng trực tiếp của giá xăng đến tiêu dùng cuối cùng của dân cư khiến ước tính 3 tháng sau CPI tăng 0,22%.

Ngoài ra, giá xăng dầu tăng khiến chi phí trung gian của nền kinh tế tăng 0,39%, tỷ lệ chi phí trung gian trên giá trị sản xuất tăng lên 0,1 điểm phần trăm, từ đó dẫn đến chỉ số giá khi bán cho người mua tăng 0,25%. CPI tăng ở chu kỳ sản xuất sau thông qua quá trình sản xuất là 0,25%. Như vậy, ở ngay chu kỳ sản xuất tiếp theo, CPI có thể tăng 0,47% (0,25% + 0,22%)…

Thế nhưng nay giá xăng trong nước đã tăng tới hơn 17% cho dù đã phải chi sử dụng quỹ bình ổn giá tới 1.456 đồng/lít xăng E5 và 743 đồng/lít xăng Ron 95. Điều đó cũng có nghĩa nếu không sử dụng quỹ bình ổn, giá xăng dầu trong nước có thể còn tăng cao hơn. Thế nhưng việc xả quỹ khó có thể duy trì được lâu khi mà hiện tại nhiều DN, quỹ bình ổn đã âm. Chẳng hạn trước thời điểm 15h ngày 17/4, quỹ bình ổn tại Petrolimex đã âm 204 tỷ đồng.

Rõ ràng, áp lực lạm phát là rất lớn cùng với việc tăng giá điện và xăng dầu; trong đó nếu như việc tăng giá điện đã được lượng hóa thì giá xăng dầu vẫn đang là một ẩn số. Đáng lo ngại hơn là việc tăng giá xăng dầu ngày 17/4 có thể khiến giá nhiều mặt hàng không thể níu giữ được nữa, buộc phải tăng theo.

Vì lẽ đó, kiềm chế lạm phát vẫn là ưu tiên hàng đầu và trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, các chính sách vĩ mô cần phải được điều hành hết sức thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ trong việc kiểm soát lạm phát. Đặc biệt, việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, sách giáo khoa, tăng lương cơ sở… cần được cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm và mức độ để tránh tạo kỳ vọng lạm phát.

Theo Minh Trí

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên